Những biến động trên thị trường chứng khoán của Trung Quốc gần đây lộ ra nhiều vấn đề đối với nền kinh tế của nước này, từ việc quản lý chính sách quốc gia cho tới việc quỹ tín dụng đen ăn sâu vào máu nền kinh tế Trung Quốc.

Quỹ tín dụng đen ăn sâu vào máu nền kinh tế Trung Quốc?

Một Thế Giới | 12/07/2015, 16:34

Những biến động trên thị trường chứng khoán của Trung Quốc gần đây lộ ra nhiều vấn đề đối với nền kinh tế của nước này, từ việc quản lý chính sách quốc gia cho tới việc quỹ tín dụng đen ăn sâu vào máu nền kinh tế Trung Quốc.

Việc có hay không chuyện quỹ tín dụng đen ăn sâu vào máu nền kinh tế Trung Quốc, chỉ mới được nhắc đến gần đây, khi mà liên tục những vụ bỏ trốn của các công ty tín dụng đen xảy ra và những vụ biểu tình đòi tiền của người gửi tiền ngày một nhiều hơn.
Những người gửi tiền vào các công ty tín dụng đen còn được gọi là "nhà đầu tư", những người đã bị "cướp trắng" số tiền tích cóp của mình đã hé lộ ra một phần đen tối trong động lực thúc đẩy quốc gia tỉ dân này phát triển những năm qua.
Chính quyền coi tín dụng đen là cách giúp tăng trưởng
Trung Quốc cho phép các quỹ tín dụng đen hoạt động ngầm trong cả một thập kỷ qua như là cách để các công ty tư nhân có một kênh tiếp cận vốn phi chính thức vì khó tiếp cận được nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng nhà nước.
Chính phủ Trung Quốc gặt hái được thành công từ việc các công ty tư nhân sẽ phát triển mạnh mà không cần phải giải quyết các thách thức chính trị lớn như cho các công ty tư nhân tiếp cận nhiều hơn với nguồn vốn từ các ngân hàng nhà nước.
Ngoài ra việc các quỹ tín dụng đen tung hoành một phần vì người dân Trung Quốc muốn gửi tiền của mình vào những nơi có thể sinh lợi cao hơn là việc gửi tiết kiệm cho ngân hàng với lãi suất thấp, điều đã tạo ra những cơn sốt đầu cơ liên tục từ bất động sản có tới những kênh huy động khác. 
Dòng tiền luôn chảy và gần đây nhất tất cả đều đổ dồn vào việc đầu cơ chứng khoán, điều khiến cho bong bóng thị trường được thổi lên chỉ trong 7 tháng giá trị của toàn thị trường tăng lên gấp đôi đạt đỉnh vào giữa tháng sáu vừa qua, và tuột dốc không phanh làm mất 30% giá trị cho tới nay.
Một phần tài chính ngầm được nhà nước Trung Quốc công nhận: nhà nước công nhận các khoản vay của các công ty tư nhân với các khách hàng cá nhân như là một dạng đầu tư. Điều đã thúc đẩy tạo ra các công ty môi giới, làm trung gian giữa các công ty cần vốn và những người muốn đầu tư khoản tiền tiết kiệm của mình.
Những nhà đầu tư nhỏ lẻ, với số tiền tiết kiệm cả đời của mình đã bơm hàng nghìn tỉ nhân dân tệ (tương đương hàng trăm tỉ USD) vào nền kinh tế, điều đã góp phần hỗ trợ tăng trưởng của các công ty nước này trong nhiều năm qua.
Một loại hình khác của tín dụng đen, mà cũng được nhà nước cho phép hoạt động công khai được gọi với cái tên mỹ miều là "Quỹ bảo lãnh đầu tư" nhưng thực chất hoạt động không khác nào một ngân hàng thương mại, họ huy động tiền gửi của dân chúng để cho vay, hoặc đầu cơ cổ phiếu và vàng. Họ hứa hẹn một lãi suất trong mơ nhiều gấp hai đến nhiều lần so với lãi suất ngân hàng chính thống.
