Nếu có những em bé chào đời ngay trên đường cha mẹ các em chạy xe máy về quê, thì lòng nhân ái, những hình ảnh “lá lành đùm lá rách” theo nghĩa đen, cũng đã “sinh” ra, diễn ra suốt dọc đường thiên lý.
Cách đây khoảng dăm bảy năm gì đó có một bộ phim truyền hình chiếu trên VTV rất hút khách, có nhan đề “Vừa đi vừa khóc”. Tôi đã xem phim này, phim hay và vui, không có gì quá bi lụy như tựa đề phim.
Còn chuyện “vừa đi vừa đẻ” này, dĩ nhiên không phải phim truyền hình, nhưng khi nghe kể, nhiều người đã rơi nước mắt.
Đó là chuyện thật 100%, về những thai phụ từ TP HCM và những tỉnh xa trong Nam, trên đường về quê nhà đã sinh cháu bé trong những tình huống rất khác nhau, nhưng giống nhau vì đều căng thẳng và hết sức bị động.
“Nín gì cũng được chứ làm sao nín đẻ”, một thai phụ đã thốt lên như vậy, khi chuyển bụng lúc đang ngồi trên xe máy chồng chở về quê.
Từ ngày hàng trăm nghìn người dân nghèo khổ của chúng ta phải đánh liều về quê vì không còn lương thực hay tiền bạc để trụ lại ở những tỉnh phía Nam, thì hiện tượng phải đẻ dọc đường đã xảy ra khá nhiều. Ít nhất, theo truyền thông phản ánh mà tôi được biết, có hơn chục trường hợp đẻ dọc đường như thế.
Trên một chuyến tàu lửa đặc biệt chở bà con lao động từ TP.HCM và Bình Dương về quê Quảng Bình, đã có hai trường hợp thai phụ chuyển bụng đẻ. Một trường hợp đẻ ngay trên tàu, và một trường hợp khi tàu dừng ở ga Quảng Ngãi, thai phụ chuyển bụng được đưa ngay xuống bệnh viện sản nhi Quảng Ngãi và được bác sĩ mổ đẻ tại bệnh viện.
Còn một trường hợp mới xảy ra tại Quảng Ngãi, thì thai phụ còn ba tuần nữa mới đẻ nhưng bị động thai khi gia đình vừa đi xe máy tới TP Quảng Ngãi, và may mắn, cả gia đình 5 người đã được Chủ tịch TP Quảng Ngãi và người dân Quảng Ngãi đón tiếp kịp thời, đưa ngay vào bệnh viện để được an thai và thăm khám. Những người dân Quảng Ngãi hiền lương đã tìm đến ngay bệnh viện để trao tiền, cho thực phẩm, tiếp sức cho gia đình thai phụ gồm 5 người, ra đi từ Sài Gòn khi trong túi chỉ còn đúng một triệu đồng.
Có trường hợp rất thương, khi người vợ đang trên đường chồng chở về quê chuyện bụng đẻ, trong tình cảnh không thể kêu ai trợ giúp lúc đó, người chồng trẻ đã phải ra tay đỡ đẻ cho vợ. May mắn, Ơn Trên phù hộ, ca sinh giữa đường theo đúng nghĩa đen đã mẹ tròn con vuông. Tôi nghĩ, đó là một kỷ niệm mà cả hai vợ chồng người công nhân trẻ ấy không bao giờ quên suốt cuộc đời mình. Cháu bé sinh ra trên đường ấy, tôi cầu mong, sau này lớn lên cháu sẽ là một người hết sức mạnh mẽ và có tấm lòng bao dung nhân hậu, suốt đời nhớ ơn cha mẹ đã sinh mình ra trong hoàn cảnh ngặt nghèo như vậy.
Sức sống của con người là cái gì nhiều lúc ta không thể hiểu được, tưởng tượng được.
Và lòng tốt của con người cũng là cái gì không thể đo đếm, không thể ngợi ca một cách hời hợt. Những ngày này, bà con từ các tỉnh phía Nam về quê ở miền Bắc đã được đồng bào ở các tỉnh dọc đường đón tiếp trợ sức và chuyên chở miễn phí, nhiều chuyện chỉ nghe kể đã không thể cầm lòng. Những Trạm thiện nguyện tự phát mọc lên dọc đường số 1, không phải để ngăn chặn hay kiểm soát, mà để đón rước, tiếp sức cho bà con về quê được an toàn trong điều kiện thời tiết bão mưa nguy hiểm.
Đà Nẵng đã tổ chức những đội thiện nguyện chuyên sửa chữa xe máy trên đỉnh đèo Hải Vân cho bà con hồi hương. Và khi cửa hầm đèo Hải Vân bị những ai đó đóng sập lại, TP Đà Nẵng đã kiên quyết yêu cầu mở cửa hầm để bà con hồi hương được đi con đường an toàn, không phải chạy xe máy lên đèo Hải Vân trong mưa to gió lớn.
Nếu có những em bé chào đời ngay trên đường cha mẹ các em chạy xe máy về quê, thì lòng nhân ái, những hình ảnh “lá lành đùm lá rách” theo nghĩa đen, cũng đã “sinh” ra, diễn ra suốt dọc đường thiên lý, nhất là ở những địa phương mà những người hồi hương đã đuối sức như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nằng. Chỉ tính riêng trên quãng đường 130 cây số thuộc địa phận Quảng Ngãi, đã mọc lên hàng chục “Trạm tiếp sức” cho bà con hồi hương. Ở đó, nhân dân, những người tình nguyện, cả lực lượng chức năng đều túc trực và sẵn sàng giúp đỡ những người đồng bào đang khốn khổ của mình.
Chưa có cuộc hồi hương nào đông người, dài ngày, vất vả, khốn khó như cuộc hồi hương do trận bão COVID-19 tàn phá lần này. Không ai muốn ra đi như vậy cả. Nhưng rồi hoàn cảnh thắt ngặt khiến họ phải liều thân ra đi, tìm về quê nhà mong được sống. Không phải vô cớ mà lòng dân cả nước xót xa, thương cảm, ủng hộ, trợ giúp những người hồi hương ở mức đặc biệt xả thân như vậy. Cứ nhìn vào đó để vững lòng tin ở nhân dân mình. Bất chấp những kẻ vô cảm, hàng vạn hàng chục vạn những người dân sống nghĩa tình đã lao ra đường lập Trạm tiếp tế trợ sức cho những bà con hồi hương của mình.
Dẫu vẫn còn những cảnh một số thai phụ phải “Vừa đi vừa đẻ”, thì những cháu bé vừa chào đời đã được nâng niu bởi hàng loạt cánh tay yêu thương mạnh mẽ nhất.
Dân tộc Việt Nam là như vậy.