Jetstar Pacific sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết để đổi tên thương hiệu thành Pacific Airlines, với logo và bộ nhận diện thương hiệu mới được truyền cảm hứng từ màu sắc chủ đạo của Vietnam Airlines.

Qantas thoái hết vốn, thương hiệu Jetstar Pacific bị ‘xóa sổ’

15/06/2020, 14:02

Jetstar Pacific sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết để đổi tên thương hiệu thành Pacific Airlines, với logo và bộ nhận diện thương hiệu mới được truyền cảm hứng từ màu sắc chủ đạo của Vietnam Airlines.

Thương hiệu Jetstar Pacific sẽ bị đổi tên thành Pacific Airlines - Ảnh: Internet

Ngày 15.6, Vietnam Airlines và Tập đoàn Qantas (Úc) đã thống nhất xúc tiến những thay đổi đối với Jetstar Pacific nhằm cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh và khả năng lợi nhuận của hãng hàng không chi phí thấp này.

Theo đó, Jetstar Pacific sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết để đổi tên thương hiệu thành Pacific Airlines, với logo và bộ nhận diện thương hiệu mới được truyền cảm hứng từ màu sắc chủ đạo của Vietnam Airlines. Thời điểm Jetstar Pacific chính thức hoạt động dưới tên mới Pacific Airlines sẽ dựa theo quyết định của nhà chức trách.

Pacific Airlines cũng sẽ chuyển đổi hệ thống đặt chỗ từ Navitaire sang Sabre - hệ thống Vietnam Airlines đang vận hành để đồng bộ hoá mạng bay, các thủ tục đặt chỗ và tính năng dành cho khách hàng với Vietnam Airlines.

Ông Trịnh Hồng Quang, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, Chủ tịch Hội đồng quản trị Pacific Airlines cho biết các hãng hàng không chi phí thấp đóng vai trò nhất định trong quá trình phục hồi ngành hàng không nói riêng và nền kinh tế nói chung. Với việc đồng bộ hoá hệ thống bán và mạng bay của Pacific Airlines và Vietnam Airlines sẽ tăng cường hiệu quả khai thác, năng lực cạnh tranh trong cả phân khúc hàng không truyền thống lẫn chi phí thấp, vững vàng tiến vào giai đoạn phục hồi hậu COVID-19.

“Chúng tôi hy vọng chiến lược thương hiệu kép sẽ giúp cả hai hãng mở rộng quy mô và thực hiện các mục tiêu phát triển dài hạn, đồng thời góp phần củng cố vị trí dẫn đầu của Vietnam Airlines Group tại thị trường hàng không Việt Nam”, ông Quang nói.

Ông Gareth Evans, lãnh đạo cấp cao Tập đoàn Qantas, Tổng giám đốc Tập đoàn Jetstar cũng cho rằng trước một thị trường cạnh tranh gay gắt như Việt Nam và sự ngưng trệ nghiêm trọng của ngành hàng không do dịch COVID-19 thì đã đến lúc doanh nghiệp này cần tận dụng lợi thế và tiềm lực của Vietnam Airlines tại thị trường nội địa. “Đồng bộ hoá hệ thống đặt chỗ sẽ giúp Pacific Airlines giảm chi phí và tạo nền tảng vững chắc để hãng tiếp tục vươn lên mạnh mẽ sau khi các quy định về hạn chế di chuyển quốc tế được gỡ bỏ”, ông Gareth Evans cho biết.

Hiện nay, Jetstar Pacific sở hữu đội ngũ 18 tàu bay, nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên mới chỉ có 2 tàu bay đưa vào hoạt động, 16 tàu bay vẫn nằm chờ. Hãng kỳ vọng khoảng giữa tháng 7 này sẽ đưa toàn bộ đội tàu bay vào hoạt động và đến năm 2025, đội tàu bay của hãng sẽ có quy mô 40 chiếc.

Trước đó, cuối năm 2011, Jetstar Pacific đứng ngấp nghé bờ vực phá sản khi ngập trong khó khăn, lỗ lũy kế lên tới trên 2.400 tỉ đồng. Vào thời điểm đó, Jetstar Pacific có 7 máy bay với độ tuổi trung bình là 14,7 năm. Để vực Jetstar Pacific dậy, Chính phủ đã giao Vietnam Airlines tiếp nhận nguyên trạng phần vốn nhà nước tại hãng hàng không này.

Sau khi chuyển về Vietnam Airlines, thông qua các đợt tăng vốn điều lệ theo thỏa thuận với cổ đông nước ngoài Qantas thì hãng hàng không giá rẻ này được cơ cấu toàn diện. Thời gian qua, Vietnam Airlines với vai trò cổ đông lớn đã tham gia tái cơ cấu mạnh mẽ Jetstar Pacific trên định hướng “thương hiệu kép”.

Theo báo cáo tài chính năm 2019, hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific thực hiện gần 40.000 chuyến bay an toàn và vận chuyển trên 6 triệu lượt khách với mức tăng trưởng ổn định số chuyến bay nội địa là 0,8%. Sau nhiều năm thua lỗ, từ năm 2018 Jetstar Pacific đã bắt đầu có lãi sau khi tái cơ cấu cùng phối hợp thương hiệu kép với Vietnam Airlines.

Tuy nhiên, ông Trịnh Hồng Quang cho biết hiện nay, phân khúc hàng không giá rẻ chiếm khoảng 30 - 45% tổng thị phần hàng không trên thế giới, riêng ở Việt Nam chiếm khoảng trên 50%. Trong năm 2019, tổng lượng khách quốc tế và nội địa của Việt Nam đạt khoảng 72 triệu lượt khách thì thị trường hàng không giá thấp chiếm khoảng 36 triệu lượt.

Điều này cho thấy đây là thị trường lớn, nhiều hãng có thể tham gia và khai thác có hiệu quả. Do đó, xu hướng hiện nay là các hãng hàng không lớn như Vietnam Airlines sẽ thành lập công ty con để tham gia thị trường giá rẻ, hình thành tập đoàn khai thác tất cả các phân khúc của thị trường. Do đó, Vietnam Airlines nhận thấy cần thay đổi cơ cấu tổ chức, phương thức sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu để Jetstar Pacific trở thành hãng hàng không hoạt động có hiệu quả.

Được biết, Vietnam Airlines đang sở hữu 70% vốn của Jetstar Pacific và Qantas chiếm 30%. Sau cú chuyển nhượng này, Vietnam Airlines là cổ đông lớn nhất của hãng hàng không giá rẻ này.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Qantas thoái hết vốn, thương hiệu Jetstar Pacific bị ‘xóa sổ’