Theo ông Han Myoung Sup, Tổng Giám đốc khu tổ hợp sản xuất Samsung, Samsung luôn mong muốn các DN Việt tham gia chuỗi cung ứng cho Samsung sẽ ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên để làm được điều đó thì doanh nghiệp Việt cần phải có ý chí và quyết tâm to lớn.
Đây là chia sẻ bên lề của ông Han Myoung Sup, Tổng giám đốc khu tổ hợp sản xuất Samsung tại cuộc Triển lãm - Hội thảo công nghiệp hỗ trợ của Sam Sung điện tử do Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương) phối hợp với công ty TNHH Điện tử Samsung Việt Nam tổ chức.
Xin ông cho biết, hiện nay số lượng doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm, linh kiện cho Samsung là bao nhiêu?
Tính đến cuối năm nay tổng số doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung là 41 doanh nghiệp. Chúng tôi luôn mong muốn các DN Việt tham gia chuỗi cung ứng cho Samsung sẽ ngày càng nhiều hơn và thông qua buổi triển lãm này, các các bạn sẽ có thông tin đầy đủ về những linh kiện mà Samsung cần.
Đây cũng một cơ hội để Chính phủ, doanh nghiệp và cơ quan ngôn luận Việt Nam quan tâm hơn nữa đến sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam.
Để trở thành đối tác cung cấp linh kiện cho Samsung thì doanh nghiệp Việt cần phải có những yếu tố nào, thưa ông?
Để trở thành một doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung, DN Việt phải có ý chí cũng như quyết tâm to lớn. Chúng tôi không thể bán những sản phẩm kém chất lượng được nên chúng tôi luôn đánh giá cao các sản phẩm có uy tín, chất lượng.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc cung ứng sản phẩm cho chúng tôi hiện nay đều đã hợp tác được vài chục năm, nên luôn có độ tin cậy, các sản phẩm đã được kiểm chứng về chất lượng và được công nhận.
Hiện nay, chúng tôi đang bắt đầu xây dựng mối quan hệ và tạo sự tin tưởng với doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ và sự hỗ trợ của Samsung thì cơ quan báo chí cũng cần khích lệ tinh thần cho doanh nghiệp Việt.
Sự khởi đầu bao giờ cũng khó khăn nhưng tôi mong rằng các doanh nghiệp Việt Nam có quyết tâm để tham gia cùng chúng tôi. Các bạn có thể tham gia sản xuất từ cái nhỏ cho đến cái lớn và tôi nghĩ rằng sẽ không khó để các doanh nghiệp Việt có thể hợp tác với Samsung.
|
Ông Han Myoung Sup, Tổng Giám đốc khu tổ hợp sản xuất Samsung |
Các doanh nghiệp lớn như Samsung đều rất quan tâm đến tỷ lệ nội đại hóa các sản phẩm. Vậy, tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm của Samsung tại Việt Nam hiện nay là bao nhiêu thưa ông?
Hiện nay, chúng tôi chưa tính toán được nên chưa thể đưa ra con số chính xác nhất. Bởi chúng tôi có rất nhiều nhà cung cấp cấp 1, 2, 3 và giữa các vendor này thì tỷ lệ tham gia của các doanh nghiệp Việt có sự khác nhau. Có những đơn vị cung cấp 100%, nhưng có đơn vị có 3-4 nơi cung cấp, do đó chưa thể đưa ra con số cụ thể được.
Cũng cần phải hiểu, tỷ lệ nội địa hóa không đơn thuần là các doanh nghiệp Việt. Còn nếu tính chung các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam (bao gồm cả cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI) thì tỷ lệ nội địa ở phía Samsung khoảng 36%.
Xin ông cho biết, trong quá trình phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ Hàn Quốc đã có những chính sách như thế nào để thúc đẩy các doanh nghiệp Hàn Quốc?
Trong quá trình phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ thì Hàn Quốc chỉ hỗ trợ những doanh nghiệp có ý chí, muốn tham gia vào chuỗi của công nghiệp phụ trợ. Khi đó, Chính phủ Hàn Quốc sẽ hỗ trợ về mặt bằng, ưu đãi thuế, nếu doanh nghiệp thiếu vốn thì sẽ cho vay vốn với lãi suất thấp.
Tại Việt Nam, chúng tôi cũng được quan tâm và hỗ trợ rất nhiều từ Chính phủ Việt Nam. Trong năm 2014, khu tổ hợp Samsung Bắc Ninh (SEV) và Thái Nguyên (SEVT) đã xuất khẩu được 26,3 tỷ USD, chiếm 17,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong năm nay, chúng tôi dự tính con số này sẽ tăng cao hơn (dự kiến khoảng 30 tỷ USD). Samsung Việt Nam luôn mong muốn có thể tham gia vào sự phát triển của kinh tế Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!
Duyên Duyên