Người dân nuôi cá ven bờ sông Hậu cho rằng việc khai thác cát gần bờ trong thời gian dài khiến tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng hơn. Trong khả năng của mình, họ cố gắng làm hết sức để giữ đất.

Sạt lở uy hiếp người dân nuôi cá ven bờ sông Hậu

Nguyên Việt | 09/08/2022, 17:57

Người dân nuôi cá ven bờ sông Hậu cho rằng việc khai thác cát gần bờ trong thời gian dài khiến tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng hơn. Trong khả năng của mình, họ cố gắng làm hết sức để giữ đất.

Thời điểm đỉnh mùa mưa năm 2022, những con sông ở ĐBSCL đầy ắp nước, mang lại cho người dân nơi đây những sản vật, tài nguyên. Tả ngạn sông Hậu, đoạn qua xã Tân Bình, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, nơi có nhiều hộ dân sống bằng nghề nuôi cá ven sông. Họ đang lo lắng không yên khi tình trạng sạt lở nơi đây diễn ra khá phức tạp.

Xế trưa, chiếc xuồng nổ máy đưa 7 người đàn ông từ bờ sông Hậu, phía Vĩnh Long ra gần giữa sông. Đích đến của họ là 3 chiếc xáng cạp đang sục gàu vào lòng sông lấy cát.

anh-9-nguoi-dan-tiep-can.jpg
Nhóm người dùng xuồng máy, mang theo loa tiếp cận xáng cạp - Ảnh: Nguyên Việt

Chiếc xuồng đến gần một chiếc xáng cạp, Nguyễn Văn Duyễn (20 tuổi, hiện ngụ ấp Tân Hiệp, xã Tân Bình, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) ngồi trên xuồng vặn loa lớn hết cỡ, cầm micro lên, nói: “Đề nghị các anh không hút bùn ở đây nữa”. Câu nói được lập lại thêm lần nữa rồi bị át giữa tiếng động cơ gầm rú và mênh mông sông nước.

z3630627386883_e765c3f16578beae195fa99a1f0aa967.jpg
Người dân phát loa xua xáng cạp múc cát trên sông Hậu - Ảnh cắt từ clip

Một số người trên xáng cạp nhìn thấy 7 người đàn ông nhưng không mảy may dao động. Chiếc xuồng máy đảo thêm vòng nữa, một người đàn ông trên xuồng dùng điện thoại ghi lại cảnh khai thác, họ bất lực rời đi.

anh-1-khai-thac-cat.jpg
Ba xáng cạp khai thác cát trên sông Hậu - Ảnh: Nguyên Việt

Trên sông Hậu lúc này, ba chiếc xáng cạp neo cách quãng ở khu vực Vĩnh Long đang tích cực làm việc, những chiếc gàu có thể sục hàng chục mét xuống lòng sông để múc lên bùn, cát. Các xà lan đậu kế bên, chờ đầy rồi di chuyển bùn, cát đi nơi khác. Người dân cho hay cát ở đây hiện còn rất ít, những chiếc xáng này múc bùn dùng để san lấp. Cũng theo họ, việc khai thác chỉ diễn ra ban ngày, nhưng kéo dài đã chục năm qua.

anh-6-nguoi-dan-nho-be.jpg
Nhóm người phản đối việc khai thác cát quá nhỏ bé so với những xáng cạp khổng lồ - Ảnh: Nguyên Việt

Chị Lê Thị Kiều Chinh (44 tuổi, ngụ ấp Tân Hiệp, xã Tân Bình) sống với những ao cá hơn 30 năm qua ở đây nói chưa bao giờ phải sợ sạt lở như những năm gần đây. Gia đình chị có 6 công đất ven sông, trong đó có 2 công nằm sát dưới mé sông được cải tạo làm ao nuôi cá.

Mấy năm nay, bờ sông sạt lở, để cứu đất chị dốc hơn 500 triệu đồng be bờ, đắp bờ bao cứu đất. Nếu chần chừ, đất của chị chỉ có thể hòa vào sông Hậu. “Hai công đất này giá trị cũng chỉ gần 600 triệu đồng, nhưng mình phải làm để giữ đất, giữ nghề”, chị nói và cho biết đầu tư hằng trăm triệu đồng giữ đất nhưng không thể khôi phục hoàn toàn và việc be bờ phải được diễn ra đều đặn hằng năm.

anh-16-nguoi-dan-khac-phuc-sat-lo.jpg
Người dân tự be bờ để giữ đất - Ảnh: Nguyên Việt

Theo người phụ nữ này, việc các xáng cạp khai thác cát ở khu vực này là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sạt lở. Chị và người dân ở đây mong mỏi, các xáng cạp có thể khai thác xa bờ hơn nữa hoặc đến những vùng khác an toàn hơn.