Tiền mất tật mang
Bofeng Asset Management Ltd. một "Quỹ bảo lãnh đầu tư" lớn đã bị sụp đổ vào 6 tháng trước, sau khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, giá vàng rớt thê thảm và thị trường nhà đất đóng băng.
Hàng trăm người đã gửi tiền vào Bofeng đã thực hiện các cuộc biểu tình hàng tuần bên ngoài Ngân hàng Nhà nước và các văn phòng chính phủ Trung Quốc, mong có thể đòi lại số tiền của họ.
"Các nhân viên an ninh tại các ngân hàng đánh chúng tôi", ông Fan Xiaolin, 50 tuổi và là một kỹ sư tại Trường Sa cho biết. "Cảnh sát thì yêu cầu chúng tôi về nhà và chờ đợi", ông nói thêm.
"Nhiều nhà đầu tư không nhận ra nguy cơ cho đến khi có điều gì sai trái", Guo Tianyong, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ngân hàng tại Đại học Trung tâm Tài chính và Kinh tế có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết.
Hiện tại, chính phủ Trung Quốc đang gặp phải áp lực từ những nhà đầu tư nổi giận vì bị mất tiền, Bắc Kinh cũng khá đau đầu khi làm cách nào để đền bù số tiền này.
Ngân hàng móc nối với tín dụng đen
Những người biểu tình trước cơ quan chính quyền cũng như Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc cho rằng, họ đã bị các nhân viên ngân hàng dụ dỗ đóng tiền tiết kiệm của mình cho các quỹ tín dụng đen.
"Tôi đã đến ngân hàng để gửi tiền nhưng người quản lý ngân hàng đã đề nghị với tôi", ông Sheng Weimin - một kỹ sư 48 tuổi làm việc cho một công ty hàng không cho biết việc Ngân hàng móc nối với tín dụng đen và dụ ông đầu tư vào Bofeng 100.000 nhân dân tệ.
Ông Fan cũng cũng cho rằng, mình đã bị nhân viên ngân hàng dụ dỗ tương tự, khi mà các ngân hàng nói ông sẽ được nhận lãi suất hàng năm tới 7%, gấp đôi so với gửi tại ngân hàng.
"Họ không nói về nguy cơ sẽ đến", Fan đã từng kiếm được tới 4.000 nhân dân tệ mỗi tháng nhờ đầu tư vào Bofeng cho biết. "Các nhân viên giao dịch tại Ngân hàng Trung Quốc nói rằng ai mà vẫn còn gửi tiền tiết kiệm thì chỉ là kẻ ngốc".
Các nhân viên Ngân hàng được Bofeng lại quả bằng cách trả đến 2% giá trị của các "khoản đầu tư" mà họ huy động được từ người dân.
Kết quả là trong khi chính quyền Trung Quốc đang nhận ra hậu quả của chính sách "ăn xổi" của mình, và mạnh tay hơn với các quỹ tín dụng đen, thì cũng là lúc ngành tài chính bí mật này gần như đã mất kiểm soát và sắp sụp đổ đồng loạt, điều sẽ khiến tình hình kinh tế xã hội Trung Quốc thêm bất ổn.
Thiên Hà (Theo AP)
Bài liên quan
Tỷ phú giàu thứ hai Trung Quốc yêu cầu người giàu nhất nước xin lỗi vì bị công kích trên các ứng dụng của ByteDance
Zhong Shanshan (Chung Thiểm Thiểm), người sáng lập hãng đồ uống đóng chai khổng lồ Nongfu Spring, đổ lỗi cho các ứng dụng mạng xã hội của ByteDance vì đã tiếp tay cho các cuộc tấn công trực tuyến nhắm vào ông.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
9 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quỹ tín dụng đen ăn sâu vào máu nền kinh tế Trung Quốc?