Trong số 14 quốc gia trên đảo Thái Bình Dương, 6 quốc gia được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá là có nguy cơ khó khăn về nợ cao, tức là họ đang có nguy cơ vỡ nợ do không trả được các khoản vay và 3 nước có nguy cơ vỡ nợ ở mức trung bình.

Đằng sau lòng tốt của Trung Quốc khi viện trợ cho các đảo quốc nghèo

25/07/2019, 14:31

Trong số 14 quốc gia trên đảo Thái Bình Dương, 6 quốc gia được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá là có nguy cơ khó khăn về nợ cao, tức là họ đang có nguy cơ vỡ nợ do không trả được các khoản vay và 3 nước có nguy cơ vỡ nợ ở mức trung bình.

Tấm biển ghi khắc ơn huệ của Trung Quốc tại Papua New Guinea

Kỳ trước: Úc hốt hoảng khi Trung Quốc rải tiền khắp Thái Bình Dương

Cho đến nay, vay nợ đa phương là nguồn nợ chính của các đảo quốc ở Thái Bình Dương. Nhưng với xu thế đổ tiền ồ ạt vào các dự án cơ sở hạ tầng (nơi dễ bị quan chức địa phương xà xẻo nhất) thì xu thế chủ đạo sẽ dần là vay nợ từ Trung Quốc. Hiện Tonga đã là con nợ lớn mà phần nhiều tiền đi vay là từ Trung Quốc.

Hơn nữa, một bài báo gần đây của nhà cung cấp nghiên cứu độc lập, có trụ sở tại Mỹ, Rhodium Group đã phát hiện ra rằng Trung Quốc đàm phán lại khoản nợ của mình với các quốc gia có quá nhiều đòn bẩy, thường là lợi thế của người đi vay, để gắng nắm lấy đòn bẩy chính. Và tác giả của nghiên cứu đã cảnh báo trong tương lai: "Bắc Kinh vẫn có thể sử dụng đàm phán cho vay để thúc đẩy các mục tiêu chính sách đối nội và đối ngoại".

Nhiều quốc gia đã hoan nghênh đầu tư của Trung Quốc. Hôm 22.7 vừa qua, Thủ tướng James James Marape cho biết Vanuatu mở cửa cho các nhà đầu tư từ tất cả các quốc gia. "Cho dù họ đến từ (Trung Quốc), hoặc Úc, hoặc từ đâu trên thế giới, đều không quan trọng và không liên quan đến chúng tôi", ông nói với các phóng viên. Nhưng nếu Vanuatu muốn xây dựng một cảng hay một sân bay thì chỉ Trung Quốc chịu chi tiền. Đúng vậy, Vanuatu, người đã nhận được khoản vay 80 triệu đô la để xây dựng một cầu cảng, cảm ơn chính phủ Trung Quốc đã tài trợ cho các dự án trong lúc không có nhà tài trợ nào khác chịu giúp đỡ. Như vậy, dù Vanuatu đa phương hóa nguồn vay thì họ vẫn phụ thuộc chủ nợ có vẻ dễ tính như Trung Quốc.

Tại sao Trung Quốc lại dễ tính khi đầu tư vào quần đảo Thái Bình Dương?

Đó là câu hỏi về khoản tiền hàng tỉ đô la: Tại sao Trung Quốc muốn đổ tiền vào các quốc gia bị cô lập, với các nền kinh tế nhỏ có thể không trả được nợ? Nếu bạn hỏi Trung Quốc, họ nói rằng chỉ tiêu của họ là thiện tâm.

"Trung Quốc, dựa trên các nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, cởi mở và bền vững, tiếp tục cung cấp hỗ trợ chân chính cho các quốc đảo Thái Bình Dương mà không có bất kỳ sự ràng buộc chính trị nào", một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với CNN trong một bình luận gửi fax, nói thêm rằng Trung Quốc đã cải thiện sinh kế của người dân đảo Thái Bình Dương và "giành được nhiều lời khen ngợi."

"Sự giúp đỡ của Trung Quốc tốt hay xấu? Đó là bẫy nợ hay chiếc bánh trên trời ? Các quốc đảo và người dân có tiếng nói cuối cùng", người phát ngôn nói.

Cũng có những lý do kinh tế hợp lý cho đầu tư của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương, bao gồm cả nguồn nguyên liệu thô.

Nhiều hòn đảo ở Nam Thái Bình Dương rất giàu tài nguyên như gỗ, khoáng sản và cá. Kể từ năm 2011, Bắc Kinh đã đầu tư nhiều hơn vào Papua New Guinea (PNG) - nơi có vàng, mỏ kền, khí đốt tự nhiên hóa lỏng và rừng - nhiều hơn bất kỳ đảo Thái Bình Dương nào khác.

James Batley, một chuyên gia châu Á - Thái Bình Dương tại Đại học Quốc gia Úc cho biết, họ cũng có thể muốn hỗ trợ những người Trung Quốc sống ở các quốc gia đó.

