Bản tin sáng 5.5 của Bộ Y tế cho biết, trong 12h qua Việt Nam không có thêm ca mắc COVID-19. Tính đến nay, Việt Nam ghi nhận tổng cộng, 2.996 ca bệnh.

Sáng 5.5: Không có ca mắc COVID-19, mở cao điểm rà soát người nhập cảnh, Đà Nẵng phong tỏa một khu chợ, Đồng Nai 1 ca nghi nhiễm

SK&ĐS | 05/05/2021, 05:56

Bản tin sáng 5.5 của Bộ Y tế cho biết, trong 12h qua Việt Nam không có thêm ca mắc COVID-19. Tính đến nay, Việt Nam ghi nhận tổng cộng, 2.996 ca bệnh.

Cũng theo Bộ Y tế, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 40.736, trong đó:

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 560

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 21.733

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 18.443 người.

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, tổng số bệnh nhân khỏi bệnh ở nước ta đến nay là 2.560/2.996.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước hiện có 76 bệnh nhân đã âm tính với virus SARS-CoV-2 từ 1-3 lần gồm: 24 ca âm tính lần 1; số ca âm tính lần 2: 14 ca; số ca âm tính lần 3 là 38 ca. Số ca tử vong liên quan đến COVID-19 ở nước ta đến nay là 35 ca.

Tính đến sáng ngày 5.5, cả nước đã có 585.539 người được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, riêng ngày hôm qua có 46.477 người tiêm.

Đồng Nai ghi nhận ca nghi nhiễm COVID-19 ở Long Khánh, là nhân viên quán bar đến từ Đà Nẵng

Sáng 5.5, TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận 1 trường hợp nghi nhiễm COVID-19. Liên quan đến trường hợp này, 22 giờ tối qua 4.5, ngành Y tế đã có cuộc họp khẩn với TP.Long Khánh để tập trung thực hiện công tác truy vết, ngăn chặn dịch bệnh có nguy cơ lan rộng.

>> Xem chi tiết: Tại đây

Vĩnh Phúc cách ly thôn Tiền Phong

Tối 4.5, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Vĩnh Phúc đã ra Quyết định số 1045/QĐ - BCĐ thiết lập cách ly y tế vùng có dịch tại thôn Tiền Phong, xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc để phòng chống dịch bệnh COVID-19.

7 chốt kiểm soát được lập, toàn bộ thôn Tiền Phong, xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên sẽ thực hiện cách ly y tế kể từ 20 giờ ngày 4.5.2021, thời gian áp dụng tối thiểu 14 ngày. Tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh, thời gian cách ly có thể kéo dài hơn.

Đà Nẵng phong tỏa một khu chợ do có trường hợp nghi mắc COVID-19 từng đến

Tối 4.5, UBND quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) ban hành văn bản về việc tạm dừng hoạt động tổ chức kinh doanh tại chợ Phước Mỹ (phường Phước Mỹ) do có trường hợp người nghi mắc COVID-19 từng đến chợ này mua sắm.

Theo quyết định, chợ Phước Mỹ dừng hoạt động từ 0 giờ ngày 4.5 cho đến khi có thông báo mới. Những người không có nhiệm vụ sẽ không được vào khu vực này.

Lãnh đạo UBND quận Sơn Trà lý giải trước khi có kết quả xét nghiệm lần thứ nhất dương tính với SARS-CoV-2, chị D.T.N.H. (25 tuổi, quê Hậu Giang) từng đến chợ này mua sắm.

Trung tâm y tế quận Sơn Trà được giao nhiệm vụ phun hóa chất khử khuẩn chợ Phước Mỹ, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho tất cả tiểu thương.

UBND quận Sơn Trà yêu cầu các đơn vị liên quan thông báo cho tất cả tiểu thương chợ Phước Mỹ tập trung lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 lúc 8 giờ ngày 5.5. Tiểu thương sau khi được lấy mẫu không ra khỏi nhà khi chưa có kết quả xét nghiệm.

