Chính phủ cho phép Bộ GTVT quyết định việc trích doanh thu của các dự án BOT để xác định doanh thu của dự án theo hình thức điện tử tự động không dừng (ETC), đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, không làm tăng mức phí dịch vụ sử dụng đường bộ so với các hình thức thu hiện hành.

Chính phủ cho phép Bộ GTVT quyết việc trích doanh thu dự án BOT

28/09/2018, 13:49

Chính phủ cho phép Bộ GTVT quyết định việc trích doanh thu của các dự án BOT để xác định doanh thu của dự án theo hình thức điện tử tự động không dừng (ETC), đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, không làm tăng mức phí dịch vụ sử dụng đường bộ so với các hình thức thu hiện hành.

Nhiều vướng mắc trong triển khai thu phí không dừng - Ảnh: Báo giao thông

Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa ký văn bản số 1317/TTg-CN ngày 27.9.2018 về việc triển khai dự án thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng (ETC).

Theo đó, Chính phủ giao Bộ GTVT chịu trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp với nhà đầu tư BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) và BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh) xác định chi phí, doanh thu các dự án BOT và BOO trên cơ sở đảm bảo phương án tài chính và hiệu quả tổng thể các dự án và phù hợp với các quy định của pháp luật.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT quyết định việc trích doanh thu của các dự án BOT để xác định doanh thu của dự án thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng (dự án ETC). Việc này phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư dự án BOT, nhà đầu tư dự án ETC và người dân; không làm tăng mức phí dịch vụ sử dụng đường bộ với người tham gia giao thông so với các hình thức thu hiện hành.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với các dự án BOT tại địa phương) quyết định phương án lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí theo thẩm quyền và quy định của pháp luật về đấu thầu để triển khai thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí do địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền; bảo đảm đúng lộ trình chuyển sang thu tự động không dừng theo quy định tại Nghị quyết của Quốc hội.

Tại cuộc họp về các dự án trọng điểm của ngành giao thông vừa diễn ra, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng thời gian vừa qua tiến độ lắp đặt các trạm thu phí không dừng rất chậm, gặp nhiều khó khăn về cơ chế, nhà đầu tư không đồng thuận.

Do đó, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ chủ trì làm việc với nhà đầu tư dự án BOT, nhà đầu tư dự án ETC đẩy nhanh tiến độ lắp đặt các trạm thu phí không dừng.

“Thời gian chúng ta không còn nhiều nữa nên phải đẩy nhanh tiến độ. Mục tiêu đến cuối năm 2018 chỉ chừa lại 1 làn dừng ở mỗi trạm. Ưu tiên lắp đặt sớm tại các trạm cửa ngõ vào nội thành, nhất là trên các đường cao tốc. Yêu cầu tất cả tuyến đường của Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam (VEC) phụ trách đều lắp đặt 100% làn thu phí không dừng”, Bộ trưởng Thể nhấn mạnh.

Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, đến hết năm 2018, tất cả các trạm trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên phải thu phí không dừng. Tuy nhiên, đến thời điểm này khi chỉ còn 3 tháng nữa là hết năm mà tiến độ dự án không chỉ chậm lắp thiết bị tại trạm mà công tác dán thẻ mới được 30%.

Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, tính đến tháng 8.2018, sau 2 năm triển khai, trong số 28 trạm thuộc dự án thu phí tự động không dừng trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đến nay Công ty TNHH Thu phí tự động VETC mới vận hành thương mại 2 làn được 24 trạm.

Công ty VETC vẫn chưa thể huy động đủ vốn chủ sở hữu khi mới góp được 129,4/277 tỉ đồng (đạt 57%), trong đó, hai nhà đầu tư là Công ty CP Tasco góp 28 tỉ đồng, Công ty TNHH Thu phí tự động VETC trên 100 tỉ đồng.

Theo hợp đồng dự án, trong trường hợp nhà đầu tư không huy động đủ vốn chủ sở hữu, Bộ GTVT có quyền đình chỉ hoặc chấm dứt hợp đồng. Do đó, Tổng cục Đường bộ cho rằng Công ty VETC không thể đáp ứng tiến độ được Bộ GTVT và Thủ tướng đặt ra vào cuối năm 2019.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều cơ hội
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết trong quý 1/2024, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường gạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính phủ cho phép Bộ GTVT quyết việc trích doanh thu dự án BOT