Nghi vấn quân khủng bố IS ‘nhận vơ’ vụ tấn công Quốc hội Iran và lăng Giáo chủ Khomeini ngày 7.6 được báo New York Times nêu lên, cho rằng thủ phạm chính là một phe đối lập vũ trang ở Iran.
Đây là những vụ tấn công hiếm có ở thủ đô Tehran vốn được kiểm soát an ninh nghiêm ngặt. Iran cũng kiểm soát vũ khí gắt gao, nhưng có thể bọn tấn công đã tuồn vũ khí vào nước này trước đó.
“Chỉ là chuyện nhỏ”
Khi tranh cử hồi tháng 5, Tổng thống Hassan Rouhani thường ca ngợi tinh thần cảnh giác cao độ của các cơ quan an ninh và tình báo Iran.
Nhưng tính táo bạo của hai vụ tấn công và việc phải nhiều giờ mới kết thúc được chúng lại cho thấy: các quan chức an ninh Iran bị bất ngờ, không kịp đối phó, nhất là đối với một kế hoạch tấn công được chuẩn bị kỹ từ trước và điều phối nhịp nhàng.
Nhà phân tích Randa Slim của Viện Trung Đông (ở Washington) nói bọn tấn công phải có “nội gián” và cơ sở hạ tầng đã được chuẩn bị từ trước thì chúng mới có thể ra tay ăn ý.
Nhưng trong các tuyên bố công khai, lãnh đạo Iran “xếp nhỏ” hai vụ tấn công, nhấn mạnh tòa nhà quốc hội chưa hề bị xâm phạm.
Giáo chủ Khamenei, lãnh đạo tối cao của Iran, viết trên trang web chính thức của ông: “Đất nước Iran vẫn tiến tới phía trước. Ngay cả những kẻ phá bĩnh hôm nay sẽ không thể tác động đến ý chí của đất nước,mọi người phải biết điều này”.
Chủ tịch quốc hội Ali Larijani nói hai vụ tấn công là “chuyện nhỏ” và “vài tên khủng bố hèn nhát” đã xâm nhập vào tòa nhà quốc hội.
Trên thực tế, chuyện kể lại của các nhà báo và nghị sĩ bị kẹt bên trong tòa nhà cho thấy sự hoảng loạn, giới truyền thông nhà nước cũng phát hình ảnh vài người leo cửa sổ ra ngoài trốn thoát. Nghị sĩ Korosh Karmpur nói với hãng tin Tasnim rằng ông phải giả chết để không bị bắn, khi ông rời phòng họp để đón một vị khách vừa đến.
Giải cứu người khỏi tòa nhà quốc hội
Thủ phạm là Hội đồng kháng chiến quốc gia Iran ?
Tổng cộng 13 người chết, 42 người bị thương trong hai vụ tấn công vào hai biểu tượng của Cộng hòa Hồi giáo Iran: trụ sở quốc hội và lăng mộ Giáo chủ Ruhollah Khomeini, người từng chỉ huy cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran.
Vụ việc bắt đầu lúc 10 giờ 30 phút (giờ địa phương) với 4 tay súng giả gái xông vào tòa nhà Quốc hội Iran ở thủ đô Tehran, bắn lực lượng cảnh vệ. Các nghị sĩ được sơ tán và sau vài phút đụng độ, cảnh vệ dồn bọn tấn công lên các tầng trên của tòa nhà. Chiều cùng ngày, 4 tên tấn công đều chết, gồm 2 tên kích nổ đai bom để tự sát.
Vụ tấn công lăng Khomeini diễn ra cách tòa nhà quốc hội khoảng 25 km. 2 tên tấn công xả súng vào đoàn người đến viếng cố giáo chủ. Một tay súng đánh bom trước đồn cảnh sát đối diện khu lăng mộ. Sau đó, cảnh sát tiêu diệt một tên tấn công, bắt một phụ nữ trong khi tên còn lại nuốt thuốc độc cyanur để tự sát.
