Khoảng gần 1 tháng qua, tại các tỉnh miền Tây đã ghi nhận nhiều vụ sạt lở bờ sông, khiến nhiều căn nhà bị nhấn chìm, công trình giao thông bị chia cắt.
Sạt lở bủa vây
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, trong ngày 20.5 và ngày 21.5, trên địa bàn huyện Châu Thành đã xảy ra 3 vụ sạt lở đất, thiệt hại gần 100 triệu đồng.
Theo đó, vào lúc 23 giờ ngày 20.5, tại kênh Mái Dầm (thuộc ấp Phú Lợi A, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành) xảy ra vụ sạt lở với chiều dài 10m, sâu vào bờ khoảng 4m. Hôm sau vào khoảng 2 giờ, cũng tại tuyến trên nhưng thuộc ấp Phú Trí B1, một vụ sạt lở với chiều dài 20m, ăn sâu vào bờ khoảng 7m, ước thiệt hại 50 triệu đồng.
Đến 8 giờ cùng ngày, vụ sạt lở tại kênh Thạnh Đông (thuộc ấp Thạnh Thuận, xã Đông Thạnh) với chiều dài 15m, ăn sâu vào bờ 4m.
Theo cơ quan chức năng, cả 3 vụ sạt lở đều làm mất đất, đường giao thông nông thôn. Ngay sau khi nhận được tin báo, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Châu Thành đã xuống hiện trường phối hợp với chính quyền địa phương điều động lực lượng để khắc phục hậu quả.
Theo Đài khí tượng - thủy văn tỉnh Hậu Giang, những ngày gần đây, mực nước chân triều đang ở mức thấp, tốc độ dòng chảy mạnh, các trận mưa chuyển mùa sẽ sinh dòng chảy mạnh và kết hợp với đất ở bờ sông, kênh đang tơi xốp, nứt nẻ.
Do đó, khả năng sạt lở bờ sông, kênh, rạch với quy mô vừa và nhỏ ở mức độ cao. Địa phương có nguy cơ cao xảy ra sạt lở là huyện Châu Thành, TP.Ngã Bảy và huyện Châu Thành A.
Tính từ đầu năm đến nay, tỉnh Hậu Giang xảy ra 21 vụ sạt lở, chiều dài sạt lở 445m, với tổng diện tích mất đất 2.219m2, ước tính thiệt hại trên 1,3 tỉ đồng.
Tại TP.Cần Thơ, rạng sáng 8.5, bờ sông Cần Thơ (thuộc ấp Mỹ Phước, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền) đã xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng, khiến 7 nhà dân bị nhấn chìm.
Khu vực sạt lở nằm cạnh chân cầu Trường Tiền trên đường tỉnh 923 (lộ Vòng Cung) trong phạm vi dự án kè sông Cần Thơ (đoạn từ cầu Cái Sơn, phường An Bình, quận Ninh Kiều đến xã Mỹ Khánh).
Theo một cán bộ UBND xã Mỹ Khánh, có 7 căn nhà bị sạt lở, với chiều dài khoảng 50m, thiệt hại ban đầu khoảng 10 tỉ đồng.
Mới đây, tại An Giang, vào sáng 24.5, nhiều người hoảng hốt khi 4 cửa hàng buôn bán bị sụp xuống sông Xép Ka Tam Pong (đoạn qua xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú) trong vòng chưa đầy một phút.
Đoạn sạt lở dài 35m, ngang 2m đã cuốn theo dãy nhà buôn bán bún, cá biển, sửa xe máy và tiệm cơ khí. Ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 500 triệu đồng. Sau sự cố, chính quyền địa phương cùng người dân dọn dẹp, thu nhặt tài sản và tháo dỡ nhà. Đây là lần đầu khu vực này bị sạt lở.
Tương tự, trong các ngày 21 và 23.5, tại huyện Chợ Mới (An Giang) xảy ra hai vụ sạt lở tại bờ Tả sông Hậu (xã Hoà Bình) dài 70m, ăn sâu vào đất liền 10m làm một phần xí nghiệp chế biến lương thực bị hại; rạch Ông Chưởng với đoạn sạt lở 20m, ba căn nhà dân phải tháo dỡ khẩn cấp.
Theo Ban chỉ huy ứng bó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang, đang mùa nước xuống thấp, biên độ triều cao cộng với mưa đầu mùa khiến bờ sông dễ sụp lún.
