Ngày 23.5, các thượng nghị sĩ Mỹ của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đề xuất “Luật Trừng phạt ở Biển Đông và biển Hoa Đông”, nhằm trừng phạt các cá nhân và thực thể Trung Quốc liên quan điều họ gọi là “hành vi nguy hiểm và trái pháp luật của Bắc Kinh” ở hai vùng biển này.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), nếu dự luật này được Quốc hội Mỹ thông qua, chính quyền Mỹ sẽ tịch thu các tài sản tài chính ở Mỹ của các đối tượng bị trừng phạt, thu hồi hoặc từ chối cấp visa cho bất kỳ ai “dính líu các hoạt động hoặc các chính sách đe dọa hòa bình, sự an toàn và ổn định” tại các khu vực thuộc Biển Đông mà có sự tranh chấp của một hoặc nhiều nước thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN).
Luật sẽ yêu cầu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ cứ mỗi 6 tháng phải báo cáo Quốc hội Mỹ, xác định bất kỳ cá nhân hoặc công ty Trung Quốc nào dính líu việc xây dựng hoặc phát triển các dự án đang phát triển ở các khu vực thuộc Biển Đông có sự tranh chấp của khối ASEAN. Các hoạt động trái phép gồm cải tạo đất, xây đảo nhân tạo, xây hải đăng và cơ sở hạ tầng liên lạc di động.
Dự luật nêu “những ai là đồng lõa hoặc dính líu các hoạt động đe dọa sự hòa bình, an ninh và ổn định của các khu vực này hoặc các khu vực ở biển Hoa Đông thuộc chủ quyền Nhật Bản và Hàn Quốc cũng sẽ là đối tượng bị trừng phạt”.
Theo SCMP, dự luật này từng được đề xuất năm 2017, nhưng Ủy ban Đối ngoại Thượng viện chưa hề trình với toàn bộ Thượng viện, nơi sẽ cùng Hạ viện Mỹ ra quyết định thông qua, trước khi có chữ ký phê chuẩn luật của tổng thống Mỹ. Những người đề xướng hy vọng lần này sẽ có một kết quả khác, vì một số nghị sĩ kỳ vọng tân Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Thượng nghị sĩ James Risch là người rất chú ý các chính sách của Bắc Kinh.
Thủy thủ Trung Quốc sau cuộc tập trận hải quân chung với Nga ở biển Hoa Đông ngày 4.5 - Ảnh: Tân Hoa Xã
Niềm hy vọng luật sẽ được thông qua càng cao, khi các nghị sĩ lưỡng viện Mỹ và của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đang tăng thái độ nghi kỵ Bắc Kinh, theo SCMP. Từ nhiều vấn đề gồm an ninh quốc gia, chiến tranh thương mại, quyền sở hữu trí tuệ, thái độ đối với Trung Quốc của chính phủ Mỹ cũng giành được sự ủng hộ của cả những người chỉ trích Tổng thống Donald Trump kịch liệt. Ví dụ, Thượng nghị sĩ Chuck Schumer khen ngợi việc ông Trump tiến hành chiến tranh thuế ngày càng cao với Trung Quốc.
Một dấu chỉ ủng hộ việc Quốc hội Mỹ chống Trung Quốc là dự luật kể trên có sự bảo trợ của 13 Thượng nghị sĩ của cả hai đảng, tăng đáng kể so với chỉ 2 người ký ủng hộ dự luật này năm 2017. Bà Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á và là chuyên gia về Trung Quốc ở Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS, Mỹ) nói nếu dự luật có sự ủng hộ mạnh của Thượng viện thì có thể Hạ viện Mỹ sẽ nhượng bộ.
Hai Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng hòa) và Benjamin Cardin (Dân chủ) là những người khởi xướng dự luật. Ông Rubio nói với SCMP: “Dự luật lưỡng đảng này tăng cường nỗ lực của Mỹ và đồng minh trong việc đối phó hành vi nguy hiểm và trái pháp luật của Bắc Kinh khi họ quân sự hóa các vùng tranh chấp mà họ đã chiếm ở Biển Đông. Luật tái nhắc nhở cam kết của Mỹ là bảo vệ khu vực này tự do và mở cửa cho tất cả các quốc gia, và quy trách nhiệm cho chính phủ Trung Quốc đã bắt nạt, hù dọa các nước khác trong khu vực này”.
Người phát ngôn của ông Rubio nói dự luật được tung ra “đúng thời điểm”, từ việc hải quân Mỹ mới đây tổ chức cuộc tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông. Đây là cuộc FONOP thứ hai trong vòng một tháng, và Bắc Kinh tuyên bố các hoạt động của tàu chiến Mỹ “vi phạm chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, phá hoại hòa bình, an ninh và trật tự ở những vùng biển liên quan”.
Bà Glaser nói chính phủ Mỹ hiện tại đã hoạt động hiệu quả hơn chính phủ tiền nhiệm, khi tổ chức các cuộc tuần tra FONOP thường xuyên hơn. Chính phủ Trump cũng thành công trong việc khuyến khích các nước trong khu vực Biển Đông cùng tuần tra, tập trận. Ví dụ hồi đầu tháng 5, Mỹ cùng Ấn Độ, Nhật Bản và Philippines tập trận hải quân. Bà Glaser nói đó là “sự bất thường nhưng tôi thích chứng kiến”.
Mỹ Trinh (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)