Để đạt chứng nhận sản phẩm OCOP được phân hạng 3 sao, 4 sao…, các chủ thể phải trải qua một quá trình dài để chăm chút cho sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất, trong đó, an toàn vệ sinh thực phẩm là yếu tố tiên quyết.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Sản phẩm OCOP của một huyện ở Cà Mau được kiểm định như thế nào?

Trần Khải 18/05/2024 11:10

Để đạt chứng nhận sản phẩm OCOP được phân hạng 3 sao, 4 sao…, các chủ thể phải trải qua một quá trình dài để chăm chút cho sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất, trong đó, an toàn vệ sinh thực phẩm là yếu tố tiên quyết.

Đầm Dơi là huyện có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các mặt hàng thủy, hải sản. Toàn huyện có 42 sản phẩm OCOP (có 10 sản phẩm OCOP được phân hạng 4 sao), chiếm 1/3 tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh Cà Mau. Các sản phẩm OCOP đặc trưng, có nhiều tiềm năng của huyện đã khẳng định được chất lượng trên thị trường hiện nay như: ba khía muối, tôm khô, tôm khô xẻ lụi, chà bông tôm, tôm ép…

9.jpg
Quy trình sản xuất các sản phẩm OCOP được kiểm soát rất chặt chẽ - Ảnh: T.K

Là hộ kinh doanh các sản phẩm OCOP có tiếng ở tỉnh Cà Mau, anh Nguyễn Văn Miên, chủ cơ sở sản xuất Ba khía Đầm Dơi (xã Quách Phẩm Bắc), chia sẻ để có những sản phẩm OCOP được công nhận hạng sao là cả một quá trình dài phấn đấu, nỗ lực của cơ sở.

“Bởi thế, chúng tôi rất coi trọng đến chất lượng sản phẩm, luôn lắng nghe nhận xét của khách hàng để từng bước hoàn thiện sản phẩm của mình, luôn là địa chỉ tin cậy để khách hàng lựa chọn sản phẩm. Cơ sở chúng tôi rất vui vì sản phẩm của mình luôn được khách hàng tin dùng, đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã”, anh Miên nói.

Hiện cơ sở sản xuất của anh Miên có 5 sản phẩm OCOP, trong đó, có 4 sản phẩm được phân hạng 4 sao là ba khía muối, ba khía trộn sẵn, mắm tôm chua ngọt và riêu ba khía; một sản phẩm được phân hạng 3 sao là ba khía muối nước mắm.

Điều kiện để được công nhận 1 sản phẩm OCOP 3 sao đã khó, sản phẩm 4 sao lại càng khó và khắt khe về tiêu chí hơn. Để có được sản phẩm OCOP được cấp chứng nhận, trước mắt cơ sở sản xuất phải đảm bảo điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, các sản phẩm phải đảm bảo chất lượng, thỏa mãn các điều kiện về thủ tục pháp lý như: hồ sơ liên quan về môi trường, quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, xử lý nước thải, rác thải…

anh-do-hoai-bao-gioi-thieu-san-pham-mat-ong-cua-minh-duoc-dan-nhan-hieu-tap-the-mat-ong-u-minh-ha..jpg
Mật ong là sản phẩm nổi tiếng ở xứ rừng tràm U Minh hạ - Ảnh: T.K

“Người tiêu dùng nên chọn sản phẩm OCOP để sử dụng vì đây là sản phẩm sạch, quy trình sản xuất chặt chẽ, đã được cơ quan quản lý giám sát. Các công đoạn sản xuất 1 sản phẩm OCOP đều đạt chứng nhận nên đảm bảo chất lượng, an toàn sức khoẻ cho người tiêu dùng. Trước khi được công nhận, ở khâu chấm điểm, hội đồng thẩm định có chấm phần cảm quan, nghĩa là sản phẩm đó phải ngon và được cả hội đồng kiểm định công nhận”, anh Miên cho biết.

Anh Miên chia sẻ thêm, các sản phẩm OCOP đều được sản xuất theo quy trình tiên tiến, như xưởng sản xuất của gia đình anh đạt tiêu chuẩn HACCP. Đây là hệ thống ngăn ngừa nhằm cung cấp sử dụng đảm bảo an toàn thực phẩm qua việc phân tích các mối nguy về sinh học, hóa học, lý học… vốn có trong quá trình sản xuất. "Được áp dụng chặt chẽ từ khâu thu mua nguyên liệu, đến xử lý, chế biến, thành phẩm, phân phối và tiêu thụ. Đây là chứng nhận nhằm nâng cao vị thế của doanh nghiệp khi có được sản phẩm đạt an toàn chất lượng quốc tế", theo anh Miên.

3.jpg
Sản xuất sản phẩm ba khía muối theo tiêu chuẩn chất lượng ở Đầm Dơi - Ảnh: T.K

Chị Phùng Ngọc Cẩm, ngụ TP.Cà Mau cho biết, gia đình chị luôn ưu tiên các sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe, nói "không" với các sản phẩm bẩn, hàng giả, hàng nhái. “Sức khỏe của các thành viên trong gia đình rất quan trọng, nên khi chọn thực phẩm cho gia đình tôi đều chọn mua các sản phẩm chất lượng cao, có nguồn gốc rõ ràng. Mặc dù giá cả có đắt, nhưng mình chấp nhận được, chứ mua các mặt hàng giá rẻ, trôi nổi trên thị trường tôi không an tâm. Nói chung, giữa một sản phẩm bình thường, chưa có thương hiệu và một sản phẩm OCOP được kiểm định, đánh giá khi đưa ra bán ở thị trường thì tôi lựa chọn sản phẩm OCOP để sử dụng”, chị Cẩm khẳng định.

Ông Nguyễn Phương Bình, Phó chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi, cho hay Đầm Dơi là địa phương dẫn đầu tỉnh Cà Mau về số lượng sản phẩm OCOP. Tất cả, các sản phẩm OCOP được công nhận của địa phương đều đạt chất lượng cao, được khách hàng ưa chuộng. “Huyện Đầm Dơi rất coi trọng việc tuyên truyền, vận động các chủ thể thực hiện đúng quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo về chất lượng. Mỗi sản phẩm OCOP khi đưa ra hội đồng xem xét, đánh giá phân hạng đều được thực hiện rất chặt chẽ, quy trình đánh giá phải trải qua 4 bước với sự tham gia của các sở ngành, đơn vị chuyên môn nên mỗi sản phẩm được công nhận đều rất khách quan, đáp ứng tiêu chí theo quy định”, ông Bình nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sản phẩm OCOP của một huyện ở Cà Mau được kiểm định như thế nào?