Hãng tin Reuters ngày 10.4 đưa tin Việt Nam dù thiếu nguồn lực so với nhiều nước vẫn tặng 550.000 khẩu trang cho Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Anh.
Theo Reuters, Việt Nam cũng tham gia vào việc chính phủ Mỹ mua 450.000 bộ đồng phục phòng độc Tyvek của tập đoàn Dupont, bằng cách gởi lô hàng sản xuất tại Việt Nam này từ Hà Nội đến Texas (Mỹ) hôm 8.4.
Đây là lô hàng đầu tiên trong đơn hàng 4,5 triệu bộ Tyvek mà Bộ Y tế và Dịch vụ dân sinh Mỹ (HHS) đặt hàng với Dupont. Các sản phẩm này được đưa vào Kho Dự trữ Chiến lược quốc gia (SNS), để khâu phân phối của Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang Mỹ (FEMA) chuyển đến các nhân viên y tế ở các tuyến đầu chống dịch COVID-19 ở Mỹ.
Cũng trong mục tiêu trên, chính phủ Mỹ sẽ chở vật liệu đến Việt Nam mỗi tuần, để nhà máy của DuPont tiếp tục sản xuất đồ bảo hộ Tyvek.
DuPont còn là một trong những thành viên tham gia Dự án Cầu Không vận của FEMA. Ngoài DuPont còn có công ty phát hàng UPS và các hãng bay vận tải và tập đoàn, cùng Tập đoàn giao nhận kho vận Fedex. Lãnh đạo Fedex cho biết họ đã lên kế hoạch chở từ Việt Nam sang Mỹ hơn 500.000 bộ Tyvek nữa trong mỗi tuần sắp tới.
Reuters khẳng định giới truyền thông nhà nước Việt Nam đã đề cao cuộc tặng quà y tế do chính phủ Việt Nam phát động này, và nhắc chính Tổng thống Mỹ Donald Trump rất hoan nghênh. Ngày 9.4, ông Trump đã viết Twitter: “Sáng nay, 450.000 bộ đồ bảo hộ đã đến Dallas, Texas. Điều này đã trở thành hiện thực nhờ sự hợp tác giữa hai doanh nghiệp tuyệt vời của Mỹ - DuPont và FedEx - cùng những người bạn ở Việt Nam của chúng ta. Cảm ơn các bạn!"
Reuters ghi nhận rằng “nhờ tích cực cách ly xã hội và truy vết người nghi nhiễm, Bộ Y tế Việt Nam đã ghi nhận 255 ca nhiễm và không có ca tử vong nào. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, người được khen ngợi vì vai trò lãnh đạo chống dịch của ông, hôm 6.4 nói Việt Nam đã kiểm soát được dịch”.
Hôm sau, giới truyền thông nhà nước đăng ảnh các Đại sứ châu Âu nhận những thùng khẩu trang do Bộ Ngoại giao Việt Nam trao tại một buổi lễ tặng quà.
Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về chính sách ngoại giao của Việt Nam ở Học viện Quốc phòng Úc, nói với Reuters: “Xem ra Việt Nam đã có sự tự tin khi xử lý cuộc chống dịch thành công. Trong khi Việt Nanm đang tự chuẩn bị đối phó làn sóng dịch thứ hai, nước này cũng bắt đầu nhìn đến việc khôi phục hoạt động kinh tế”.
Ông Thayer nói chìa khóa chính để khôi phục kinh tế sẽ là Hiệp định Thương mại tự do Châu Âu - Việt Nam (EVFTA) mà Quốc hội Việt Nam sẽ phê duyệt vào cuối tháng 4 này.
Reuters còn dẫn thông tin chính phủ Việt Nam, rằng hiện có 40 công ty sản xuất 7 triệu khẩu trang/ngày tại Việt Nam, và mỗi ngày có thể sản xuất 5,72 triệu khẩu trang y tế.
Việt Nam cũng tặng 390.000 khẩu trang cho Campuchia và 340.000 chiếc nữa cho Lào. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng nói với Reuters rằng dù Việt Nam cũng cần các phương tiện y tế để chống dịch, Việt Nam vẫn tặng cho các nước láng giềng có đông người Việt sinh sống “dựa trên cơ sở truyền thống hữu nghị và quan hệ”.
Giáo sư Thayer nói Việt Nam cũng có thể thúc đẩy chất lượng của các phương tiện y tế. Tập đoàn Vingroup đã tuyên bố sản xuất 55.000 máy thở/tháng, trong đó có cung cấp cho các thị trường nước ngoài.
Mỹ Trinh (t.h)