Khi Hồng Kông được Anh trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997, một trong những quan tâm lớn nhất của dân địa phương là vai trò của quân đội Trung Quốc tại đặc khu này.

Quân đội Trung Quốc đồn trú tại Hồng Kông và các công tắc kích hoạt

25/07/2019, 20:19

Khi Hồng Kông được Anh trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997, một trong những quan tâm lớn nhất của dân địa phương là vai trò của quân đội Trung Quốc tại đặc khu này.

Quân đội Trung Quốc tại Hồng Kông

Khi xe bọc thép và tàu chiến Trung Quốc chở quân tới Hồng Kông sau khi được bàn giao từ Anh, người dân tự hỏi những người lính này sẽ làm gì tiếp theo. Và trong 22 năm kể từ đó, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đóng một vai trò rất hạn chế ở đặc khu này.

Tuy nhiên, mùa hè này, sau nhiều tuần xảy ra biểu tình chống chính quyền đặc khu kèm một số sự cố bạo lực, các câu hỏi về quân đội Trung Quốc lại được hồi sinh. Các quan chức Trung Quốc và bộ máy truyền thông nhà nước đã phản ứng với việc người biểu tình tấn công vào các văn phòng của chính phủ trung ương ở Hồng Kông.

Có bao nhiêu lính Trung Quốc ở Hồng Kông?

Số lượng chính xác quân đội đồn trú ở đặc khu không được công bố chính thức, nhưng The New York Times ước tính dao động trong khoảng từ 6.000 đến 10.000. Nhiều binh lính thay vì đồn trú ở Hồng Kông thì lại ở Thâm Quyến, thành phố Trung Quốc đại lục bên kia biên giới. Lý do: đóng quân ở Thâm Quyến sẽ đỡ tốn kém hơn và dễ dàng thực hiện các bài tập quân sự. Vì vậy, chỉ một phần của lực lượng đồn trú là thực sự đóng quân thường trực ở Hồng Kông.

Quân đội Trung Quốc đồn trú ở 19 địa điểm ở Hồng Kông, bao gồm 12 doanh trại. Các địa điểm nổi bật nhất là một trung đoàn trực thăng tại căn cứ không quân Shek Kong, một căn cứ hải quân với một số tàu chiến nhỏ tại đảo Stonecutter và trụ sở chính của lực lượng đồn trú Hồng Kông nằm gần cảng Victoria.

Trụ sở này trong một tòa nhà từng là trung tâm chỉ huy của quân đội Anh và nằm đối diện ngay với trụ sở cơ quan lập pháp Hồng Kông và các văn phòng chính quyền địa phương. Vì vậy, các cuộc biểu tình đã làm náo loạn thành phố trong nhiều tuần qua chỉ cách trụ sở quân đội một khoảng ngắn.

Những người biểu tình có thể xông vào trụ sở cơ quan Lập pháp nhưng họ không động chạm đến trụ sở quân đội. Ngược lại, những người lính ở trong trụ sở quân đội cũng không động chạm những người biểu tình.

Vai trò đồn trú là gì?

Hồng Kông tồn tại như một phần bán tự trị của Trung Quốc theo mô hình ‘một quốc gia, hai chế độ’. Điều đó cho phép thành phố vận hành các tổ chức địa phương của riêng mình. Trên lý thuyết, chính quyền trung ương ở Bắc Kinh chỉ phụ trách quan hệ đối ngoại và quốc phòng của Hồng Kông.

Vì vậy, cảnh sát và tòa án Hồng Kông chịu trách nhiệm về luật pháp và trật tự tại đặc khu, còn binh lính đóng quân ở thành phố không được can thiệp vào các vấn đề địa phương, theo luật pháp đồn trú ở Hồng Kông và Luật cơ bản tạm coi là hiến pháp của đậc khu. Nhưng chính quyền địa phương có thể yêu cầu Bắc Kinh nhấn nút để quân đồn trú triển khai trong việc duy trì trật tự công cộng và cứu trợ thảm họa.