Sử dụng một phụ nữ tấn công và nuốt thuốc độc tự sát là các giải pháp của tổ chức đối lập vũ trang Mujahedeen Khalq (MEK). Các kẻ tấn công của tổ chức này quyết tử khi bị dồn vào đường cùng, trong những cuộc tấn công trước đây.
Một số nhà phân tích Iran cho rằng MEK dính líu vụ tấn công ngày 7.6, vì lãnh đạo MEK từng tuyên bố lăng mộ Khomeini sẽ là mục tiêu phá hủy đầu tiên của họ. Nhưng MEK lên án các vụ tấn công, phủ nhận sự dính líu và cáo buộc lãnh đạo Iran bí mật hoan nghênh họ.
Nhà nghiên cứu Rasool Nafisi người Mỹ gốc Iran nói: “Không thể nói MEK ra tay. Nhưng cũng có thể nói chuyên môn của họ có thể đã được sử dụng để huấn luyện những kẻ khủng bố chọn Iran làm mục tiêu”.
MEK còn có tên chính thức là Hội đồng kháng chiến quốc gia Iran. MEK từng có sự hỗ trợ hàng chục năm của cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein. Năm 2012, Mỹ đưa MEK ra khỏi danh sách các tổ chức khủng bố, với sự ủng hộ của nhiều đảng viên Cộng hòa muốn công nhận MEK là một tổ chức chính trị đối lập hợp pháp.
Xác của một tên tấn công
Ả rập Saudi dạy Iran một bài học
Khủng bố IS đã nhận trách nhiệm hai vụ tấn công. Kênh tuyên truyền Amaq của chúng đăng đoạn clip quay hình ảnh các tay súng bên trong tòa nhà quốc hội.
Nếu bọn IS thực sự ra tay, thì đây là vụ tấn công thành công đầu tiên ở Iran theo đạo Hồi dòng Shiite, trong khi các lực lượng được Iran ủng hộ ở Syria và Iraq đang giúp đánh bọn IS.
Nhưng nhà phân tích “diều hâu” Hamidreza Taraghi nói IS liên kết ngầm với Ả rập Saudi,một đối thủ của Iran: “Ả rập Saudi tài trợ, ủng hộ hậu cần và tài chính cho IS.Họ cùng một phe”.
Một quan chức an ninh Iran nói đấy là thông điệp do Ả rập Saudi gởi, nhằm “dạy Iran một bài học”. Ông cũng nói các vụ tấn công cũng nhằm thăm dò phản ứng của Iran vốn tương đối an toàn, vào lúc nhiều vụ tấn công khủng bố thường xảy ra ở châu Âu và nhiều nơi thuộc Trung Đông.
Trong một tuyên bố, Vệ binh Cách mạng lên án Mỹ và Ả rập Saudi thực hiện hai vụ tấn công, dù quân khủng bố IS theo đạo Hồi dòng Sunni đã nhận trách nhiệm, như chúng đã nhận sau các vụ tấn công khủng bố trên toàn thế giới trong vài tuần qua.
Ả rập Saudi bác bỏ vai trò đồng lõa. Ngoại trưởng Adel Al-Jubeir nói không biết ai chịu trách nhiệm và “chúng tôi lên án những vụ tấn công khủng bố dù chúng xảy ra ở bất kỳ nơi nào”.
Vài giờ trước đó, ông Jubeir nói Iran đáng bị trừng phạt vì can thiệp vào tình hình Trung Đông. Căng thẳng gia tăng ở khu vực này, tiếp sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 5 và ca ngợi Ả rập Saudi. Vương quốc này vừa cùng nhiều đồng minh quyết phong tỏa Qatar vì cớ Qatar giữ quan hệ hữu hảo với Iran.
Ông Trump gởi lời chia buồn và hứa cầu nguyện cho các nạn nhân bị khủng bố tấn công ở Iran, nhưng nói Iran “đáng đời” vì ủng hộ khủng bố. Mỹ không có quan hệ ngoại giao với Iran, xếp Iran vào danh cách các nước tài trợ khủng bố.
Trung Trực (theo New York Times)