Theo Luật sư Nguyễn Tiến Lập, thành viên Văn phòng luật sư NHQuang & Cộng sự: “Tôi khá bất ngờ khi sự tranh luận giằng co ở Quốc hội lại tập trung vào vấn đề thẩm quyền quyết định dự án đầu tư theo giá ngạch, bởi câu chuyện đầu tư công ở nước ta thật sự lớn và phức tạp hơn thế nhiều”.
Sáng ngày 13.6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) với 90,70% đại biểu Quốc hội tán thành.
Tại phiên họp, với 439/450 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành (chiếm 90,70%tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Trong báo cáo giải trình, tiếp thu nêu rõ, về thời gian trình và phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn (ĐTCTH), Điều 60 của dự thảo Luậtquy địnhQuốc hội khóa trước chuẩn bị kế hoạch ĐTCTH để Quốc hội khóa mới quyết định tại kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ.
Đồng thời, để có thể triển khaithực hiện việc giao kế hoạch đầu tư công trong năm đầu tiên của giai đoạn mới khi kế hoạch ĐTCTH giai đoạn mới chưa được Quốc hội quyết định, UBTVQH quy định tại khoản 1 Điều 60 như sau: “1. Tại kỳ họp cuối năm của năm thứ năm nhiệm kỳ Quốc hội, Chính phủ trình Quốc hội kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau để Quốc hội cho ý kiến về các nội dung theo quy định tại Điều 49 của Luật này; Riêng kế hoạch đầu tư công năm đầu tiên của giai đoạn sau, căn cứ vào dự toán chi ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển của năm đầu tiên, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp này”.
Về thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch ĐTCTH, theo kết quả lấy ý kiến ĐBQH ngày 3.6.2019, do không có phương án nào được trên 50% ĐBQH lựa chọn, UBTVQH xin Quốc hội cho giữ cơ bản như quy định của Luật Đầu tư công hiện hành; đồng thời, chỉnh lý một số chi tiết để đảm bảo đồng bộ với Luật ngân sách nhà nước (NSNN).
Cụ thể, về thẩm quyền của Quốc hội: UBTVQH xin giữ nguyên quy định Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư đối với: Chương trình mục tiêu quốc gia; Dự án quan trọng quốc gia.
Theo Luật sư Nguyễn Tiến Lập, thành viên VPLS NHQuang & Cộng sự: “Tôi khá bất ngờ khi sự tranh luận giằng co ở Quốc hội lại tập trung vào vấn đề thẩm quyền quyết định dự án đầu tư theo giá ngạch, bởi câu chuyện đầu tư công ở nước ta thật sự lớn và phức tạp hơn thế nhiều”.
Theo ông Lập, Việt Nam cần phải định hình lại một cách căn bản mối quan hệ kinh tế giữa Nhà nước và thị trường mà trong đó, “đầu tư công” theo cách định nghĩa của Luật này chỉ là một vấn đề. Chính vì chưa có sự định hình điều này thật sự rõ ràng, nội dung của Luật Đầu tư công chủ yếu vẫn xoay quanh câu chuyện thẩm quyền quyết định cũng như các quy trình thủ tục, vốn mang tính kỹ thuật và không cần thiết đến mức phải điều chỉnh ở cấp độ luật.
“Đầu tư công là sử dụng nguồn lực quốc gia và ngân sách nhà nước, tức tài sản của nhân dân. Quốc hội và Hội đồng nhân dân là đại diện cho dân. Như thế thì về nguyên lý, cũng như Quốc hội và Hội đồng nhân dân có quyền quyết định phê chuẩn ngân sách, mọi việc sử dụng nguồn lực và nguồn vốn này để đầu tư đều phải được các cơ quan này phê chuẩn. Một khi Chính phủ hay UBND muốn tự quyết định thì đó sẽ là cơ chế uỷ quyền gắn với trách nhiệm báo cáo và giải trình”, ông Lập nêu.
Để xử lý hài hòavề thẩm quyền, chức năng, vừa để các quyết định mang tính thực chất và gắn với việc chịu trách nhiệm cao, ông Lập cho rằng ở mỗi cơ quan dân cử đều có các đại biểu và ủy ban hay ban chuyên môn. Các ủyban sẽ chịu trách nhiệm về rà soát kỹ thuật các tất cả các dự án do Chính phủ hay UBND trình lên. Trên cơ sở đó, các cơ quan này sẽ quyết định dự án nào trình ra thảo luận giữa các Đại biểu và cả vấn đề gì sẽ đưa ra thảo luận và quyết định.
“Vì các Đại biểu là đại diện của cử tri của các vùng, miền và địa phương khác nhau, do đó họ không có sự quan tâm giống nhau. Cho nên, một khi Quốc hội thảo luận thì chỉ nên tập trung vào những vấn đề riêng như an ninh quốc gia và lợi ích vùng miền hay nhóm xã hội và dân cư. Trên thực tế, các đại biểu quốc hội khi phát biểu thường phản ánh quan điểm, năng lực và phẩm chất cá nhân nhiều hơn là tư cách đại diện”, ông Lập nói.
Ông Lập cũng chia sẻ, ông luôn thắc mắc về một khái niệm cơ bản, đó là đầu tư công là gì? Ở nhiều nước có nền kinh tế thị trưởng phát triển và quản trị công khác, họ sử dụng khái niệm chung là mua sắm công hay mua sắm chính phủ, qua đó bắt đầu quản lý bằng phân loại theo mục tiêu và ý nghĩa, tác động đến đời sống kinh tế - xã hội của hoạt động chi tiêu, mua sắm công. Triết lý của họ thật đơn giản. Nhà nước không đầu tư vào dự án vì đó là công việc của tư nhân và thị trường.
Còn khi mua sắm tài sản công thì chúng ta cũng áp dụng ít nhất hai nguyên tắc đó là: Thứ nhất, đó là cái gì của công thì phải phục vụ được tất cả mọi người, theo đó nhà nước chỉ xây dựng các công trình không sinh lời trực tiếp nhưng có ý nghĩa phục vụ phát triển chung.
Thứ hai, cái gì mà thị trường thất bại thì nhà nước phải làm, tức là cung ứng các dịch vụ công, đặc biệt dịch vụ thiết yếu về y tế, giáo dục cho nhóm có khả năng chi trả thấp.
Do đó, ông Lập cho rằng đã đến lúc cần đổi mới cách tiếp cận vấn đề theo hướng căn bản và toàn diện hơn, theo đó chấp nhận mô hình quản trị công của các nước OECD, hướng tới việc Quốc hội sẽ ban hành một bộ luật thống nhất về mua sắm công hay mua sắm Chính phủ.
Lam Thanh