Chợ Cẩm Lệ cũng sẽ được tiến hành lấy mẫu xét nghiệm do liên quan đến các ca COVID-19 mới được ghi nhận.

Liên quan đến trường hợp BN2982 và ca nghi nhiễm cùng nơi làm việc với bệnh nhân này, các cơ quan chức năng đã cho cách ly y tế và lấy mẫu xét nghiệm 39 trường hợp F1 (cách ly tại cơ sở y tế 4 ca, cách ly tại cơ sở cách ly tập trung 35 ca).

Kết quả, có 26 kết quả xét nghiệm âm tính; 1 kết quả xét nghiệm dương tính; 12 trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm.

Các ngành chức năng cũng đã cho cách ly tại nhà 36 trường hợp F2; lấy mẫu xét nghiệm 7 trường hợp, kết quả có 4 trường hợp có kết quả âm tính, 3 trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm.

Cách ly triệt để, triển khai cao điểm rà soát tất cả người nhập cảnh

anh-dam-bcd-1-.jpg
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã  nhấn mạnh các thông tin trên khi chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo, thảo luận về tình hình dịch bệnh hiện nay và các biện pháp cần gấp rút triển khai trong thời gian tới chiều ngày 4.5.

Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý, 3 đợt dịch trước hoặc dịch bùng phát từ nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài hoặc từ bên trong, nhưng đợt dịch lần này có thể nói chúng ta vừa có từ bên trong, mà áp lực từ biên giới Tây Nam cũng rất lớn, thêm nữa có biến thể virus mới từ Ấn Độ lây lan nhanh hơn, năng hơn. Vì thế chúng ta phải quyết tâm hơn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại tại phiên họp trước của Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và các bộ rà soát, chuẩn bị cho tình huống có 30.000 người nhiễm.

“Không phải chúng ta dự báo sẽ có 30.000 người nhiễm mà tính đến trường hợp xấu để sẵn sàng chuẩn bị và phải phấn đấu để không bao giờ có tình huống đó xảy ra”- Phó Thủ tướng nói và yêu cầu phải rất quyết liệt. 

Tới đây, chúng ta phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ biên giới, người nhập cảnh; cách ly triệt để không được để lây nhiễm trong khu cách ly, từ khu cách ly ra cộng đồng.

Thời gian tới, chúng ta sẽ triển khai đợt cao điểm rà soát tất cả người nhập cảnh theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” không được bỏ sót; kể cả những người phục vụ, làm việc tại các cơ sở có nhiều người nước ngoài đến.

Qua báo cáo rà soát của các cơ quan, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo từ 0h ngày 4.5, các trung tâm cách ly chưa đưa người đã hết thời gian cách ly tập trung về địa phương. Bộ Y tế phải rà soát lại quy định, hướng dẫn và trong ngày 4.5, phải có văn bản gửi tất cả địa phương, trung tâm cách ly để quán triệt nhằm bảo đảm việc bàn giao giữa trung tâm cách ly với địa phương có người cách ly về cư trú, về làm việc phải có bàn giao, tiếp nhận, được quản lý chặt chẽ trong 14 ngày sau khi hoàn thành cách ly tập trung. 

Theo báo cáo của Bộ Y tế, Bộ sẽ hoàn thành văn bản này và ban hành trong chiều tối 4.5 để từ sáng 5.5, các trung tâm và các địa phương căn cứ thực hiện đúng. Phó Thủ tướng lưu ý các quy định, hướng dẫn, văn bản đã đầy đủ, bây giờ phải thực hiện một cách nghiêm túc. Ai không thực hiện, cấp nào không thực hiện phải chịu trách nhiệm và sẽ phải xử lý nghiêm.

“Khi chưa có dịch thì tuyệt đối không được lơ là, bây giờ có dịch phải rất bình tĩnh, chúng ta thực hiện thật nghiêm để khoanh dịch, dập dịch sớm nhất”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sáng 5.5: Không có ca mắc COVID-19, mở cao điểm rà soát người nhập cảnh, Đà Nẵng phong tỏa một khu chợ, Đồng Nai 1 ca nghi nhiễm