Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Christopher Miller mới đây đã lên án các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông ngay trước thềm chuyến thăm tới khu vực.

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: Trung Quốc quấy rối việc khai thác dầu khí hợp pháp của Việt Nam

Hoàng Vũ (theo Philstar) | 08/12/2020, 11:57

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Christopher Miller mới đây đã lên án các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông ngay trước thềm chuyến thăm tới khu vực.

Dưới đây là toàn văn chỉ trích Trung Quốc của Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ được tờ Philstar đăng tải hôm 7.12:

"Tuần này, trong chuyến đi đầu tiên đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với tư cách Quyền Bộ trưởng Quốc phòng, tôi mong muốn nhắc lại cam kết của Mỹ với một Ấn Độ Dương Thái Bình Dương Tự do và cởi mở. Trong 4 năm qua, ngày càng nhiều đồng minh và đối tác tham gia cùng Mỹ bảo vệ các nguyên tắc được đưa ra trong Chiến lược An ninh Quốc gia của Tổng thống Trump - đó là tôn trọng chủ quyền, thương mại công bằng, có đi có lại và pháp quyền - cũng như mạnh mẽ lên án các hoạt động cưỡng chế và gây bất ổn của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông.

Trên thực tế, vào tháng 6 này, các nhà lãnh đạo Đông Nam Á đã cùng nhau tham dự một hội nghị thượng đỉnh thường niên, nơi họ đưa ra lời chỉ trích rõ ràng về các hành động của Trung Quốc
ở Biển Đông. Trong một tuyên bố mạnh mẽ nhất gần đây, tất cả 10 quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nhất trí lên tiếng khẳng định rằng các tranh chấp hàng hải ở Biển Đông phải được giải quyết theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải, đồng thời kêu gọi phi quân sự hóa và tự kiềm chế trước các hoạt động có thể làm leo thang tranh chấp.

acting-secretary-christopher-c.-miller.jpg
Ông Christopher Miller trở thành quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từ ngày 9.11, sau khi Tổng thống Donald Trump sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper - Ảnh: Internet

Tuyên bố tháng 6 của ASEAN thể hiện sự bác bỏ sâu sắc các yêu sách hàng hải bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm cái gọi là Đường chín đoạn, không có cơ sở về pháp lý hay lịch sử. Ý nghĩa rất sâu sắc, phản ánh sự công nhận ngày càng tăng của khu vực rằng các hành động của Trung Quốc đang đặt ra nguy cơ với các nguyên tắc mà thế giới tự do theo đuổi.

Kể từ tháng 1, trong khi các nước trên thế giới chiến đấu với đại dịch COVID-19, Trung Quốc đã tìm cách khai thác cuộc khủng hoảng thông qua một loạt các bước đi khiêu khích ở Biển Đông. Bắc Kinh đã sử dụng lực lượng hải quân, lực lượng bảo vệ bờ biển và lực lượng dân quân hàng hải để khẳng định các yêu sách hàng hải quá mức và trái pháp luật cũng như bắt nạt các nước láng giềng. Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự bắn đạn thật trên lãnh thổ và vùng biển tranh chấp; quấy rối việc khai thác dầu khí lâu đời và hợp pháp của Malaysia và Việt Nam; đưa đội tàu cá được hộ tống vào vùng đặc quyền kinh tế của các nước Đông Nam Á; tiếp tục quân sự hóa các đảo nhân tạo, vi phạm các cam kết của chính họ đối với ASEAN.

Thông qua các hoạt động mang ý đồ xấu này, Trung Quốc đã tìm cách đe dọa các quốc gia ASEAN, ngăn họ tiếp cận với các nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, bao gồm trữ lượng dầu khí ước tính trị giá 2,5 nghìn tỉ USD ở ngoài khơi, cũng như các ngư trường vốn hỗ trợ sinh kế của hàng triệu người dân trong khu vực vào đúng thời điểm đại dịch COVID-19 đang khiến khu vực tổn thất chưa từng có về mặt kinh tế. Đây là cách của Trung Quốc phớt lờ các cam kết và thỏa thuận quốc tế khi chúng gây bất lợi cho Bắc Kinh.

Bất chấp những thách thức này, Mỹ vẫn luôn sát cánh với các đồng minh và đối tác lớn và nhỏ ở Đông Nam Á trong việc bảo vệ một trật tự tự do và cởi mở. Để thúc đẩy tầm nhìn chung, chúng ta phải cùng nhau xây dựng một khu vực được kết nối nhiều hơn để đối phó những thách thức an ninh chung và chống lại sự ép buộc và đe dọa.

Những nỗ lực chống khủng bố của chúng tôi trong khu vực là ví dụ tuyệt vời; thông qua kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực này, tôi đã tận mắt chứng kiến ​​cách một mạng lưới mạnh mẽ có thể thúc đẩy khả năng của chúng tôi để giải quyết một thách thức như vậy. Theo đó, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ vẫn tập trung vào việc tăng cường khả năng của Washington để đối phó với các mối đe dọa đa phương, khi chúng tôi xây dựng các kết nối mà chúng tôi cần để đẩy lùi sự ép buộc của Trung Quốc.

Vào tháng 7, Mỹ đã làm rõ rằng các quyền lợi trên Biển Đông phải dựa trên luật pháp, bao gồm phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài thường trực là phán quyết cuối cùng và ràng buộc pháp lý với Trung Quốc và Philippines.

Nhất quán với phán quyết đó, Mỹ bác bỏ tất cả các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Chúng tôi cũng bác bỏ tất cả các yêu sách hàng hải của Trung Quốc đối với các đảo ở Trường Sa chồng lấn với các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam... do phía Trung Quốc không đưa ra được tuyên bố hàng hải nhất quán phù hợp với các hiệp ước mà Bắc Kinh đã ký kết.

Các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh với các nguồn tài nguyên ngoài khơi trên phần lớn Biển Đông là hoàn toàn trái pháp luật, cũng giống như chiến dịch bắt nạt để kiểm soát các nguồn tài nguyên đó. Các tuyên bố gần đây từ nhiều đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực thể hiện sự đồng tình của họ với chính sách của chúng tôi.

Mỹ đang ủng hộ các giải pháp ngoại giao mới với việc tiếp tục duy trì và ổn định sự hiện diện quân sự trong khu vực. Ngay cả trong thời gian xảy ra đại dịch, Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn duy trì các chiến dịch tự do hàng hải thường xuyên, các cuộc tuần tra hàng hải và hàng không thường kỳ, các cuộc tập trận và chiến dịch phối hợp với các đối tác và đồng minh thân cận của Mỹ - tất cả đều được thiết kế để bảo vệ quyền tiếp cận các mối quan tâm chung toàn cầu cho mọi người.

Trong chuyến đi của mình vào tuần này, tôi sẽ gặp các nhà lãnh đạo trong khu vực, xem xét nỗ lực của Mỹ trong việc thực thi chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và dự cuộc họp trực tuyến với bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN. Trong các sự kiện sắp tới, tôi sẽ tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc duy trì một trật tự dựa trên luật lệ, cởi mở, tự do. Chúng tôi nhất trí với những người bạn thân cận của Mỹ tại ASEAN rằng, luật lệ đóng vai trò quyết định ở Biển Đông và Mỹ hoan nghênh các nước đã đứng lên vì quyền lợi hợp pháp của họ.


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: Trung Quốc quấy rối việc khai thác dầu khí hợp pháp của Việt Nam