Ngày 15.3, Quỹ VinFuture khởi động chuỗi 8 buổi hội thảo trực tuyến InnovaTalk (webinar) từ tháng 3 - 11.2023 với các chủ đề có tính ứng dụng cao được thế giới quan tâm như: Nông nghiệp, y tế, giao thông thông minh, và những xu hướng công nghệ mới...

Quỹ VinFuture khởi động chuỗi hội thảo trực tuyến InnovaTalk 2023

H.V | 15/03/2023, 17:00

Ngày 15.3, Quỹ VinFuture khởi động chuỗi 8 buổi hội thảo trực tuyến InnovaTalk (webinar) từ tháng 3 - 11.2023 với các chủ đề có tính ứng dụng cao được thế giới quan tâm như: Nông nghiệp, y tế, giao thông thông minh, và những xu hướng công nghệ mới...

Mỗi hội thảo sẽ được dẫn dắt bởi một nhà khoa học là thành viên các hội đồng hoặc chủ nhân Giải thưởng VinFuture, hoặc một chuyên gia quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Tham gia thảo luận là các diễn giả khách mời đến từ các viện nghiên cứu, tổ chức hoặc trường đại học danh tiếng trên thế giới và đặc biệt là các chuyên gia hàng đầu đến từ các viện công nghệ, viện hàn lâm cũng như đại diện doanh nghiệp Việt Nam.

Đây cũng chính là mục tiêu mà InnovaTalk của Quỹ VinFuture hướng tới khi tổ chức thường niên nhằm kết nối các trí tuệ hàng đầu thế giới với các nhà khoa học và doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Thông qua những nội dung thảo luận, Quỹ VinFuture mong muốn tôn vinh tầm quan trọng của từng lĩnh vực khoa học công nghệ trong cuộc sống hiện nay, cũng như đánh giá tính thực tiễn và tiềm năng ứng dụng công nghệ đó tại Việt Nam và thế giới. Đồng thời, quỹ cũng mong muốn khuyến khích và thúc đẩy sự đóng góp và vai trò của các nhà khoa học Việt Nam trong chuỗi sáng tạo toàn cầu.

anh-1.jpg

Chia sẻ về chuỗi hoạt động này, TS Lê Thái Hà - Giám đốc điều hành Giải thưởng VinFuture cho biết: “Chuỗi hội thảo InnovaTalk nhận được sự quan tâm và ủng hộ từ cộng đồng khoa học trong năm qua, với mỗi buổi webinar thu hút khoảng 200 nhà nghiên cứu và chuyên gia tham dự. Với vai trò là cầu nối tri thức, chúng tôi đã tăng số lượng buổi hội thảo trong năm nay để những người yêu mến và đam mê khoa học có cơ hội giao lưu, trò chuyện với các nhà khoa học và chuyên gia hàng đầu về các vấn đề quan trọng, xu hướng công nghệ trên toàn cầu”.

Buổi hội thảo đầu tiên của chuỗi InnovaTalk trong năm 2023 sẽ diễn ra lúc 13 - 14 giờ ngày 29.3 (giờ Việt Nam) và được chủ trì bởi Giáo sư Josse De Baerdemaeker - nguyên nguyên Chủ tịch Hiệp hội Kỹ sư nông nghiệp châu Âu (EurAgEng). Ông từng là diễn giả trình bày tham luận tại phiên tọa đàm "Nông nghiệp bền vững trong bình thường mới" trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học công nghệ VinFuture 2022.

Nội dung chính của hội thảo là phần diễn thuyết về chủ đề “Công nghệ thu hoạch cây ăn quả với cảm biến quang phổ” (Harvest Planning with Spectral Sensors in the Orchard) của Giáo sư Wouter Saeys đến từ Đại học KU Leuven (Bỉ). Đại học KU Leuven từng được Thomson Reuters xếp hạng là trường đại học sáng tạo nhất châu Âu, dựa theo số lượng bằng sáng chế. Giáo sư Saeys là tác giả chính hoặc đồng tác giả của hơn 200 bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín.

Để theo dõi các phần chia sẻ của diễn giả, cũng như tham gia thảo luận và tương tác trong buổi hội thảo đầu tiên với chủ đề “Nông nghiệp thông minh - Công nghệ sau thu hoạch”, khán giả quan tâm có thể đăng ký tham dự hội thảo tại đường link sau: https://forms.office.com/r/D8L4LB6hsa

Chủ đề chuỗi hội thảo InnovaTalk năm 2023:

  1. Hội thảo tháng 3: Nông nghiệp thông minh - Công nghệ sau thu hoạch (Smart Post-Harvest Agriculture).
  2. Hội thảo tháng 5: Trí tuệ nhân tạo và học máy (AI & Machine learning).
  3. Hội thảo tháng 6: Giải pháp lưu trữ carbon chống biến đổi khí hậu (Carbon Storage Solution to Climate Change).
  4. Hội thảo tháng 7: Vi sinh vật đường ruột và hệ miễn dịch (Gut Microbiome and Immune System).
  5. Hội thảo tháng 8: Công nghệ tái chế chất thải nhựa (Plastic Waste Recycling Technology).
  6. Hội thảo tháng 9: Thành phố và giao thông thông minh (Smart cities and Transportation).
  7. Hội thảo tháng 10: Vật liệu thông minh cho một thế giới xanh và bền vững (Smart Materials to Sustainable and Green World).
  8. Hội thảo tháng 11: Cảm biến sinh học và thiết bị y tế (Biosensors and Medical Devices).

Thông tin về Quỹ VinFuture:

Quỹ VinFuture ra mắt vào ngày 20.12.2020, nhân ngày Quốc tế Đoàn kết nhân loại, là quỹ hoạt động phi lợi nhuận do tỷ phú Phạm Nhật Vượng và phu nhân là bà Phạm Thu Hương đồng sáng lập. Hệ thống giải thưởng gồm có Giải thưởng chính (VinFuture Grand Prize) trị giá 3 triệu đô la Mỹ, là một trong các giải thưởng thường niên có giá trị lớn nhất từ trước đến nay trên thế giới; 3 Giải đặc biệt, mỗi giải trị giá 500 nghìn đô la Mỹ, dành cho nhà khoa học nữ, nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển, nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới.

Ngoài ra, quỹ cũng tiến hành nhiều hoạt động để hiện thực hóa sứ mệnh của mình, như: Tài trợ nghiên cứu, kết nối các trí tuệ hàng đầu cùng với các nhà khoa học trẻ đam mê nghiên cứu, mở rộng hợp tác với các các tổ chức giáo dục, nghiên cứu, các vườn ươm đổi mới sáng tạo và các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.

Bài liên quan
VinFuture công bố Tuần lễ Khoa học công nghệ và lễ trao giải 2024
Quỹ VinFuture chính thức công bố lịch trình Tuần lễ Khoa học công nghệ và Lễ trao giải VinFuture 2024 diễn ra từ ngày 4 - 7.12.2024 tại Hà Nội. Đây là chuỗi sự kiện tầm vóc quốc tế, hội tụ nhiều tên tuổi kiệt xuất thế giới trong các lĩnh vực trọng yếu như khoa học vật liệu, trí tuệ nhân tạo, ô nhiễm không khí, nghiên cứu môi trường… Đặc biệt, tâm điểm của chuỗi sự kiện là lễ vinh danh các nhà khoa học có thành tựu xuất sắc, đang góp phần phụng sự cho cuộc sống con người.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
10 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quỹ VinFuture khởi động chuỗi hội thảo trực tuyến InnovaTalk 2023