Hàng trăm dự án nhà ở bị ách tắc do thủ tục quyết định chủ trương đầu tư bất hợp lý khiến cho nguồn cung dự án và nguồn cung nhà ở bị sụt giảm rất lớn. Điều này dẫn đến giá nhà tăng do cung ít - cầu nhiều và làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

Quy trình bất hợp lý, hàng trăm dự án nhà ở bị ‘đóng băng’

08/06/2020, 19:43

Hàng trăm dự án nhà ở bị ách tắc do thủ tục quyết định chủ trương đầu tư bất hợp lý khiến cho nguồn cung dự án và nguồn cung nhà ở bị sụt giảm rất lớn. Điều này dẫn đến giá nhà tăng do cung ít - cầu nhiều và làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

Nhiều bất hợp lý trong quy trình đầu tư dự án - Ảnh: P.D

Hàng trăm dự án bị tắc vì luật

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), kể từ ngày 10.12.2015 (ngày có hiệu lực của Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở 2014) đến cuối năm 2018, chỉ riêng tại TP.HCM đã có 126 dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp, phải chuyển mục đích sử dụng đất, bị ách tắc thủ tục đầu tư xây dựng. Do vậy, các dự án này đã bị đóng băng.

Nguyên nhân trước hết là do dự án phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư quy định tại khoản 2 điều 170 Luật Nhà ở và Điều 33 Luật Đầu tư, nhưng sau đó, lại bị ách tắc các thủ tục hành chính tiếp theo. Nếu tính cả các dự án chưa trình duyệt thì số lượng dự án bị ngừng triển khai còn nhiều hơn, làm cho nguồn cung dự án và nguồn cung nhà ở bị sụt giảm rất lớn, dẫn đến giá nhà tăng do cung ít - cầu nhiều và làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước. Vướng mắc này cũng xảy ra tại các tỉnh, thành phố khác.

Trong thời gian qua, các dự án nhà ở dù đã có quyết định chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh, ghi tên nhà đầu tư, nhưng Sở Xây dựng hoặc Sở Quy hoạch - Kiến trúc không nhận hồ sơ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án, bởi Luật Quy hoạch đô thị quy định chỉ có chủ đầu tư mới được đề xuất quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Những dự án này bị “tắc” khiến cả doanh nghiệp, Nhà nước, người dân và nền kinh tế đều bị thiệt hại.

Ông Châu cũng cho rằng điều trái khoáy là nội dung trên lại xung đột với chính khoản 4 điều 30 cũng của Luật Quy hoạch đô thị quy định đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 là cơ sở để cấp giấy phép xây dựng và lập dự án đầu tư, mà có dự án thì mới được công nhận chủ đầu tư.

Ngoài ra, điều 23 Luật Nhà ở quy định doanh nghiệp phải nhận chuyển nhượng 100% đất ở thì mới được chỉ định chủ đầu tư dự án nhà ở, đã làm “ách tắc” hàng trăm dự án nhà ở. Trong khi đó, Luật Đất đai đã cho phép doanh nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để làm dự án nhà ở, nếu phù hợp với quy hoạch.

“Hiện nay, có địa phương yêu cầu doanh nghiệp phải hoàn thành nộp tiền sử dụng đất dự án nhà ở, rồi mới được công nhận chủ đầu tư, cấp giấy phép xây dựng và mới được khởi công xây dựng làm cho dự án bị kéo dài thời gian thực hiện. Điều này làm tăng giá thành, dẫn đến tăng giá bán, mà cuối cùng người mua nhà phải gánh chịu.

Trong lúc đó, pháp luật về đất đai, pháp luật về kinh doanh bất động sản, chỉ quy định chủ đầu tư dự án phải hoàn thành nộp tiền sử dụng đất và nghĩa vụ tài chính với Nhà nước trong 2 trường hợp. Một là trước khi lập thủ tục xin cấp “sổ đỏ” dự án. Hai là trước khi bán nhà ở có sẵn, hoặc bán nhà ở hình thành trong tương lai chứ không quy định chủ đầu tư phải nộp tiền sử dụng đất trong giai đoạn thi công xây dựng các công trình của dự án nhà ở.

Nhiều bất hợp lý trong quy trình đầu tư xây dựng dự án

Mới đây, HoREA đã có công văn đề nghị UBND TP.HCM xem xét thấu đáo trước khi ban hành quy trình đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp, phải chuyển mục đích sử dụng đất.

HoREA cho rằng quy trình thủ tục do Sở Xây dựng đề xuất, có nhiều điểm bất hợp lý, nhất là nội dung bước 4, vừa không phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, vừa không phù hợp với thực tiễn.

“Ví dụ một dự án nhà ở thương mại điển hình là dự án nhóm A, có công trình cấp 1, quy mô dự án dưới 20 ha, tổng vốn đầu tư dưới 5.000 tỉ đồng, hoàn toàn thuộc thẩm quyền của UBND TP.HCM quyết định đầu tư, áp dụng theo trình tự thủ tục do Sở Xây dựng đề xuất thì thời gian thực hiện các thủ tục hành chính phải mất tổng cộng 247 ngày làm việc, tương đương 50 tuần, khoảng 1 năm và chưa tính 14 ngày nghỉ lễ, tết.

Tổng thời gian nêu trên chưa bao gồm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính tại Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Tài chính và Cục Thuế thành phố, do các cơ quan này chưa đề xuất thời gian

Đối với các dự án nhà ở có quy mô lớn hơn, thuộc trường hợp phải xin ý kiến Bộ Xây dựng, hoặc thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì thời gian thực hiện các thủ tục chắc chắn sẽ lâu hơn”, Chủ tịch HoREA cho biết.

Ngoài ra, HoREA cũng nói rằng nội dung bước 4 quy định nhà đầu tư được thực hiện song song các thủ tục để rút ngắn thời gian nhưng Sở Xây dựng lại đề xuất chỉ khi nhà đầu tư nộp tiền sử dụng đất và hoàn tất nghĩa vụ tài chính, các thủ tục còn lại sẽ được ký thông qua theo quy định.

Theo HoREA, cụm từ “chỉ khi” có nghĩa là nhà đầu tư vẫn phải thực hiện tuần tự các bước thủ tục, mà bước đầu tiên trong bước 4 là phải nộp tiền sử dụng đất và hoàn tất nghĩa vụ tài chính trước, thì sau đó mới được thực hiện các bước thủ tục còn lại. Do đó, việc tháo gỡ những điểm bất hợp lý của cơ quan chức năng là chưa thực chất.

Phan Diệu

Bài liên quan
Cuối năm, dòng tiền đổ về thị trường bất động sản vùng Đông Bắc Hà Nội
Sự xuất hiện của khu đô thị mới được quy hoạch bài bản, hội tụ nhiều chủ đầu tư uy tín tại khu vực Đông Bắc Hà Nội nhanh chóng tạo ra hấp lực mới, xoay hướng dòng tiền đổ vào thị trường địa ốc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quy trình bất hợp lý, hàng trăm dự án nhà ở bị ‘đóng băng’