Về xử lý BOT Cai Lậy, Bộ GTVT đang xem xét tới hai phương án, một là giữ nguyên trạm BOT hiện tại trên quốc lộ 1 để thu phí cả tuyến chính và tuyến tránh. Hai là xây thêm trạm trên tuyến tránh để thu phí riêng từng tuyến.
Nhà nước không mua BOT Cai Lậy
Trả lời báo chí đối với phương án thu phí tại Cai Lậy, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết sau khi Bộ GTVT báo cáo Chính phủ, Thường trực Chính phủ đã họp và có chỉ đạo. Bộ GTVT sau đó cũng đã làm việc nhiều lần với các cơ quan của Tiền Giang và các Bộ ngành, trong đó có Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông để lấy ý kiến về phương án xử lý.
Theo ông Đông, từ việc Bộ đề xuất 5 phương án thì được rút bớt xuống còn 3 phương án. Trong đó, về phương án Nhà nước mua lại thì chắc chắn Nhà nước không có kinh phí để mua lại. Bộ xem xét tới hai phương án, một là giữ nguyên trạm BOT hiện tại trên quốc lộ 1 để thu phí cả tuyến chính và tuyến tránh; hai là xây thêm trạm trên tuyến tránh để thu phí riêng từng tuyến.
“Bộ GTVT đang tiếp tục giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoàn thiện phương án để quyết định trong thời gian tới”, Thứ trưởng thông tin.
Tiền sửa cầu Thăng Long từ quỹ bảo trì đường bộ
Trả lời báo chí về việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, ngày 17.9 vừa qua, đoàn chuyên gia của Nga sang làm việc với Bộ GTVT, đồng thời tiến hành khảo sát hiện trường. Tuy nhiên, đây mới là những trao đổi về nguyên tắc.
“Một trong những đề nghị của Việt Nam với phía Nga là cử các chuyên gia trước đây đã tham gia xây dựng cầu Thăng Long và đặc biệt có một chuyên gia xử lý trực tiếp vấn đề dính bám giữa mặt cầu với kết cấu bê tông nhựa”, Thứ trưởng Đông nói và cho biết, Bộ GTVT muốn lấy Nga là một kênh để đánh giá các giải pháp.
“Bộ cũng đã nhận được các phương án khác của Nhật, Đức. Giải pháp nào đảm bảo độ tin cậy cao nhất, phù hợp với điều kiện của chúng ta sẽ lựa chọn”, Thứ trưởng thông tin thêm và cho biết, Bộ GTVT rất trân trọng những chuyên gia Nga vì đây là nước đã tham gia xây cầu Thăng Long, đồng thời cũng tham gia xử lý mặt cầu, đảm bảo khai thác ổn định 30 năm.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết: “Số tiền sửa chữa cầu sẽ lấy từ quỹ bảo trì đường bộ”.
Trước đó, vào cuối tháng 8 vừa qua, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện vừa có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất 3 phương án xử lý mặt cầu Thăng Long đang bị hằn lún, rạn nứt, hư hỏng khá nặng.
Phương án 1 là sửa chữa tổng thể cả bản thép mặt cầu (tăng độ cứng, tăng khả năng chịu lực cho lớp bản thép trực hướng); khắc phục, tăng cường dính bám, chống trượt lớp bê tông nhựa trên mặt thép theo hướng khôi phục lại nguyên lý thiết kế của Liên Xô trước đây.
Phương án 2 là chỉ thí điểm sửa chữa lớp bê tông nhựa mặt cầu như phương án 1, không sửa chữa phần kết cấu thép. Tuy nhiên, phương án này sẽ không xỷ lý được triệt để hiện tượng nứt dọc do bản thép bị mỏi, suy giảm khả năng chịu tải.
Phương án 3 là cho hàn lưới thép trên bản thép mặt cầu, sau đó làm lớp dính bám như phương án 1 và thảm bê tông nhựa (sử dụng loại bê tông nhựa gia cường cốt sợi thủy tinh để cải thiện khả năng chịu kéo của bê tông nhựa).
Chuyển hồ sơ vụ “quỹ đen” sang công an
Về câu hỏi liên quan đến “quỹ đen” của Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam, Thứ trưởng Đông cho biết, sau phản ánh của một số báo, Bộ GTVT đã thành lập tổ xác minh do Thanh tra Bộ thực hiện. Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Hiện tại, Bộ đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
Về xử lý trách nhiệm, Bộ GTVT đã giao Cục kiểm điểm trách nhiệm. Tuy nhiên, việc này còn phụ thuộc kết quả xác minh, điều tra..
Lam Thanh