Tòa án tối cao Mỹ đang xem xét vụ kiện liên quan đến việc cấm hoặc buộc TikTok bán lại quyền sở hữu tại Mỹ, với trọng tâm tranh luận đặt vào những lo ngại về an ninh quốc gia và quyền tự do ngôn luận.
Theo Reuters, trong buổi điều trần kéo dài hơn hai giờ rưỡi hôm 10.1, các thẩm phán đã chất vấn các bên liên quan về nguy cơ ứng dụng này bị chính phủ Trung Quốc sử dụng để thu thập dữ liệu và gây ảnh hưởng bí mật tại Mỹ.
Lo ngại về an ninh quốc gia Mỹ
TikTok, thuộc sở hữu của công ty mẹ ByteDance tại Trung Quốc, hiện có khoảng 170 triệu người dùng tại Mỹ, tương đương một nửa dân số nước này. Các nhà lập pháp Mỹ, với sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng, đã thúc đẩy luật yêu cầu cấm hoặc buộc ByteDance bán lại TikTok để giảm nguy cơ liên quan đến an ninh quốc gia. Luật này được Tổng thống Joe Biden ký vào năm ngoái, và chính quyền của ông hiện đang bảo vệ nó trước tòa.
Chánh án John Roberts, một trong những thẩm phán bảo thủ, đã đặt câu hỏi thẳng thắn: "Chúng ta có nên bỏ qua thực tế rằng ByteDance có thể phải tuân thủ yêu cầu tình báo từ chính phủ Trung Quốc không?". Đây là mối lo ngại lớn nhất khi xét đến khả năng Trung Quốc sử dụng TikTok để thu thập dữ liệu cá nhân, tuyển dụng gián điệp, hoặc thậm chí tống tiền các cá nhân trong tương lai.
Thẩm phán Brett Kavanaugh cũng nhấn mạnh: "TikTok không chỉ là ứng dụng giải trí. Dữ liệu từ người dùng, đặc biệt là thế hệ trẻ, có thể bị khai thác theo thời gian để gây ra những hậu quả lớn, như tuyển dụng gián điệp hoặc tống tiền".
Đại diện pháp lý của TikTok và công ty mẹ ByteDance, luật sư Noel Francisco, lập luận rằng lệnh cấm sẽ xâm phạm nghiêm trọng quyền tự do ngôn luận được bảo vệ bởi Tu chính án thứ nhất. Ông cho rằng TikTok là một trong những nền tảng quan trọng nhất để người Mỹ diễn đạt ý kiến, và việc cấm nó chỉ vì lo ngại về thông tin sai lệch là hành động không phù hợp.
Ông Francisco nhấn mạnh: "Mục tiêu thực sự của luật này không chỉ là an ninh quốc gia, mà còn nhằm kiểm soát bài phát biểu. Chính phủ không thể quyết định thay người dân về thông tin họ muốn tiếp nhận hoặc từ chối".
Tuy nhiên, Tổng biện lý Mỹ Elizabeth Prelogar, đại diện cho chính quyền Tổng thống Joe Biden, đã phản biện rằng quyền tự do ngôn luận không được bảo vệ tuyệt đối khi nó đối đầu với lợi ích an ninh quốc gia. Bà lập luận rằng TikTok, với lượng dữ liệu khổng lồ mà ứng dụng này thu thập từ người dùng Mỹ, có thể trở thành công cụ mạnh mẽ để thao túng hoặc quấy rối nước Mỹ.
"Nguy cơ không chỉ nằm ở hiện tại mà còn ở khả năng TikTok có thể bị biến thành vũ khí bất cứ lúc nào. Việc ngăn chặn này là để bảo vệ người dân Mỹ khỏi những rủi ro dài hạn không thể đoán trước", bà Prelogar nói.
Các ý kiến tranh cãi
Vụ kiện diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang căng thẳng trên nhiều lĩnh vực, từ thương mại đến công nghệ. Đồng thời, vụ kiện này cũng liên quan đến quá trình chuyển giao quyền lực tại Mỹ. Tổng thống sắp nhậm chức Donald Trump đã công khai phản đối lệnh cấm và yêu cầu Tòa án tối cao trì hoãn thực thi luật để chính quyền của ông có thể tìm kiếm giải pháp chính trị thay thế.
Ông Francisco, đại diện TikTok, cũng yêu cầu tòa án hoãn thực thi luật này ít nhất đến khi Trump nhậm chức vào ngày 20.1. Ông cho rằng điều này sẽ giúp chính quyền mới có thời gian đánh giá và đưa ra hướng giải quyết hợp lý.
Một trong những vấn đề gây tranh cãi là quyền hạn của quốc hội trong việc áp đặt các điều kiện với doanh nghiệp nước ngoài.
Thẩm phán tự do Elena Kagan đặt câu hỏi: "Liệu quốc hội có quyền buộc một công ty nước ngoài, chẳng hạn như ByteDance, phải bán hoặc đóng cửa chỉ vì lo ngại về nội dung mà họ có thể phát tán?".
Trong phần tranh luận, ông Francisco đã so sánh tình huống này với việc quốc hội buộc một tờ báo Mỹ phải bán lại vì áp lực từ chính phủ nước ngoài. Ông cho rằng điều đó sẽ vi phạm quyền tự do ngôn luận của cả tổ chức báo chí lẫn người dân.
Tuy nhiên, bà Prelogar lập luận rằng truyền thống lâu đời của Mỹ là ngăn chặn các quốc gia thù địch kiểm soát các cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm cả các nền tảng truyền thông. Theo bà, ByteDance nằm dưới sự ảnh hưởng của Trung Quốc và có thể bị buộc thực hiện các hoạt động gây hại cho Mỹ.
Với việc hạn chót thực thi lệnh cấm là ngày 19.1, TikTok đối mặt với nguy cơ bị đóng cửa hoàn toàn hoặc buộc phải tách khỏi ByteDance. Ông Francisco cho biết: "Nếu không có sự thay đổi, TikTok sẽ bị tắt hoàn toàn vào ngày 19.1, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng triệu người dùng".
Dù vậy, quá trình thoái vốn của ByteDance có thể kéo dài nhiều năm, và đây cũng là lý do ông Francisco nhấn mạnh sự cần thiết của việc tạm hoãn luật để tìm kiếm giải pháp lâu dài.
Tòa án tối cao đang đứng trước một quyết định mang tính lịch sử. Bởi quyết định này không chỉ ảnh hưởng không chỉ đến tương lai của TikTok mà còn đến cách Mỹ quản lý các mối đe dọa từ công nghệ nước ngoài trong thời đại số. Khi hạn chót đang đến gần, câu hỏi lớn vẫn là "liệu chính quyền mới của ông Trump có thể đạt được một thỏa thuận chính trị để tránh kịch bản cấm hoàn toàn hay không, và liệu các thẩm phán có xem xét quyền tự do ngôn luận vượt lên trên lo ngại về an ninh quốc gia hay không?".