Ủy ban châu Âu – cơ quan điều hành Liên minh châu Âu (EU) cho rằng việc đưa ra mức trần giá khí đốt sẽ làm ảnh hưởng đến các hợp đồng dài hạn hoặc an ninh nguồn cung hiện nay của các nước thành viên.
Theo Reuters, sau nhiều tranh cãi tại hội nghị thượng đỉnh kéo dài trong tháng trước, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí giao nhiệm vụ cho Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất một mức giá trần khí đốt tạm thời trong sản xuất điện và tạo ra một hành lang giá giao dịch khí tự nhiên để giảm chi phí cho người tiêu dùng.
Czech là quốc gia tiên phong đề xuất vấn đề này và tới nay đã có khoảng 15 nước thành viên, trong đó có Pháp, Ý, Bỉ, Ba Lan ủng hộ và thúc giục EU để đưa ra một khung tạm thời về giới hạn giá năng lượng.
Tuy nhiên, số còn lại do Đức dẫn đầu trong đó có Áo, Hungary, Hà Lan lại đang phản đối mạnh mẽ. Phía Đức cho rằng mức giá trần không được ảnh hưởng đến các hợp đồng dài hạn, dẫn đến tăng tiêu thụ khí đốt hoặc kích động các nhà sản xuất định hướng lại nguồn cung cấp ở nơi khác.
“Giờ đây, Ủy ban châu Âu cho biết không thể có mức giới hạn đáp ứng các tiêu chí này,” một nhà ngoại giao EU nói với Reuters.
Vấn đề này đã gây chia rẽ ở các nước EU trong nhiều tháng trong bối cảnh các quốc gia đang chật vật với khủng hoảng năng lượng và lạm phát cao kỷ lục, đe dọa suy thoái trong khối. Bên cạnh đó, sự bất đồng giữa các quốc gia trong khối đang khiến nguy cơ suy thoái kinh tế của khối trong mùa đông này đang trở nên hiện hữu.
Một nhà ngoại giao EU khác nói với Reuters rằng, thay vào đó, Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra một "cơ chế điều chỉnh thị trường" tự nguyện. Tuy nhiên, động thái này không đủ mạnh để hạn chế ngay mức tăng đột biến giá năng lượng ở nhiều quốc gia. Nhà ngoại giao cũng không cung cấp chi tiết về cách thức hoạt động của cơ chế này.
Europex - Hiệp hội Trao đổi năng lượng châu Âu cho rằng lo ngại rằng cơ chế này sẽ dẫn đến sự suy giảm an ninh nguồn cung và rủi ro đối với sự ổn định tài chính của khối.