Hiện nay đang vào cao điểm mùa khô nên tình trạng sụt lún, sạt lở đất đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và hoạt động sản xuất của người dân huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Đến nay, địa phương này đã thiệt hại hơn 21 tỉ đồng vì sạt lở, sụt lún đất.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Sạt lở, sụt lún đất khiến vùng ngọt Cà Mau thiệt hại hơn 21 tỉ đồng

Trần Khải 05/04/2024 20:10

Hiện nay đang vào cao điểm mùa khô nên tình trạng sụt lún, sạt lở đất đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và hoạt động sản xuất của người dân huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Đến nay, địa phương này đã thiệt hại hơn 21 tỉ đồng vì sạt lở, sụt lún đất.

Ngày 5.4, UBND huyện Trần Văn Thời cho biết, tính đến ngày 29.3, trên địa bàn 9 xã, thị trấn của địa phương có 591 vị trí sạt lở, sụt lún đất ở 132 tuyến đường. Qua thống kê, huyện này đã thiệt hại hơn 15,5km đường giao thông, trong đó có hơn 11,5km đường bê tông và khoảng 4km đường đất đen. Tổng thiệt hại ước tính hơn 21,5 tỉ đồng.

3..jpg
Sạt lở, sụt lún gây hư hỏng nặng nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện Trần Văn Thời - Ảnh: H.T

Ông Kiều Minh Tiếng, Phó chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời cho biết, địa phương có diện tích đất tự nhiên hơn 70.346ha với hệ thống sông ngòi chằng chịt, gồm 264 tuyến sông, kênh với tổng chiều dài trên 963km. Thời gian qua, huyện Trần Văn Thời đã dành rất nhiều kinh phí để đầu tư phát triển đường giao thông nông thôn, đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại và giao thương của người dân trong khu vực.

Tuy nhiên, các tuyến đường giao thông nông thôn phần lớn được xây dựng trên các tuyến đê gần sông, kênh rạch. Vì vậy, tình trạng sạt lở bờ sông, kênh rạch và một số nguyên nhân khác đã tác động trực tiếp đến công trình đường bộ, làm giảm tuổi thọ và không đảm bảo an toàn giao thông. Cùng với đó, tình trạng biến đổi khí hậu dẫn đến hạn hán, xâm nhập mặn, gây sạt lở, sụt lún các công trình và ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Xã Khánh Hải là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về sạt lở, sụt lún đất của huyện Trần Văn Thời. Ngoài ra, tình trạng sụt lún, sạt lở cũng xảy ra ở nhiều xã khác ở huyện Trần Văn Thời như: Trần Hợi, Khánh Bình, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc…, hiện đã đến mức báo động.

2..jpg
Chính quyền địa phương lắp đặt biển cảnh báo sạt lở - Ảnh: H.T

Đa phần diện tích đất tự nhiên hơn 70.000ha của huyện Trần Văn Thời nằm trong vùng ngọt của tỉnh Cà Mau. Người dân địa phương sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa. Năm nay mùa mưa kết thúc sớm, hạn hán khắc nghiệt khiến cho lượng nước rút nhanh. Cùng với đó, để đảm bảo sản xuất vụ mùa, người dân đã bơm nước vào nội đồng khiến mực nước ở các tuyến sông, kênh rạch bị khô cạn. Tình trạng này gây ra chênh lệch độ cao giữa mặt đường ven sông và mực nước dưới lòng sông rất lớn, làm mất phản áp dẫn đến sụt lún, sạt lở đất.

Phó chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời Kiều Minh Tiếng cho biết thêm, huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các phòng chuyên môn của huyện tiếp tục thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế sự cố sạt lở, sụt lún xảy ra như: tăng cường tuần tra, kiểm tra tải trọng xe; cắt, tỉa cây ven sông, kênh, rạch làm giảm tải trọng tác động; lắp đặt biển báo, rào chắn, giảm tải phù hợp các tuyến đường do huyện, xã quản lý…

1..jpg
Huyện Trần Văn Thời đang phải đối diện với tình trạng sạt lở, sụt lún đất nghiêm trọng - Ảnh: H.T

Theo lãnh đạo UBND huyện Trần Văn Thời, tính đến ngày 29.3, trên địa bàn các xã, thị trấn vùng ngọt đã khắc phục tạm 85 điểm với tổng chiều dài 1,8km; thực hiện cắt, tỉa cây được hơn 165 tuyến đường (gồm cây dừa, cây bạch đàn, cây gừa và loại cây tán lớn khác...).

Bên cạnh đó, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân có bãi chứa vật liệu xây dựng nặng ven sông, kênh rạch di dời ra khỏi vị trí có nguy cơ sụt lún, sạt lở (hơn 50 trường hợp). Đối với nhà ở ven sông, kênh rạch, chính quyền địa phương đã gửi thông báo cảnh báo để người dân di dời tài sản, vật nặng ra khỏi khu vực có nguy cơ sụt lún, sạt lở đất cao (hơn 450 trường hợp). Lắp hơn 265 biển cảnh báo, rào chắn, giăng dây cảnh báo hạn chế giao thông tại các điểm bị sụt lún. Đồng thời, thực hiện thay các bảng giảm tải trọng các tuyến đường giao thông.

Trước đó, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã đi kiểm tra tình hình sụt lún, sạt lở đất trên địa bàn huyện Trần Văn Thời. Ông Hải chỉ đạo chính quyền địa phương thực hiện tốt các giải pháp đã được khuyến cáo như triển khai cắt, tỉa hoặc đốn hạ những cây thân gỗ lớn trên tuyến lộ có nguy cơ sụt lún; thực hiện giảm tải trọng xe lưu thông nhằm hạn chế nguy cơ sụt lún những tuyến đường giao thông. Đồng thời, vận động người dân tích cực tham gia thực hiện các biện pháp phòng, chống sạt lở, sụt lún đất; quản lý chặt chẽ việc lấy nước ngọt tại các kênh, sông, rạch có tuyến lộ giao thông quan trọng, dễ bị sạt lở.

Bài liên quan
Chùm ảnh: Cận cảnh khô hạn ở vùng ngọt Cà Mau
Do tác động của biến đổi khí hậu, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Cà Mau chịu nhiều ảnh hưởng do hạn hán như thiếu nước sinh hoạt, sản xuất, sụt lún đất... làm thiệt hại hàng chục tỉ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
10 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sạt lở, sụt lún đất khiến vùng ngọt Cà Mau thiệt hại hơn 21 tỉ đồng