Từ trước đến nay, nhiều nghiên cứu trên nấm men, giun, ruồi và chuột đã xác nhận rằng rapamycin thực sự kéo dài sự sống. Giờ đây, thử nghiệm đầu tiên trên người chứng minh rằng rapamycin làm chậm sự lão hóa của các mô cơ thể người, mở ra hy vọng bào chế được loại thuốc cải lão hoàn đồng thực sự.
Theo Science Daily, trong công trình nghiên cứu liên quan đến 13 người, lần đầu tiên, các nhà khoa học Mỹ chứng minh tác dụng chống lão hóa của rapamycin đối với người.
Rapamycinlà thuốc ức chế miễn dịch trong cấy ghép nội tạng, được coi là chất chống lão hóa đầy hứa hẹn. Nhiều nghiên cứu trên nấm men, giun, ruồi và chuột đã xác nhận rằng chất này thực sự kéo dài sự sống. Và bây giờ, thử nghiệm đầu tiên được tiến hành trên người.
Các chuyên gia của Đại học Drexel (Mỹ)lần đầu tiên chứng minh rằng rapamycin làm chậm sự lão hóa của các mô người. Các nhà khoa học đã tuyển dụng một nhóm gồm 13 tình nguyện viên trên 40 tuổi và yêu cầu họ bôi một loại kem có chứa rapamycin trên một tay, còn tay kia thì được bôi giả dược.
Tổng cộng, các bài kiểm tra kéo dài 8 tháng. Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra tình trạng da của những người tham gia sau 2, 4, 6 và 8 tháng, sau 6 và 8 tháng họ đã thực hiện xét nghiệm máu và sinh thiết. Kết quả, rapamycin làm tăng hàm lượng collagen trong da và giảm nồng độ protein p16. Protein p16 chính là chỉ dấu quan trọng của lão hóa da và có liên quan đến sự mỏng manh và khả năng chữa lành vết thương kém.
Do mới chỉ tiến hành trên 13 người nên các nhà khoa học chưa thể đưa ra kết luận rõ ràng về hiệu quả của rapamycin như một chất chống lão hóa. Tuy nhiên, họ hy vọng rằng nghiên cứu này sẽ mở ra một loạt các thí nghiệm sẽ dẫn đến việc bào chế một loại thuốc cải lão hoàn đồng thực sự.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu khác không thử nghiệm với rapamycin, mà với các chất tương tự. Ví dụ, công ty khởi nghiệp resTORbio đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng loại thuốc RTB101 mà theo các nhà phát triển, sẽ làm trẻ hóa hệ miễn dịch. Kết quả của thí nghiệm sẽ được công bố vào năm tới.
Vũ Trung Hương