Trong 22 năm qua, quân đội chưa bao giờ được huy động để giúp đỡ trong việc duy trì trật tự công cộng. Chỉ có năm ngoái, hàng trăm binh sĩ xuất hiện trên đường phố Hồng Kông trong nhiệm vụ giúp dọn dẹp sau khi thành phố bị bão tấn công. Quân đồn trú thỉnh thoảng có những cuộc diễu binh cho công chúng xem, nhưng rất hiếm khi người ta thấy một người lính đồn trú xuất hiện bên ngoài các cơ sở quân sự.

Tuy nhiên vào tháng trước, quân đội đã công khai tổ chức một cuộc tập trận ở Hồng Kông, khi phong trào phản kháng đang gia tăng. Đó dường như là một thông điệp được phương Tây diễn giải là Bắc Kinh tỏ ý sẵn sàng dùng quân đội nếu Hồng Kông rơi vào mất kiểm soát.

Cơ chế nào để kích hoạt quân đội đồn trú?

Hôm qua 24.7, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã chính thức lên tiếng rằng quân đội đang theo dõi sát sao tình hình gần đây tại Đặc khu hành chính Hồng Kông (HKSAR), với lý do luật cho phép PLA ở Hồng Kông tiến hành các nhiệm vụ đảm bảo an ninh công cộng một khi chính quyền địa phương đưa ra yêu cầu với chính phủ trung ương.

Nhưng cho đến nay, không có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền đặc khu Hồng Kông muốn quân đội nhúng chân vào. Hai lần trong tháng trước, chính quyền đặc khu đã bác bỏ các tin đồn về kế hoạch sử dụng quân đội Trung Quốc cho mục đích bình ổn an ninh ở Hồng Kông.

Luật pháp quy định rằng bất kỳ hành động nào như vậy phải được chính quyền Hồng Kông khởi xướng. Nhưng có một điều khoản khác của Luật cơ bản cho phép ủy ban thường vụ của Quốc hội Trung Quốc tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở Hồng Kông để bật công tắc cho quân đồn trú triển khai.

"Trong thực tế, bất kỳ quyết định nào như vậy sẽ được đưa ra bởi nhà lãnh đạo Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, với sự tham gia của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị", Willy Lam, phó giáo sư của Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học Trung Quốc tại Hồng Kông phân tích.

"Nhưng một quyết định như vậy sẽ khó xảy ra trong tương lai gần. Tại thời điểm này, thảo luận về vai trò của lực lượng đồn trú có lẽ là một chiến thuật để gây áp lực lên những người biểu tình khiến họ lùi bước", ông Lam nói. "Một trở ngại chính trong việc sử dụng binh lính là nó sẽ làm tổn hại danh tiếng về sự điều hành của Trung Quốc".

Trung Quốc sẽ mất rất nhiều thứ nếu làm vậy. Việc dùng quân đội chẳng khác gì thừa nhận là 22 năm sau khi nối lại chủ quyền, Bắc Kinh đã thất bại trong việc giành được trái tim và khối óc của người dân Hồng Kông.

Bộ quốc phòng Trung Quốc lên tiếng hôm 24.7

"Chúng tôi rất chú ý đến tình hình ở Hồng Kông, đặc biệt là sau các cuộc bạo loạn vào Chủ nhật khi các lực lượng cực đoan bao vây Văn phòng Liên lạc của Chính phủ Trung ương ở Hồng Kông", ông Ngô Khiêm, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố.

Ông Ngô nói rằng những người biểu tình cực đoan đã thách thức quyền lực của chính quyền trung ương và chạm vào điểm mấu chốt của nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ", điều mà Bắc Kinh hoàn toàn không thể chịu đựng được.

Trả lời câu hỏi về cách đối phó với phong trào ly khai tại Hồng Kông đang trỗi dậy, ông Ngô trích dẫn Luật của Trung Quốc đối với lực lượng đồn trú của PLA tại Hồng Kông, có điều khoản quy định rằng chính quyền đặc khu có thể yêu cầu trung ương cho phép lực lượng đồn trú của PLA ở Hồng Kông triển khai để “duy trì trật tự xã hội và cứu trợ thảm họa” khi cần thiết.

Anh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
5 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quân đội Trung Quốc đồn trú tại Hồng Kông và các công tắc kích hoạt