Nguồn tin của tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho biết chính quyền Bắc Kinh đề xuất thiết lập cơ chế tham vấn song phương nhằm thảo luận tranh chấp Biển Đông với Malaysia – một trong những bên liên quan lên tiếng mạnh mẽ thời gian qua.
Trung Quốc áp dụng thành công cơ chế song phương cấp Thứ trưởng với một bên tranh chấp khác là Philippines. Quan chức hai nước có lần làm việc đầu tiên vào năm 2017.
Philippines 3 năm trước giành được chiến thắng pháp lý quan trọng về tranh chấp Biển Đông. Tuy nhiên khi lên nắm quyền Tổng thống Rodrigo Duterte lại tạm gác các tuyên bố chủ quyền để xây dựng quan hệ thân thiết với Trung Quốc, qua đó nhận được nguồn hỗ trợ tài chính phục vụ kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng đất nước.
Nhà lãnh đạo Manila cố gắng đàm phán tìm giải pháp cho tranh chấp, tạo điều kiện cho Trung Quốc nhanh chóng biến những thực thể địa lý mà họ chiếm đóng phi pháp thành căn cứ quân sự.
Nguồn tin của SCMP mô tả đây là chiến thuật “chia để trị” giới chức Bắc Kinh chuyên dùng đối phó láng giềng. Như vậy lúc các nước nhóm họp thì chẳng còn gì thảo luận ngoài chấp thuận những gì Trung Quốc đặt lên bàn đàm phán.
Ý đồ lặp lại cách làm nêu trên với Malaysia đã bị từ chối. Ngoại trưởng Saifuddin Abdullah đầu tuần này cho biết: “Trung Quốc thực sự tìm đến mỗi thành viên ASEAN (ngoại trừ vài đối tượng như Myanmar) hòng thúc đẩy giải quyết tranh chấp trên cơ sở song phương. Nhưng Malaysia luôn kiên định. Chúng tôi nói với phía Bắc Kinh rằng Kuala Lumpur sẽ chỉ thảo luận thông qua ASEAN.
“Malaysia giữ vững cách tiếp cận lấy ASEAN làm trọng tâm trong đối phó Trung Quốc xung quanh vấn đề Biển Đông”, Ngoại trưởng Abdullah trả lời phỏng vấn đài phát thanh BFM 89.9.
Giáo sư Trương Minh Lượng thuộc đại học Tế Nam nhận định chính nhu cầu giữ ổn định khu vực, tránh cho các nước láng giềng chỉ trích khi phải chịu áp lực cạnh tranh từ Mỹ khiến Trung Quốc đẩy mạnh thực hiện chiến thuật “chia để trị”.
Tuy vậy, chính quyền Kuala Lumpur do Thủ tướng Mahathir Mohamad dẫn dắt hiểu rất rõ tình hình lẫn bất lợi khi đàm phán riêng với Trung Quốc nên quyết phản đối cơ chế tham vấn song phương.
Hiện tại Trung Quốc đang cùng Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) xây dựng một bộ quy tắc ứng xử dùng trong trường hợp chạm trán không báo trước ở vùng biển tranh chấp. Tiến trình thương lượng tiến triển khá chậm.
Phó giáo sư Zhang Mingliang, một chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông tại Đại học Tế Nam (Quảng Châu), cho biết tình trạng leo thang đối đầu với Mỹ đang gây áp lực buộc Trung Quốc phải tìm kiếm sự ủng hộ từ các nước láng giềng nhỏ hơn, nhưng động thái này có thể gặp phải sự kháng cự từ phía Malaysia.
"Với sức ép to lớn từ cuộc chiến thương mại với Mỹ, Trung Quốc cần tạo sự ổn định ở các nước láng giềng và tránh nhận thêm chỉ trích", ông Zhang nói.
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Mahathir Mohamad, Malaysia hiểu rõ tình hình và ý thức được hiện nay họ có nhiều đòn bẩy hơn với Trung Quốc và việc đàm phán song phương chỉ tự đẩy Kuala Lumpur vào thế bất lợi.
Từ khi lên cầm quyền cho đến nay, Thủ tướng Mohamad được cho là người theo chủ nghĩa dân tộc, có quan điểm, chủ trương bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia. Liên quan vấn đề Biển Đông, ông Mahathir Mohamad cho rằng Biển Đông nên là một vùng biển hợp tác, kết nối và xây dựng cộng đồng, không phải là nơi đối đầu hay xung đột.
Malaysia đã thể hiện thái độ dứt khoát trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển Đông dựa trên các quy định của luật pháp quốc tế và đàm phán đa phương giữa các bên liên quan và không chấp nhận chủ trương đàm phán song phương của Trung Quốc.
Malaysia sẽ thực thi chính sách mang tính cứng rắn, cương quyết hơn trong vấn đề Biển Đông. Qua đó, tăng cường hợp tác với các nước nhằm bảo vệ chủ quyền và lợi ích ở Biển Đông. Mặt khác, Malaysia sẽ giảm bớt sự lệ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế và từng bước ngăn chặn, lên án những hành động phi pháp của Bắc Kinh trong khu vực.
Hoàng Vũ
Cẩm Bình (theo SCMP)