Thống kê về số người Trung Quốc sống ở Nam Thái Bình Dương đang khan hiếm, nhưng vào năm 2006, ước tính các đảo Nam Thái Bình Dương đã có khoảng 80.000 người Trung Quốc.

Một số người có nguồn gốc từ các thương nhân Trung Quốc định cư từ những năm 1800, trong khi những người khác di cư gần đây để làm việc trong các dự án xây dựng của Trung Quốc. Vào những năm 2000, tinh thần bài Hoa đã dẫn đến các cuộc bạo loạn ở Quần đảo Solomon, PNG và Tonga, nơi mà tình trạng bất ổn nghiêm trọng đã khiến Bắc Kinh phải gửi một máy bay đến sơ tán 200 công dân Trung Quốc. Các vấn đề đằng sau các cuộc bạo loạn rất khác nhau. Ví dụ, tại PNG, nơi có tỷ lệ thất nghiệp cao, sự thù địch hướng đến các doanh nghiệp chỉ thuê người Trung Quốc.

Bắc Kinh đã cố gắng cải thiện quan hệ với địa phương, thay đổi chiến thuật từ việc đưa các công nhân xây dựng của mình sang việc thuê thêm nhân công địa phương, Gounder của Đại học Nam Thái Bình Dương cho biết.

Sau đó, tất nhiên, có những lý do ngoại giao mà Trung Quốc có thể muốn ở Thái Bình Dương.

Những lý do ngoại giao là gì?

Đầu tiên, có vấn đề về Đài Loan, mà Bắc Kinh luôn tuyên bố chủ quyền.

Chỉ có 16 quốc gia và Tòa thánh Vatican chính thức công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập và 6 trong số đó là ở Nam Thái Bình Dương. Trong nhiều năm, Trung Quốc đã cố gắng giành chiến thắng trước một số đồng minh còn lại của Đài Loan và khuyến khích họ chấp nhận nguyên tắc "Một Trung Quốc".

Đài Loan cũng đầu tư vào Nam Thái Bình Dương - họ đã chi 215,87 triệu USD từ năm 2011 đến 2017, so với 1,21 tỉ USD của Trung Quốc, theo dữ liệu của Viện Lowy.

Papua New Guinea, nơi cả Đài Loan và Trung Quốc đầu tư, đã hạ cấp quan hệ ngoại giao với Đài Loan vào năm ngoái, mà Đài Bắc cho rằng là do áp lực từ Bắc Kinh.

Quần đảo Solomon, nơi công nhận Đài Loan, dự kiến ​​sẽ quyết định liệu họ sẽ cắt đứt quan hệ với Đài Loan trong vài tháng tới hay không. Cựu Thủ tướng Gordon Darcy Lilo của Solomon cho biết việc thay đổi ngoại giao có thể thúc đẩy đầu tư vào đất nước. Đài Loan đã đầu tư vào đó nhưng Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của họ, theo báo cáo năm 2018 từ Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ - Trung.

Có những lý do khác khiến Trung Quốc muốn các quốc đảo Thái Bình Dương đứng về phía mình. Mặc dù toàn bộ dân số của 14 quốc đảo Thái Bình Dương chỉ bằng một thành phố của Trung Quốc, nhưng mỗi nước trong số họ vẫn có quyền biểu quyết tương đương với một quốc gia tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Một điều gần đây mà chúng ta thấy rõ nhất trong ảnh hưởng ngoại giao của Trung Quốc là sự kiện 22 nước phương Tây gồm Úc, New Zealand, Canada, Nhật và 18 nước châu Âu lên án Trung Quốc về tình trạng nhân quyền ở Tân Cương. Ngay sau đó, có danh sách 37 nước đồng thanh ủng hộ cách Trung Quốc giải quyết vấn đề tại Tân Cương. Đáng chú ý trong số đó có không ít các nước châu Phi vốn được Trung Quốc ban phát nhiều viện trợ.

Các nước ở châu Đại Dương không tham gia danh sách có Úc chỉ trích Trung Quốc và cũng không theo danh sách ủng hộ Trung Quốc. Nhưng nếu là trước đây 15 năm thì chắc có không ít quốc đảo ở Thái Bình Dương ủng hộ quan điểm Úc chứ không im lặng như bây giờ. Chỉ e với dòng tiền mà Trung Quốc đang rót hiện giờ thì trong thời gian tới khi có sự kiện tương tự, sẽ có vài nước châu Đại dương quay lưng với Úc để theo Trung Quốc chứ chẳng chơi.

(kỳ tiếp và cuối: Úc chơi lớn vì e ngại chiến lược quân sự của Trung Quốc ở Thái Bình Dương​)

Anh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chiến dịch Hồ Chí Minh - Đỉnh cao thắng lợi của cách mạng Việt Nam
3 giờ trước Sự kiện
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng Chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, để lại nhiều kinh nghiệm quý báu đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đằng sau lòng tốt của Trung Quốc khi viện trợ cho các đảo quốc nghèo