Khu vực trung tâm Ông Tạ, đa số bà con Bắc 54 Công giáo tập trung quanh ngã ba Ông Tạ. Hai bên cầu Ông Tạ, cụ thể là ngõ Cổng Bom/hẻm Chùa Khuông Việt (202 Phạm Văn Hai), hẻm 158…, đa số cư dân theo Phật giáo.
Văn hóa

Sài Gòn một thuở - 'Dân Ông Tạ đó!' tập 3: Xóm Chùa - Ông Tạ mừng Giáng sinh

Hạ Vĩ 06:10 04/02/2024

Khu vực trung tâm Ông Tạ, đa số bà con Bắc 54 Công giáo tập trung quanh ngã ba Ông Tạ. Hai bên cầu Ông Tạ, cụ thể là ngõ Cổng Bom/hẻm Chùa Khuông Việt (202 Phạm Văn Hai), hẻm 158…, đa số cư dân theo Phật giáo.

Hẻm Chùa Khuông Việt xưa có trường Khuông Việt (do các sư thầy lập ra), có đền Cô Bơ với trung tâm là chùa Khuông Việt (đền và chùa nay vẫn còn).

Đây là một trong hàng ngàn, hàng vạn chứng minh cụ thể tính cách và nếp nhà độc đáo của người Ông Tạ xưa nay: dù đa số Bắc 54 nhưng bà con trong vùng đều sống hòa đồng, không phân biệt Bắc - Trung - Nam, tôn giáo... Dung nạp, gắn kết, chia sẻ tất cả.

Tôn trọng sự khác biệt

Ở Ông Tạ, chuyện các sư thầy, ni sư Phật giáo thăm viếng các linh mục, tu sĩ, sơ Công giáo và ngược lại trong các dịp lễ Tết và lễ riêng của từng tôn giáo là phổ biến. Đã có những đoàn tăng ni dịp Noel tụng kinh, đảnh lễ trước bàn thờ Chúa trong nhà thờ và có đoàn linh mục, sơ các giáo xứ kính cẩn thắp hương bàn thờ Phật dịp Phật đản. Đợt cao điểm COVID năm 2021, nhà xứ Mẫu Tâm, Tân Sa Châu… gởi gạo, rau cho tất cả bà con trong xứ, không phân biệt lương giáo. Giáo dân Mẫu Tâm còn thường xuyên chở hàng xe rau, nhu yếu phẩm mang đến dâng cúng ở một chùa sư nữ gần cầu Trương Minh Giảng.

Tất cả chỉ nói lên một điều: chân thành tôn trọng sự khác biệt và tất cả đều chung dòng máu Việt.

Chính tính cách, nếp nhà này đã góp phần quan trọng, thậm chí quyết định khiến vùng Ông Tạ trở thành khu vực phát triển mạnh mẽ nhất, nhiều tài năng nhất trong hơn 300 khu tái định cư Bắc 54 ở miền Nam trước 1975 và tới nay vẫn là một vùng đất đáng sống.

Xin mạn phép giới thiệu bài viết của giáo sư Đặng Quốc Thông (University of Houston, Texas, Mỹ). Giáo sư vốn là “thằng bé” ngõ Cổng Bom, nhân vật ở trong tập Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương, trang 203. Giáo sư Thông về thăm xóm cũ và gặp gỡ các bạn nhà văn, nhà giáo nhà thơ trong nước.

e3a765c6-228f-4aef-9252-7149b3b9740f.jpeg

Merry christmas 2022

“Tôi thường chẳng bao giờ viết đăng liền hai bài một ngày, nhưng hôm nay phá lệ. Số là đã lâu không về chơi Việt Nam mùa Noel, tôi chỉ còn giữ hình ảnh ấm áp của những hang đá sáng choang và các chùm đèn ông sao nhấp nháy dọc con lộ Phạm Văn Hai từ đầu ngã ba Ông Tạ kéo dài xuống giáo xứ Tân Chí Linh của hơn hai mươi năm trước vào những đêm lành lạnh Mùa Sao Sáng. Lần này về chơi Việt Nam tháng 12, cũng vẫn ở khu Ông Tạ, nhưng những hình ảnh của ngày xưa thì không còn. Đêm 23, tức trước Noel chỉ một ngày, mà cả dãy phố chìm trong bóng tối. Hơi có chút thất vọng và buồn, tự nghĩ chẳng lẽ mình sẽ mãi mãi không còn miền quá khứ để lâu lâu quay trở về?

