Đọc tít trên chắc bạn đọc sẽ thắc mắc: ăn pin để làm gì? Đương nhiên, viên pin không thể mang lại dinh dưỡng gì cho cơ thể. Nhưng nếu đó là viên pin dùng cho các camera và các bộ cảm biến khác nhau đưa vào cơ thể người để phục vụ cho việc chẩn đoán và phát hiện các loại bệnh thì thật thích hợp vì từ trước đến nay, để làm việc đó, người ta phải dùng những thủ thuật phức tạp và gây đau đớn cho người bệnh.
Phải thừa nhận rằng việc chế tạo những thiết bị y học nhỏ gọn không còn là việc làm mới mẻ và độc đáo nữa. Từ lâu, các nhà khoa học đã sáng chế ra các viên nang vài cm có chứa camera video, có thể ghi nhận những thông tin khác nhau khi đi qua ống ruột dạ dày người.
Theo Hi-news, dù các chuyên gia của Viện công nghệ Massachusetts, Mỹ, đã chế tạo được loại robot chẩn đoán bệnh được bọc trong “vỏ bằng thịt” nhưng thiết bị này vẫn có nhược điểm là kích thước khá lớn và chỉ hoạt động được trong thời gian ngắn cho đến thời điểm không dễ chịu đối với người bệnh là “thủ tục thu hồi robot”, tức đi đại tiện.
Và chẳng bao lâu nữa tất cả đều thay đổi nhờ nhóm các nhà nghiên cứu ở Đại học Carnegie Mellon dưới sự hướng dẫn của giáo sư Christopher Bettinger. Họ đã sáng chế ra viên pin tuyệt đối an toàn có kích thước bằng viên thuốc nhưng hoạt động được 20 giờ, sau đó, tan ra trong cơ thể. Cơ sở của viên pin độc đáo này là sắc tố melanin, oxit mangan, đồng và sắt. Tuy nhỏ nhưng viên pin có thể nuôi thiết bị công suất tới 5 milliwat trong một thời gian dài.
Dùng công nghệ này có thể chế tạo không chỉ các viên pin mà cả các camera nhỏ xíu với các bộ cảm biến, tất cả đều hòa tan trong cơ thể sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ. Đó là thiết bị đầu tiên dạng này được thử nghiệm thành công vì trước đây vẫn phải thu hồi pin ra khỏi cơ thể ở chặng cuối đường tiêu hóa.
Bước tiếp theo của các nhà khoa học là tạo ra vỏ bọc sinh học an toàn bằng pectin để các thiết bị không bị môi trường xâm thực bên trong cơ thể hủy hoại khi hoạt động.
Vũ Trung Hương