Ngân hàng Nhà nước mới đây đã công bố quyết định kiểm soát đặc biệt toàn diện trong vòng 3 tháng đối với Quỹ tín dụng nhân dân Thọ Lộc.

Quỹ tín dụng nhân dân Thọ Lộc bị kiểm soát đặc biệt

Một Thế Giới | 06/02/2016, 11:49

Ngân hàng Nhà nước mới đây đã công bố quyết định kiểm soát đặc biệt toàn diện trong vòng 3 tháng đối với Quỹ tín dụng nhân dân Thọ Lộc.

Theo Ngân hàng Nhà nước, qua công tác quản lý, thanh tra, giám sát, đến thời điểm hiện tại cho thấy Quỹ tín dụng nhân dân Thọ Lộc đã có nhiều vi phạm về quản lý tài chính và cấp tín dụng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính và hoạt động của quỹ, dẫn đến tình trạng mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán.
Do đó, theo chỉ đạo từ Ngân hàng Nhà nước, UBND TP.Hà Nội đã quyết định đặt Quỹ tín dụng nhân dân Thọ Lộc vào diện kiểm soát đặc biệt dưới hình thức kiểm soát toàn diện theo quy định tại Thông tư số 07/2013/TT-NHNN (ngày 14.3.2013) quy định về kiểm soát đặc biệt với tổ chức tín dụng.
Thời hạn kiểm soát đặc biệt là 3 tháng kể từ ngày ký. Ban kiểm soát đặc biệt Quỹ tín dụng nhân dân Thọ Lộc sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát trực tiếp, toàn diện hoạt động hàng ngày của Quỹ tín dụng nhân dân Thọ Lộc.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các cơ quan bảo vệ pháp luật tăng cường công tác thu hồi nợ, xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, các thành phần kinh tế và các cá nhân cố tình chây ỳ không trả nợ Quỹ tín dụng nhân dân Thọ Lộc gây thất thoát tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Trong thời gian kiểm soát đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp cần thiết nhằm duy trì, khôi phục hoạt động của Quỹ và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, chỉ đạo và giám sát chặt chẽ Quỹ tín dụng nhân dân Thọ Lộc trong việc thực hiện phương án củng cố tổ chức và hoạt động của Quỹ đã được phê duyệt.
Trước đó, vào đầu năm nay, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước trong năm 2016 phải tập trung xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém và cho phép áp dụng các biện pháp mạnh bao gồm cả biện pháp can thiệp của Nhà nước.
Không những vậy, trong hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2016 ngành ngân hàng, Phó thống đốc Nguyễn Phước Thanh cũng đã đề cập đến việc xử lý các đơn vị yếu kém. Cụ thể, ông Thanh cho biết các tổ chức tín dụng yếu kém nếu không tự khắc phục được sẽ dẫn đến việc phá sản. Vì vậy, trước mắt cơ quan quản lý có thể cho phá sản các quỹ tín dụng đến các công ty tài chính hoạt động yếu kém để thị trường quen dần. Tiếp sau đó, cơ quan này sẽ tiếp tục xử lý các ngân hàng nhỏ yếu kém.
Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quỹ tín dụng nhân dân Thọ Lộc bị kiểm soát đặc biệt