Anh Ngô Phương Bình (53 tuổi, ngụ cùng địa phương) cùng người thân nuôi cá tra trong 3 ao rộng khoảng 15.000 mét vuông đã nhiều năm qua. Anh kể, ngày trước bãi bồi từ bờ sông kéo dài ra tầm chục mét nhưng hiện tại đã biến mất, độ sâu ngay sát bờ sông giờ phải gần 3 mét. “Với độ sâu như vậy sát chân đê thì sạt lở mấy hồi nữa. Mỗi lần thấy xáng cạp gần bờ, chúng tôi lái đò ra van xin họ dời đi chỗ khác, có lúc họ cũng rút đi nhưng rồi đâu lại vào đó. Họ khai thác xong rồi rút đi, còn sạt lở để lại chúng tôi phải chịu”, anh Bình nói.

anh-7-cap-cat.jpg
Một cú quăng, xáng cạp múc lên một lượng cát khá lớn - Ảnh: Nguyên Việt

Để giữ đất, những hộ dân ở ấp Tân Hiệp tự xuất tiền túi thuê nhân công, cắm cây dừa, cừ tràm, dùng lưới vây quanh rồi đổ đất cát xuống để tạo thành những bờ bao giữ đất. Nuôi cá có lúc lời lỗ nhưng việc đắp đê, họ phải duy trì hằng năm. Tùy người đất ít hay nhiều mà số tiền có thể chi ra từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Không nuôi cá, nhưng bà Lương Kim Đào (52 tuổi, ngụ cùng địa phương) có ngôi nhà lụp xụp nằm sát mé sông. Phía sau ngôi nhà là những cọc bê tông, gỗ để chống đỡ một phần ngôi nhà, bên dưới tình trạng sạt lở chờ chực nuốt trọn ngôi nhà. Như sắp khóc, bà Đào nói: “Nhà tôi nằm meo một bên bờ sông, mỗi lần nghe tiếng xáng cạp quăng càng ầm ầm là tim tôi như thắt lại. Tôi tìm gặp họ, khóc năn nỉ họ đừng có cạp nữa, 5 thành viên trong gia đình chỉ có ngôi nhà này”, bà Đào nói.

anh-21.jpg
Khuôn mặt bà Đào buồn bã khi nói về tình trạng sạt lở nơi mình ở - Ảnh: Nguyên Việt

Người dân ở ấp Tân Hiệp cho hay, họ đã nhiều lần có ý kiến lên chính quyền địa phương về vấn đề này và kiến nghị di dời xáng cạp khai thác cát đi nơi khác nhưng không có phản hồi.

Từ sông Hậu nhìn vào bờ Vĩnh Long, đoạn ấp Tân Hiệp, xã Tân Bình, người dân tự be bờ đắp đất tạo hàng trăm mét bờ bao ngăn sạt lở. Nhưng theo họ, việc gia cố bờ bao này chỉ là giải pháp tình thế, nếu không có giải pháp căn cơ, mà trong đó là hạn chế việc khai thác cát trên sông Hậu, chuyện sạt lở xảy ra chỉ là sớm muộn.

anh-22-ba-dao-ben-can-nha.jpg
Bà Đào đứng ở phía sau căn nhà, nơi những trận sạt lở chờ chực nuốt trọn - Ảnh: Nguyên Việt

Ông Võ Văn Thảo, Trưởng ấp Tân Hiệp, kể rằng người dân ở đây từng lái xuồng máy cặp các xáng cạp, trực tiếp đề nghị ngưng khai thác nhưng không có tác dụng. Ông cũng cho biết trong nhiều cuộc họp HĐND cấp huyện và tỉnh, người dân nhiều lần có phản ánh về vấn đề khai thác cát đe dọa sạt lở ở địa phương và mong muốn mỏ cát không duy trì lâu dài.

Cuối tháng 7, trao đổi với PV Một Thế Giới,  ông Nguyễn Văn Tập -Chủ tịch UBND huyện Bình Tân cho biết, trên địa bàn xã Tân Bình hiện có hai mỏ cát được tỉnh cấp phép khai thác là Tân Bình 1 và Tân Bình 2. Trong đó, mỏ Tân Bình 1 có trữ lượng thăm dò hơn 1,4 triệu mét khối do Công ty TNHH MTV Xây dựng Du Lịch Vàng khai thác từ đầu năm 2016, công suất khai thác 100 ngàn mét khối/năm.

Mỏ Tân Bình 2 có trữ lượng thăm dò gần 2,7 triệu mét khối do Công ty Đầu tư Xây dựng Nguyễn Tòng khai thác thác từ tháng 10.2014, công suất khai thác 200 ngàn mét khối/năm. Hai đơn vị này vừa được gia hạn tiếp tục khai thác đến hết năm nay. Cũng theo ông Tập, trước khi gia hạn cho các đơn vị khai thác, chính quyền địa phương đều tổ chức lấy ý kiến của người dân và đều nhận được sự thống nhất mới cho phép gia hạn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
2 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sạt lở uy hiếp người dân nuôi cá ven bờ sông Hậu