Chiều nay, lúc đang ngồi trên tầng thượng viết bài về chuyến đi thăm các bạn cũ ở Khoa Tiếng Việt cho Người Nước Ngoài, đến khoảng sáu giờ chiều thì từ dưới nhà vọng lên ầm ầm ‘Bài thánh ca buồn’, ‘Tình người ngoại đạo’, ‘Hai mùa Noel’…

Trong bụng tôi nghĩ, chắc cậu em sáng nay dựng cây thông nên bây giờ bật nhạc Giáng sinh để chuẩn bị không khí cho bữa tiệc họp mặt gia đình mừng Chúa sinh ra đời tối nay. Tôi đi xuống nhà để chào đón anh em, thì hóa ra không phải nhạc trong nhà mình mà là nhạc vọng lại từ ngoài ngõ. Nhạc sống chứ không phải nhạc phát ra từ cassette.

Tôi mở cổng ngó ra và chợt ngẩn người: Người dân xóm tôi, tức dân của xóm Chùa Khuông Việt, đang tổ chức vui Noel tập thể! Tôi vội bước ra nhập bọn, tay bắt mặt mừng với các anh chị em đã sống với nhau từ khi còn cùng nhong nhong tắm mưa hơn năm mươi năm trước mà từ khi về đến nay vì bận ra Hà Nội tôi chưa có dịp ghé quán café đầu xóm chào hỏi. Anh em bắt tôi ngồi và ấn vào tay tôi một ly bia để cùng ‘dzô! dzô!’. La liệt trên năm bàn là vịt quay, tôm luộc, gỏi gà, lẩu, giò lụa, v.v. Đầu ngõ là dàn nhạc sống, dưới tấm biển to ghi ‘Merry Christmas xóm Chùa 2022’, có đàn organ, có amply và loa đủ để làm bể tung xóm, lại có cả MC giọng y chang Nguyễn Ngọc Ngạn vốn nhà cũ gần xóm!

Thành phần tham dự dĩ nhiên là bà con xóm, cùng sự hiện diện vinh dự của mẹ tôi, một trong hai ba bô lão duy nhất còn sót lại của xóm, ra đó tham dự từ lúc nào tôi không biết. Ngồi cạnh chỗ tôi đứng, lại có cả em gái sư Ngọc, vị trụ trì quá cố nhưng đáng kính và lâu đời nhất xóm Khuông Việt. Ca sĩ toàn cây nhà lá vườn, tranh nhau chiếm micro với các bản đơn ca ‘Tình người ngoại đạo’, ‘Lời con xin Chúa’..., tập thể thì có ‘Nối vòng tay lớn’, thậm chí cả ‘Năm anh em trên một chiếc xe tăng’ và kết thúc đúng mười một giờ đêm với bản ‘Auld Lang Syne’ bằng tiếng Việt: ‘Tò te con me đánh đu, Tạc Giăng nhảy dù, Si Rô bắn súng, Chết cha con ma nào đây, Làm tao hết hồn, Thằn lằn cụt đuôi...’.

Ý nghĩ một xóm thuần Phật giáo như Khuông Việt lọt thỏm giữa một Ông Tạ toàn Công giáo đã là một sự ngộ nghĩnh, nhưng việc chính xóm bên Lương đó lại tổ chức mừng tập thể một ngày lễ của bên Giáo lại càng ngộ nghĩnh”.

Giáng sinh năm 2022

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Du lịch xanh lên ngôi
4 giờ trước Văn hóa
Xu hướng du lịch xanh trong những năm gần đây ngày càng "lên ngôi", được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sài Gòn một thuở - 'Dân Ông Tạ đó!' tập 3: Xóm Chùa - Ông Tạ mừng Giáng sinh