Tính đến nay, cả nước có 92.738 bệnh nhân COVID-19 đã được chữa khỏi. Trong số các trường hợp đang điều trị có 531 ca nặng và nguy kịch.

Sáng 14.8: Hơn 530 bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch

PV (tổng hợp) | 14/08/2021, 06:06

Tính đến nay, cả nước có 92.738 bệnh nhân COVID-19 đã được chữa khỏi. Trong số các trường hợp đang điều trị có 531 ca nặng và nguy kịch.

Theo Bộ Y tế, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 255.748 ca COVID-19, xếp 80/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 172/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 2.601 ca nhiễm).

Nếu tính riêng đợt dịch thứ 4 từ ngày 27.4.2021 đến nay, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 251.753 ca, trong đó có 89.964 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Đến nay, có 4/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước là: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu. 

Có 8 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Lào Cai, Kon Tum, Hà Giang, Quảng Trị, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang, Hải Phòng.

5 tỉnh thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (140.539), Bình Dương (39.592), Long An (13.232), Đồng Nai (12.047), Đồng Tháp (4.621)

Tính đến ngày 13.8, trong vòng 25 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam (20 ngày giãn cách tại TP. Hà Nội; 21 ngày giãn cách tại tỉnh Phú Yên; 06 ngày giãn cách tại tỉnh Khánh Hòa và 12 ngày giãn cách theo Chỉ thị 16+ kể từ ngày 31.7), cả nước ghi nhận 192.402 ca mắc của giai đoạn 4

Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19

- Tổng số ca COVID-19 được điều trị khỏi: 92.738 ca.

- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 511 ca.

- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 20 ca.

- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tính đến 13.8 là 5.088 ca, xếp thứ 69/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng tính tỷ lệ tử vong/1 triệu dân, Việt Nam xếp 161/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân 1 triệu dân có 52 người tử vong do COVID-19).

Đến nay Việt Nam đã tiêm tiêm là 13.256.472 liều vắc xin COVID-19, trong đó tiêm 1 mũi là 12.064.617 liều, tiêm mũi 2 là 1.191.855 liều.

- Ngày 13.8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký công văn gửi bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, sở y tế các tỉnh, thành phố; y tế các bộ, ngành và các bệnh viện trường đại học huy động toàn bộ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhà nước và tư nhân sẵn sàng tham gia phòng, chống dịch. Sở y tế các địa phương có trách nhiệm phân công bệnh viện là cơ sở tiếp nhận, điều trị COVID-19. Đồng thời, Bộ Y tế giao nhiệm vụ tất cả cơ sở còn lại phải chuẩn bị sẵn sàng dành tối thiểu 40% giường bệnh để tiếp nhận, quản lý, điều trị F0 khi dịch lan rộng, trong tình huống địa phương trở thành khu vực có nguy cơ rất cao.

- Ngày 13.8, Viện Huyết học – Truyền máu TW cho biết sẽ cử 175 cán bộ y tế chi viện cho TP.HCM  và được chia làm 3 đoàn. TS.BS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW cho biết, đoàn cán bộ, thầy thuốc của Viện sẽ vào tâm của tâm dịch, với nhiệm vụ là hỗ trợ cho Bệnh viện hồi sức điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng do Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách (có quy mô 1.000 giường bệnh).

- Bệnh nhân tên N.T.L., 61 tuổi ở TP Bắc Ninh, là BN6046 theo công bố của Bộ Y tế - đã trải qua 74 ngày điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - BV Bệnh Nhiệt đới TW với hơn 2 tháng thở máy, 15 lần lọc máu liên tục, 38 ngày ECMO. Bệnh nhân luôn ở tình trạng nguy kịch suốt thời gian dài, nay đã hoàn toàn bình phục.

- Ngày 13.8, TS.BS. Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho hay tỉnh sẽ triển khai xét nghiệm nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2 tại các trạm y tế để đáp ứng với tình hình dịch hiện nay. Cụ thể, Trung tâm y tế TP. Biên Hòa, TP. Long Khánh và các huyện sẽ thành lập các tổ xét nghiệm lưu động.

Tình hình dịch COVD-19 trên thế giới

TTXVN dẫn số số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 14.8 (giờ Việt Nam), cho biết tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 206.850.509 ca, trong đó có 4.357.040 người tử vong.

Số ca mắc bệnh trong ngày sau một thời gian thuyên giảm nay đang có dấu hiệu tăng trở lại trên phạm vi toàn cầu, với những vùng dịch “nóng nhất” ở châu Á và châu Âu, trong khi số ca tử vong vẫn ở mức đáng quan ngại.

Một số nước Á-Âu tình hình đang leo thang trở lại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm. Đặc biệt, Anh, Indonesia và Brazil số ca mắc mới vẫn cao một cách báo động. Sau một thời gian, Mỹ lại quay lại vị trí quốc gia có số ca mắc mới trong ngày cao nhất thế giới, với trên 110.000 trường hợp trong 24 giờ qua.

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 185.523.275 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 16.970.194 ca và 103.316 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 13.8, thế giới có 148 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 102 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh với tổng số ca nhiễm trên 37 triệu ca, trong đó 637.079 ca tử vong. Tiếp theo là Ấn Độ và Brazil với số ca nhiễm tại 2 nước này lần lượt ở con số 32,07 triệu ca và 20,02 triệu ca. Trong khi đó, tổng số bệnh nhân không qua khỏi do COVID-19 tại Brazil là 564.890, cao hơn con số Ấn Độ ghị nhận được 485.056 ca.

Sau vài tháng số ca mắc mới chững lại trên thế giới, biến thể Delta lần đầu tiên phát hiện tại Ấn Độ, có tốc độ siêu lây nhiễm đang là thủ phạm khiến làn sóng dịch tại nhiều nước bùng phát trở lại. Nhiều quốc gia đã ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất từ trước tới nay.

Ngày 13.8, Tiến sĩ Rochelle Walensky - Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ - đã phê chuẩn việc sử dụng liều tiêm vaccine ngừa COVID-19 thứ 3 cho những người bị suy giảm miễn dịch.

Tiến sĩ Walensky đã ký các khuyến nghị được Ủy ban cố vấn về thực hành tiêm chủng của CDC phê duyệt trước đó vài giờ. Tiến sĩ Walensky nhấn mạnh khuyến nghị chính thức này của CDC, cùng với quyết định trước đó của FDA về sửa đổi giấy phép sử dụng vaccine khẩn cấp, là bước đi quan trọng nhằm đảm bảo tất cả người dân Mỹ, kể cả những người dễ bị tổn thương nhất, có thể được bảo vệ tối đa từ việc tiêm phòng vaccine.

Tiến sĩ Walensky dẫn dữ liệu gần đây cho thấy những người có hệ miễn dịch yếu ở mức từ trung bình đến nghiêm trọng có độ miễn dịch thấp hơn những người khác và khi bị nhiễm virus SARS CoV-2, họ sẽ dễ lây sang cho những người xung quanh. Theo TTXVN

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sáng 14.8: Hơn 530 bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch