Bộ Giao thông vận tải sẽ ràng buộc trách nhiệm, tăng tính độc lập trong suốt quá trình thực hiện cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2

Ràng buộc cao trách nhiệm thực thi cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2

Tuyết Nhung | 11/02/2022, 23:45

Bộ Giao thông vận tải sẽ ràng buộc trách nhiệm, tăng tính độc lập trong suốt quá trình thực hiện cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2

Sau thời điểm Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành các quyết định giao nhiệm vụ chủ đầu tư bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025. Bộ yêu cầu Ban quản lý dự án lập kế hoạch triển khai đảm bảo tiến độ thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội và nghị quyết của Chính phủ với các mốc thời gian cụ thể.

cao-toc-bac-nam.jpg
Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với gói thầu xây lắp các dự án thành phần - Ảnh: Internet

Trong đó, công tác lập, thẩm tra, thẩm định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi hoàn thành chậm nhất ngày 31.5.2022 (đối với các dự án thuận lợi), còn các dự án phức tạp hoàn thành muộn nhất ngày 30.6.2022. Đối với công tác giải phóng mặt bằng, Bộ yêu cầu các ban quản lý dự án hoàn thành công tác bàn giao cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương trong giai đoạn 1 (các đoạn tuyến có yếu tố địa hình thuận lợi) trước ngày 15.3.2022; hoàn thành giai đoạn 2 (các đoạn tuyến có yếu tố địa hình, địa chất, thủy văn phức tạp hơn) trước ngày 30.4.2022; hoàn thành giai đoạn 3 (các đoạn còn lại) trước ngày 30.6.2022.

Bộ Giao thông vận tải đề nghị địa phương khi có Nghị quyết của Chính phủ sẽ thành lập ngay Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng của tỉnh, Hội đồng giải phóng mặt bằng cấp huyện có tuyến cao tốc đi qua, ngay sau khi tiếp nhận cọc giải phóng mặt bằng sẽ tổ chức thực hiện một số công việc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 31.12.2022 và hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng trong quý 2/2023.

Lưu ý các đơn vị liên quan phải nhận thức rõ trách nhiệm của đơn vị và cá nhân đối với việc triển khai thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: "Các Ban quản lý dự án và cá nhân giám đốc ban quản lý dự án phải chịu trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải về việc thực hiện nhiệm vụ quản lý dự án được giao. Bộ sẽ ràng buộc trách nhiệm, tăng tính độc lập trong suốt quá trình thực hiện dự án, trong đó ngay sau tết, giám đốc ban quản lý dự án phải khẩn trương trực tiếp xuống hiện trường để khảo sát, trao đổi với các địa phương để chốt phương án về hướng tuyến của các dự án".

Trong quá trình triển khai sắp tới, người đứng đầu ngành Giao thông vận tải yêu cầu các ban quản lý dự án và đơn vị liên quan phải phải kiểm soát, bảo đảm tiến độ triển khai thực hiện cũng như chất lượng các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025.

Bộ trưởng cũng lưu ý và nhấn mạnh thêm, trong quá trình tổ chức thực hiện, các ban quản lý dự án, cơ quan liên quan phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các đơn vị không thực hiện đúng quy định, vi phạm hợp đồng đã ký kế.

Ngoài ra, để bảo đảm dự án hoàn thành đúng tiến độ, Bộ trưởng yêu cầu cần phải tăng cường ứng dụng các công nghệ hiện đại, các giải pháp kỹ thuật, biện pháp thi công mới, hiệu quả hơn, rút ngắn được thời gian xử lý những hạng mục phức tạp như nền đất yếu... không ngừng sáng kiến để tăng năng suất lao động, tận dụng và sử dụng hợp lý các nguồn lực.

Dự án cao tốc Bắc - Nam là một trong những công trình dành được sự quan tâm lớn nhất của Chính phủ trong nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Ngày 11.1.2022, Quốc hội thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, gồm các đoạn từ Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa) và từ Cần Thơ đến Cà Mau. Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 gồm 12 dự án thành phần, dài khoảng 729 km, tổng mức đầu tư khoảng 146.990 tỉ đồng.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với gói thầu xây lắp các dự án thành phần; kèm theo yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng) và các gói thầu quan trọng khác nếu thấy cần thiết về tư vấn liên quan đến dự án, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, trên cơ sở đề xuất của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và kết quả thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bài liên quan
Thiếu hụt 23 triệu m3 đất đắp ở dự án cao tốc Bắc – Nam phía đông
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết hiện nay vướng mắc về thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường vẫn chưa được tháo gỡ, dự án vẫn thiếu hụt khoảng 23 triệu m3 đất đắp.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ràng buộc cao trách nhiệm thực thi cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2