Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, việc đặt mua hàng qua các "chợ" thương mại điện tử đã trở nên cấp thiết hơn do người tiêu dùng không đến nơi đông người tránh dịch lây lan.

Chợ thương mại điện tử kinh doanh tốt trong đại dịch

09/04/2020, 17:32

Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, việc đặt mua hàng qua các "chợ" thương mại điện tử đã trở nên cấp thiết hơn do người tiêu dùng không đến nơi đông người tránh dịch lây lan.

Mua sắm online được người tiêu dùng ưa chuộng trong mùa dịch - Ảnh minh họa

Thời gian gần đây, ghi nhận trên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki hay Shopee cho thấy người tiêu dùng có xu hướng mua online nhiều hơn so với trước. Cụ thể, đại diện Shopee cho biết lượt truy cập và khối lượng giao dịch trên sàn này có tăng mạnh trong thời gian vừa qua. Lượng người mua không chỉ tập trung vào các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM mà đến từ tất cả các tỉnh, thành trên cả nước. Sản phẩm được người tiêu dùng mua nhiều là khẩu trang, nước rửa tay và các sản phẩm khử trùng.

Tiki cũng cho biết ngoài các sản phẩm chủ lực như sách tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái thì sức mua các mặt hàng khẩu trang, khăn ướt, máy lọc không khí... cũng tăng mạnh không kém trong 2 tháng đầu năm nay.

Saigon Co.op cũng ghi nhận kênh mua sắm online tăng mạnh. Chỉ từ ngày 16.3 tới hết ngày 31.3, kênh mua sắm trực tuyến đã ghi nhận 10.000 đơn hàng online từ người tiêu dùng thông qua ứng dụng Zalo Viber. Các đơn hàng tập trung chủ yếu vào nhu thiết yếu hàng ngày như thực phẩm, mì gói, nước uống, nước giải nhiệt...

Một số trang thương mại điện tử khác cũng cho biết số lượng đơn hàng tăng mạnh trong mùa dịch, như SpeedL của Lotte Mart cũng báo cáo số lượng đơn hàng tăng 150 - 200% so với trước khi dịch COVID-19 bùng phát.

Nắm bắt được tâm lý cũng như nhu cầu thiết yếu của người dân trong mùa dịch, nhiều sàn thương mại điện tử đã tăng gấp 2 - 3 lần số lượng hàng hóa. Thậm chí, nếu như trước đây các sàn chỉ tập trung vào các mặt hàng như quần áo, điện máy, giày dép... thì hiện nay cũng chú trọng đầu tư nhiều vào các nhu yếu phẩm như gạo, nước mắm, muối, đường, dầu ăn, mì gói...

Theo Nielsen, dịch COVID-19 khiến thói quen sinh hoạt và tiêu dùng bị tác động đáng kể. Cụ thể, 47% người Việt đã thay đổi thói quen ăn uống, trong khi 60% số đó đã thay đổi các hoạt động giải trí vui chơi. Những cửa hàng hiện hữu bị tác động mạnh, với 50% người dân đã giảm tần suất ghé thăm các siêu thị, cửa hàng tạp hóa và chợ truyền thống. Ngoài ra, 25% số người được hỏi cho biết đã tăng cường mua sắm trực tuyến và giảm các hoạt động mua sắm bên ngoài.

Có thể thấy trong khi các ngành nghề, lĩnh vực khác hầu như đều tụt dốc, tăng trưởng âm vì dịch bệnh COVID-19 thì thương mại điện tử lại được xem là mảng sáng trong một bức tranh kinh tế đầy màu u ám.

Mua sắm online "nở rộ" đồng nghĩa với việc kiểm soát giá và chất lượng sản phẩm được xem là vấn đề mà không ít người tiêu dùng quan ngại khi nhiều mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu cao, đang diễn biến phức tạp. Trước tình trạng hàng giả hàng nhái ngày càng nhiều, Shopee, Tiki, Lazada... cũng đã đưa ra các tuyên bố cam kết kiểm soát chất lượng với các sản phẩm, đặc biệt với y tế phòng chống dịch bệnh như nước rửa tay hay khẩu trang.

Theo báo cáo e-Conomy SEA 2019 do Google và Temasek công bố, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện đạt 5 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng lên tới 81%. Đặc biệt, với mức tăng trưởng cao và liên tục từ năm 2015 trở lại đây, nhiều ý kiến cho rằng năm 2020 này quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam có khả năng lên tới 13 tỉ USD.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết trong năm 2020 này, Bộ sẽ tăng cường trách nhiệm của chủ các sàn giao dịch thương mại điện tử trong việc loại bỏ thông tin bán hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; các mô hình kinh doanh mới và quản lý thương mại xuyên biên giới.

Mặt khác, Bộ nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử, nhất là với đối tượng cung cấp thông tin hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng cấm trên môi trường điện tử...

Tuyết Nhung

Bài liên quan
Amazon, Temu thách thức gã khổng lồ thương mại điện tử số 1 Ba Lan bằng chiến thuật khác nhau
Amazon (Mỹ) và Temu (Trung Quốc) đang áp dụng các chiến thuật khác nhau để thách thức Allegro - công ty dẫn đầu thị trường thương mại điện tử Ba Lan. Trong đó gã khổng lồ thương mại điện tử Mỹ tập trung vào video, còn công ty Trung Quốc nhắm vào thời trang giá rẻ để thu hút khách hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tri ân những người làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ
7 giờ trước Sự kiện
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng huyền thoại, thiên tài quân sự, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chợ thương mại điện tử kinh doanh tốt trong đại dịch