Còn tại Đồng Tháp, tuần qua cũng xảy ra hai vụ sạt lở làm 6 nhà dân rơi xuống sông Cần Lố ở huyện Cao Lãnh. Hiện, ngành chức năng đã triển khai các giải pháp gia cố tạm thời, di dời người dân đến nơi an toàn.
Nguyên nhân do đâu?
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện (Chuyên gia nghiên cứu độc lập hệ sinh thái vùng ĐBSCL) thông tin với báo chí, đặc điểm của sạt lở bờ sông của các tỉnh miền Tây là “ăn” đứt chân bờ, nhiều khi người dân sống bên trên không hay biết gì.
“Thường trước khi xảy ra sạt lở 2 ngày là các vết nứt chạy dài, một số vụ không có cảnh báo. Nếu quan sát kỹ thì sạt lở thường diễn ra ở cuối mùa khô và đầu mùa mưa, bởi vì trong mùa khô thì mực nước của sông Mê Kông thấp. Như vậy so với bờ cao và nặng, chảy qua suốt mùa khô sẽ khiến bờ bị mỏi và đặc biệt khi dưới chân đã bị “đứt” rồi đến cuối mùa khô không còn chịu nổi”, thạc sĩ Thiện nói.
Theo thạc sĩ Thiện, hệ thống sông Mê Kông khi vào Việt Nam chia làm sông Tiền và sông Hậu. Ngoài ra, hai con sông này có rất nhiều nhánh nên sạt lở thường xảy ra. Nguyên tắc là càng về đầu nguồn thì tình trạng sạt lở càng diễn ra nhiều hơn.
Bởi vì ở đó cao trình của bờ cao hơn và thành phần đất pha nhiều cát hơn. Chúng ta biết vật liệu đất pha cát thì độ kết dính kém hơn đất thịt và đất sét.
“Tình hình ngày nay là sạt lở đã lan khắp đồng bằng. Nguyên tắc là do khai thác cát, nhưng không phải khai thác cát tại nơi nào thì sạt lở xảy ra nơi đó, mà nó lan toả khắp nơi. Bởi vì toàn bộ hệ thống sông Cửu Long là một hệ. Vì vậy khai thác cát ở một nơi sẽ tạo ra một hố thì vật liệu ở nơi khác sẽ phả lấp lại, để hạ thấp đều đáy sông.
Các nghiên cứu cho thấy, sông Tiền và sông Hậu đã bị hạ thấp 3m đến 4m so với ngày xưa. Khi mà đáy sông chính bị hạ thấp như vậy thì sẽ rút đáy sông của sông nhánh và làm cho sông nhánh bị sâu hơn. Từ đó bờ của sông nhánh cao hơn, nặng hơn và khi đó sẽ rút đáy của sông nhỏ hơn.
Như vậy sẽ làm lan toả sâu đáy sông, dẫn đến sạt lở khắp nơi. Những nơi bị tổn thương nhất là thường là đoạn sông cong. Sạt lở ở miền Tây xảy ra cả bờ sông, bờ biển. Nguyên nhân chính là do thiếu phù sa và cát”, thạc sĩ Thiện phân tích.
Nói về các biện pháp trước đây và trong thời gian tới, thạc sĩ Thiện nhận định: “Biện pháp kè chống sạt lở thì chúng ta không đủ tiền chạy theo, bởi kè đắt đỏ và làm gia tăng sức nặng bờ sông, trong khi sạt lở đã ăn đứt chân.
Như vậy chúng ta cần thực hiện theo nguyên tắc là thuận thiên. Nói vậy không phải không thực hiện những công trình, mà chỉ thực hiện ở những công trình không thể bỏ được, như: khu đô thị, khu đông dân cư…
Các công trình này phải tính toán về lợi ích đem lại và chi phí bỏ ra. Biện pháp tốt nhất là lập những bản đồ theo dõi những nơi nào rủi ro cao, trung bình, thấp... để di dời dân, tránh gây thiệt hại tài sản và tính mạng.
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh miền Tây phải liên tục siêu âm đáy sông và cập nhật biến động để cảnh báo cho người dân”.
BOX: Theo dự báo của các ngành chức năng và chuyên gia, tình trạng sạt lở sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. “Bờ sông đã quá mỏi trong suốt mùa khô”- đó là nguyên nhân chính mà thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện chỉ ra.