Tại mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm nay, nhiều ngân hàng cho biết sẽ không chia cổ tức. Điều này khiến kỳ đại hội của nhiều nhà băng lại tiếp tục “nóng” do cổ đông chất vấn và tranh cãi.

Vào mùa đại hội, cổ đông ngân hàng lại ‘nóng’ vì cổ tức

15/06/2020, 06:04

Tại mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm nay, nhiều ngân hàng cho biết sẽ không chia cổ tức. Điều này khiến kỳ đại hội của nhiều nhà băng lại tiếp tục “nóng” do cổ đông chất vấn và tranh cãi.

Một cổ đông ngân hàng bức xúc vì nhiều năm chưa được chia cổ tức - Ảnh: Phan Diệu

Nhiều năm liền nói không với cổ tức

Tại ĐHCĐ của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) mới diễn ra, nhiều cổ đông tỏ ra bức xúc vì trong nhiều năm liền không nhận được đồng cổ tức nào. Một cổ đông cho biết họ phải chờ đợi trong nhiều năm và không biết khi nào mới nhận được cổ tức, trong khi nhiều ngân hàng khác chia cổ tức ở mức cao, từ 30-50%.

Trả lời thắc mắc của cổ đông, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank nói rằng với nguồn lợi nhuận giữ lại hiện lên đến 4.000 - 4.500 tỉ đồng thì ngân hàng rất muốn chia cổ tức nhưng không thể. Lý do là bởi Sacombank vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu khi sáp nhập thêm SouthernBank từ năm 2015 đến nay. Vì vậy, theo quy định và yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước thì nhà băng này phải tập trung nguồn lực để tái cơ cấu, không được chia cổ tức.

Tương tự, tại cuộc họp HĐCĐ mới diễn ra, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) nói rằng chưa thể chia cổ tức cho cổ đông dù đang có hơn 1.234 tỉ đồng lợi tức giữ lại. Lãnh đạo SCB cho biết ngân hàng rất thấu hiểu nỗi niềm của cổ đông nhưng nếu chia là làm trái quy định. Nguyên nhân là do SCB đang thực hiện tái cơ cấu và chưa xử lý xong nợ xấu (trái phiếu VAMC) nên không được chia cổ tức. Hiện tại, quỹ dự phòng của nhà băng này đạt khoảng 11.000 tỉ đồng nên ngân hàng vẫn đang nỗ lực xử lý nợ xấu để sớm được hoàn nhập dự phòng. Sau tái cấu trúc, cổ đông sẽ nhận được cổ tức.

Còn tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB), nhiều cổ đông cũng thắc mắc về khoản lợi nhuận còn lại của năm 2019 là gần 900 tỉ đồng nhưng vì sao không chia cổ tức. Trả lời cổ đông, ông Huỳnh Bửu Quang, Phó chủ tịch HĐQT MSB cho biết việc chia cổ tức là không thể khi MSB xử lý xong nợ xấu tại VAMC. Đặc biệt, nợ xấu của MSB hiện tương đương với khoản lợi nhuận giữ lại, đến quý 3/2020 sẽ xử lý xong, khi đó việc chia cổ tức sẽ thuận lợi.

Trong khi đó tại Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), lượng trái phiếu VAMC nắm giữ tính đến hết năm 2019 còn khoảng 3.200 tỉ đồng và đã trích dự phòng được gần 2.100 tỉ đồng. Do vậy, Eximbank cần xử lý tiếp hơn 1.100 tỉ đồng nữa là hoàn tất kế hoạch tất toán trái phiếu VAMC. Khi đó, Eximbank mới có thể chia cổ tức cho cổ đông sau nhiều năm cổ đông mòn mỏi đợi chờ.

Đáng chú ý, không riêng gì những ngân hàng đang tái cơ cấu hay nắm giữ nhiều nợ xấu, ngay cả những nhà băng có kết quả kinh doanh ấn tượng cũng quyết định không chia cổ tức cho cổ đông.

Đơn cử tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank), năm 2019, ngân hàng này có lợi nhuận 10.000 tỉ đồng nhưng sẽ không chia cổ tức. Lý giải về động thái này, ông Bùi Hải Quân, Phó chủ tịch HĐQT VP Bank nói rằng mục tiêu của ngân hàng là giữ lại tiền để phát triển. Do ngành ngân hàng cần tăng trưởng liên tục, tăng quy mô và hướng đến mục tiêu một trong những ngân hàng tốt nhất nên VP Bank không thể chia cổ tức bằng tiền đều đặn hàng năm.

Hay nắm trong tay hơn 17.600 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối nhưng Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vẫn duy trì hình thức không chia lợi nhuận với lý do để phục vụ hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Trong năm trước, dù là ngân hàng có lợi nhuận cao nhất khối tư nhân nhưng nhà băng này cũng không chia cổ tức với lý do tương tự đưa ra năm nay. Nếu tờ trình phân phối lợi nhuận 2019 được thông qua, đây sẽ là năm thứ 9 liên tiếp Techcombank không chia cổ tức.

Không được chia cổ tức bằng tiền mặt

Trái ngược với nhóm ngân hàng trên, một số ngân hàng khác vẫn quyết định chia cổ tức cho cổ đông nhưng dưới dạng cổ phiếu, nhằm bổ sung vốn điều lệ. Cụ thể, ACB trình cổ đông phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 30%. Còn Ngân hàng TP Bank chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20% để tăng vốn điều lệ theo kế hoạch từ 8.566 tỉ đồng lên 10.199 tỉ.

Đặc biệt, những ngân hàng chia cổ tức bằng tiền mặt đều đặn như MBBank và Vietcombank thì chưa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ năm 2020. Tuy nhiên, nếu chia cổ tức thì khả năng cao là bằng cổ phiếu.

Nguyên nhân là do Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ thị đề nghị các ngân hàng tạm thời không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực hạ lãi suất cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19, cũng như có nguồn lực để chuẩn bị đối phó nợ xấu.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
9 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vào mùa đại hội, cổ đông ngân hàng lại ‘nóng’ vì cổ tức