Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng rau quả Việt Nam phần lớn xuất sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, năm 2022, do chính sách "Zero COVID" của Trung Quốc kéo dài, xuất khẩu rau quả của nước ta bị giảm sút, tuy nhiên nhìn về tương lai có nhiều triển vọng
Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An, ông Nguyễn Quốc Trịnh cho rằng thời gian tới rau quả Việt Nam muốn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc phải tuân thủ những quy định mới của họ về kiểm định bảo vệ thực vật. Địa phương, doanh nghiệp Long An đang tiến hành các bước đi về việc xin cấp mã số vùng trồng, tiêu chuẩn đóng gói hàng xuất khẩu. Xuất khẩu thanh long năm nay có đỡ hơn năm 2021 nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Mới chớm tăng giá lên 25.000 - 28.000 đồng/kg, nay giá thanh long bắt đầu sụt giảm. Phần lớn do ảnh hưởng chính sách "Zero COVID" của Trung Quốc.
Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Vĩnh Long cho biết địa phương này đang tiến hành các thủ tục xin cấp mã số vùng trồng cho khoai lang Bình Tân. Mỗi năm, huyện Bình Tân sản xuất từ 500.000 - 700.000 tấn khoai lang tím Nhật, phần lớn xuất sang thị trường Trung Quốc. Năm 2020-2021 do dịch bệnh COVID-19 nên xuất khẩu khoai lang khó khăn. Sắp tới hàng nông sản xuất đi Trung Quốc phải tuân thủ về kiểm định thực vật theo quy chuẩn mới nên tỉnh Vĩnh Long đang tiến hành các thủ tục cần thiết để xuất khẩu mặt hàng này thuận lợi hơn.
Tín hiệu vui cho rau quả xuất khẩu gần đây là việc các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre được cấp mã số vùng trồng, mã số đóng gói cho các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng. Sầu riêng ở miền Tây Nam Bộ hiện đã cạn nguồn do hết mùa. Chỉ xuất một số ít sang thị trường Trung Quốc kiểu tượng trưng. Tất cả đều chuẩn bị cho mùa sầu riêng năm sau.
Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách cho rằng “Trong đợt cấp mã số vùng trồng sầu riêng năm nay, huyện Chợ Lách có xã Hòa Nghĩa được xét cấp diện tích hơn 10ha. Doanh nghiệp xuất khẩu trái cây Chánh Thu được xét cấp mã số về đóng gói sầu riêng xuất khẩu. Hiện nay nhiều địa phương, doanh nghiệp phấn đấu đăng ký mã số vùng trồng, mã số đóng gói hàng xuất khẩu theo tiêu chuẩn ngành chức năng đề ra. Tuy nhiên, phấn đấu đạt đã khó, giữ đúng chất lượng để các cơ quan chức năng hai nước kiểm tra trong quá trình đưa hàng xuất khẩu còn khó hơn. Nếu địa phương hay doanh nghiệp thực hiện không đúng chất lượng đăng ký, mã số vùng trồng hoặc mã số đóng gói thì giấy chứng nhận đó có thể bị hủy.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng tình hình chung xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc năm nay giảm mạnh, giảm khoảng 12% so với năm 2021. Từ nay đến cuối năm, kim ngạch xuất khẩu có thể tăng lên do sầu riêng, chanh dây và một số mặt hàng khác được đẩy mạnh xuất khẩu. Năm nay ĐBSCL phấn khởi vì một số mặt hàng trái cây được xét cấp mã số vùng trồng; doanh nghiệp được xét cấp mã số đóng gói theo tiêu chuẩn.
Năm 2022, hạn hán kéo dài nhiều nơi ở Trung Quốc. Nhiều vùng trồng cây ăn trái của Trung Quốc thiếu nước. Những vùng trồng cây ăn trái cùng loại với trái cây Việt Nam bị khô hạn, vì vậy, thời gian tới trái cây Việt Nam cũng có cơ hội lớn hơn.
Cũng theo ông Đặng Phúc Nguyên, việc xuất khẩu các mặt hàng rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc tùy thuộc vào Nghị định thư về mặt hàng xuất khẩu được Trung Quốc - Việt Nam ký kết. Nghị định thư này gọi là nghị định thư về kiểm dịch thực vật. Hiện nay, nhiều địa phương đang gấp rút hoàn tất hồ sơ về đăng ký mã số vùng trồng, doanh nghiệp đăng mã số đóng gói theo tiêu chuẩn. Các địa phương, các đơn vị phải bắt tay thực hiện canh tác rau quả theo tiêu chuẩn VietGap, GLOBAL GAP ngay từ bây giờ. Các hồ sơ về đăng ký mã số vùng trồng phải nhanh chóng thực hiện, vì việc xem xét, cấp chứng nhận này rất mất thời gian. Ngoài hồ sơ đầy đủ, phải trình chiếu online các quy trình canh tác, sản xuất, các ngành chức năng còn phải kiểm tra thực tế, thực địa trước khi cấp giấy chứng nhận về mã số vùng trồng, mã số đóng gói. Khi được cấp giấy chứng nhận, có nghị định thư về mặt hàng xuất khẩu, doanh nghiệp nhanh chóng bắt tay vào việc.
Ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng “Bây giờ xuất khẩu rau quả đi Trung Quốc hay các nước khác đều phải tuân thủ tiêu chuẩn, quy trình đặt ra. Khó hay dễ còn tùy thuộc vào quy định của từng nước về vệ sinh an toàn thực phẩm. Biết rằng thực hiện quy chuẩn có nhiều cái khó, tuy nhiên muốn làm ăn với họ chúng ta không có cách nào khác”.