Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã được phép dùng nguồn vốn chủ sở hữu để cứu" Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 thoát khỏi cảnh phá sản.

PVN bỏ tiền 'cứu' Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2

10/04/2020, 06:06

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã được phép dùng nguồn vốn chủ sở hữu để cứu" Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 thoát khỏi cảnh phá sản.

Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 đã đạt hơn 85% - Ảnh: Internet

Đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa có văn bản chính thức cho phép PVN được sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu trên cơ sở đảm bảo đúng mục đích, đạt hiệu quả theo quy định của pháp luật để đưa Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 vào vận hành. Quyết định về cơ chế tài chính cho dự án này được thông qua trên cơ sở thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc xử lý vướng mắc của Dự án vào cuối tháng 2 vừa qua.

Trưởng ban quản lý dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 Nguyễn Thành Hưởng cho biết, quyết định chính thức cho phép PVN sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu để giúp Dự án về đích là điều kiện tiên quyết để "giải cứu" dự án. Còn sử dụng như thế nào, phương thức giải ngân ra sao thì vẫn cần có hành lang pháp lý cụ thể và minh bạch để việc sử dụng đúng đối tượng, mục đích.

Tính đến hết quý 1/2020, Dự án đã đạt hơn 85%. Trong đó, tiến độ thiết kế đạt 99,63%, các hợp đồng mua sắm đạt 99,71%, gia công, chế tạo và vận chuyển đạt 93,8%, thi công đạt 82,78%, chạy thử đạt 11,25%. Trước đó, theo tính toán của Bộ Công thương, Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 nếu không kịp vận hành từ năm 2020, hệ thống sẽ phải tốn khoảng 35.000 tỉ đồng/năm để chạy dầu bù sản lượng điện, đáp ứng nhu cầu điện cho nền kinh tế - xã hội.

Giới chuyên gia cho rằng quy định vốn chủ sở hữu không vượt quá 30% tổng mức đầu tư dự án. Vì vậy PVN phải làm rõ cả cơ chế giải trình, chịu trách nhiệm cá nhân để đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, minh bạch và hiệu quả. Đặc biệt, cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng, hiệu quả dự án, công tác nghiệm thu thanh toán để dự án triển khai đúng tiến độ và tuân thủ các quy định của pháp luật.

Trưởng ban quản lý dự án cũng cho biết bên cạnh đó dự án hiện còn gặp khó khăn về nguồn lực. Dịch bệnh COVID-19 đang khiến nhiều chuyên gia nước ngoài không thể sang Việt Nam làm việc tại dự án. Mặc dù Ban quản lý Dự án đã triển khai làm việc trực tuyến với các bên, nhưng việc triển khai dự án khó thể đẩy nhanh bởi tiến độ thực tế là do lực lượng lao động tại công trường quyết định.

"Ban quản lý hiện đang đánh giá năng lực các nhà thầu hiện có, quyết định phương án duy trì, thay thế đối với từng trường hợp, kể cả cắt giảm một số hạng mục bị chậm do Tổng thầu không có phương án khả thi hoàn thành. Trong quá trình này, Ban quản lý sẽ hỗ trợ Tổng thầu xử lý các vướng mắc với các nhà thầu nước ngoài để đẩy nhanh công tác chạy thử. Nếu thuận lợi, Dự án cố gắng phát điện trong năm 2021", Trưởng ban Nguyễn Thành Hưởng cho biết.

Thời gian qua, Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 luôn ở trong tình trạng bế tắc, thậm chí còn trên bờ vực phá sản do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là năng lực của Tổng thầu EPC - Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) ngày càng suy yếu sau khi nhiều lãnh đạo của PVC bị khởi tố vào năm 2016 - 2017 vì đã có sai phạm nghiêm trọng trong việc sử dụng nguồn tiền cấp cho dự án vào mục đích khác, khiến công trình trọng điểm này hầu như rơi vào tình trạng tê liệt do mọi nguồn cung cấp tín dụng cho dự án bị gián đoạn và tiến độ dự án bị chậm trễ.

Theo đó, các tổ chức tín dụng đã dừng giải ngân khoản vốn vay đã ký, việc vay thương mại từ các ngân hàng trong nước không triển khai... đã đẩy dự án vào tình trạng cực kỳ khó khăn về nguồn vốn. Cụ thể, các công việc đã hoàn thành tính đến nay (khối lượng dở dang) nhưng chưa có nguồn tiền để thanh toán khoảng 2.117 tỉ đồng, trong khi các công việc còn lại theo Hợp đồng EPC tương đương khoảng 130 triệu USD và 3.700 tỉ đồng.

Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 được xây dựng tại xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, bao gồm 2 tổ máy, công suất 1.200MW (2 x 600MW). Năm 2007, Chính phủ và Bộ Công Thương đã có chủ trương xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 nằm trong quy hoạch điện 6. Chính phủ từng mong muốn khởi công dự án vào tháng 2.2009. Mặc dù vậy, phải tới ngày 1.3.2011 dự án mới được khởi công với mục tiêu phát điện lần đầu vào năm 2014. Cho đến nay dự án vẫn đang trong quá trình thi công.

Giá trị giải ngân cho dự án ước tính khoảng 1.912 tỉ đồng, nâng tổng số tiền giải ngân lũy kế từ khi khởi công đến hết năm 2017 là 29.452 tỉ đồng. Trong số đó, lũy kế giải ngân của hợp đồng EPC (tạm ứng và thanh toán) khoảng hơn 8.000 tỉ đồng và 762,43 triệu USD. Trong vấn đề thu xếp vốn, đối với phần vốn vay nước ngoài đến nay đã giải ngân được hơn 432 triệu USD, chiếm 46% hạn mức số tiền vay đã ký (tổng giá trị vốn vay hơn 937 triệu USD). Dự án có tổng vốn đầu tư 1,6 tỉ USD. Năm 2016 dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên khoảng 2 tỉ USD (tương đương với 41.800 tỉ đồng), sản lượng điện khoảng 7 tỉ kWh điện một năm.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
PVN bỏ tiền 'cứu' Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2