Ngày 30.10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.
Nhiều ngư dân giỏi thành con nợ
Đại biểu Lê Công Nhường nhắc lại báo cáo Chính phủ nêu về tình hình Biển Đông đang diễn biến phức tạp, trong đó có việc vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của Việt Nam được xác định theo luật pháp quốc tế, trái với Tuyên bố DOC và các thỏa thuận cấp cao.
Theo ông Nhường, Đảng và Nhà nước đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thì Việt Nam không bao giờ nhân nhượng, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.
Đại biểu Nhườngnhấn mạnh, trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước, ngư dân là lực lượng tham gia đóng góp lớn, nhưng chính sách cho đối tượng này lại chưa được quan tâm đúng mức", và đề cập đến việc triển khai đóng tàu cá đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67 (ban hành năm 2014).
Hiện nay, tổng số nợ các ngân hàng cho ngư dân vay đóng tàu cá trên toàn quốc đến nay là gần 11.700 tỉ đồng; công suất của các tàu cá đã vượt qua nguồn lợi thủysản tại vùng biển Việt Nam, nên nhiều ngư dân đã vi phạm khi đánh bắt vùng biển bên ngoài. Mặt khác, nhà chức trách công bố 21 mẫu tàu vỏ thép được cấp phép đóng mới theo Nghị định 67, nhưng khi áp dụng từng địa phương chưa phù hợp; một số tàu vừa hoạt động một năm đã hư hỏng.
Tại Bình Định hiện có 47 chủ tàu nợ gần 208 tỉ đồng. Theo quy định, các chủ tàu này không được hỗ trợ lãi suất ngân hàng, việc thu nợ khó khăn.
"Điều này cho thấy chúng ta đã quá vội vàng khi triển khai Nghị định 67, có những ngư dân giỏi đã trở thành con nợ xấu. Để phát triển nghề cá bền vững thì không chỉ cần nâng cấp phương tiện, kỹ thuật mà điều quan trọng là phải đào tạo ngư dân làm chủ tàu vỏ thép.
Ông đề nghị các cơ quan quản lý nhanh chóng đưa ra hướng dẫn để xử lý, trong đó có việc bàn giao khoản nợ từ chủ tàu cũ sang chủ tàu mới; quy định cụ thể về nợ quá hạn, lãi suất cho vay để địa phương có cơ sở thực hiện.
Cần thu hút tư nhân xây dựng sân bay, đường cao tốc
Đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) khẳng định kinh tế tư nhân là động lực đóng góp cho nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, kinh tế tư nhân phát triển dưới dạng tiềm năng, chưa bứt phá được để trở thành trụ cột mới của nền kinh tế.
Ông So cho rằng cần nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế tư nhân. Thời gian qua, có một số văn bản hỗ trợ kinh tế tư nhân nhưng phần lớn doanh nghiệp không thể tiếp cận, hưởng thụ nguồn ưu đãi đã được quy định.
Theo đó, phải có sự đột phá về cơ chế chính sách, cần tập trung phát triển nguồn nhân lực thông qua đổi mới các mảng, hoàn thiện giáo dục, đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy hoàn thiện cơ chế thị trường, xây dựng quảng bá thương hiệu, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, giúp kinh tế tư nhân nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.
Nhà nước phải đẩy mạnh khuyến khích, hỗ trợ, nâng cao năng lực quản trị, trình độ công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu chuyển giao công nghệ giúp doanh nghiệp tư nhân phát triển bền vững.
Qua đó, mang lại thu hút kinh tế tư nhân, tham gia sâu vào lĩnh vực mà lâu nay vốn độc quyền của Nhà nước, như thiết kế, xây dựng hạ tầng, sân bay, đường cao tốc… “Thực tế cho thấy đầu tư từ nguồn vốn tư nhân là hiệu quả, nhanh chóng hơn, tránh được hiện tượng tiêu cực”, ông So nói.
Cũng theo ông So, cần phải đặt kinh tế tư nhân là động lực lớn, lan tỏa, lôi kéo các thành phần kinh tế khác, nhất là thành phần kinh doanh nhỏ lẻ; thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, hình thành trục liên kết theo chuỗi, hỗ trợ tính thị trường.
“Tư nhân được hưởng lợi, có việc làm, thực lực của nền kinh tế Việt Nam cũng tăng lên. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, chúng ta cần xây dựng thương hiệu quốc gia ghi dấu ấn trên bản đồ kinh tế thế giới, trở thành niềm tự hào của người Việt”, đại biểu đoàn Bắc Ninh nhấn mạnh.
Tích tụ hay tập trung ruộng đất?
Đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long) cho rằng rào cản lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp hiện nay là sự ngăn cách thông tin giữa người sản xuất và thị trường chứ không phải vốn, kỹ thuật canh tác. Nông dân hiện nay chỉ nhận thông tin từ đại lý thu mua, thương lái, không hề có một tư vấn nào khác về thị trường nên họ không biết chính xác cách thức sản xuất của mình có đúng quy luật thị trường hay không.
“Chừng nào thông tin chính thống về giá cả thị trường chưa đến với nông dân thì bi kịch tiêu thụ hàng nông sản sẽ tiếp diễn, không bao giờ chấm dứt”, ông Công nói.
Một rào cản thứ hai trong sản xuất nông nghiệp được đại biểu Lưu Thành Công đề cập là tích tụ và tập trung ruộng đất. Ông cho rằng, cần phân biệt rõ tích tụ ruộng đất và tập trung ruộng đất. Tích tụ ruộng đất gắn hẳn với chuyển nhượng quyền sở hữu đất, người nông dân sẽ mất quyền sở hữu, sử dụng. Quản lý nhà nước hiện nay là cấm tích tụ ruộng đất để đầu cơ, kinh doanh.
“Ngược lại làm sao khuyến khích mô hình tập trung ruộng đất, liên kết các mảnh đất khác nhau của nhiều người để cùng khai thác. Hiện nay tập trung ruộng đất ở nước ta khá phổ biến, nông dân đồng tình”, ông Công nêu.
Theo đại biểu Công, đây là mô hình tiến bộ, nhân bản nhất, giải quyết tâm lý sở hữu đất của nông dân. Nông dân có thể yên tâm vì mình vẫn sở hữu đất, trong khi có thể tập trung canh tác quy mô lớn. Nhiều quốc gia đã thực hiện thành công mô hình này. Việt Nam cần khuyến khích mô hình tập trung ruộng đất theo quy mô phù hợp năng lực, trình độ sản xuất hiện nay do một nông dân, hợp tác xã đứng lại thuê để canh tác.
Đại biểu đề nghị nhà nước cần có chính sách đặc thù, ưu đãicho loại hình này. Nếu rào cản này được tháo gỡ sẽ tác động lớn đến nông nghiệp như giúp dễ tiếp cận công nghệ mới, tập trung ruộng đất, sản xuất giá trị cao.
Một rào cản khác cũng được đại biểu này đề cập là tư duy kinh tế nhỏ lẻ. Ông đánh giá các địa phương vẫn chưa chuyển được từ tư duy kinh tế tỉnh sang kinh tế vùng. Hiện mỗi tỉnh làm một kiểu, dàn hàng ngang ra làm, thậm chí cạnh tranh lẫn nhau.
"Do vậy Chính phủ cần có chính sách căn cơ hơn phát triển kinh tế vùng, nhằm chuyển dần từ tư duy phát triển nông nghiệp thuần túylà trồng lúa, chạy theo số lượng sang chất lượng, hướng đến nền nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ".
Lam Thanh