Còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết trung thu 2019, nhưng ở thời điểm hiện tại, các mặt hàng đồ chơi, bánh kẹo... phục vụ thị trường đã xuất hiện tràn lan, đáng chú ý các sản phẩm hầu như không có nguồn gốc xuất xứ.
Gần đến Tết Trung thu, thị trường đồ chơi trẻ em trở nên sôi động, lượng đồ chơi trẻ em có xuất xứ từ Trung Quốc qua biên giới vào Việt Nam có chiều hướng gia tăng. Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra và đã liên tiếp phát hiện, bắt giữ các vụ vận chuyển "lậu" đồ chơi với số lượng lớn.
Theo ghi nhận của PV, tại nhiều cửa hàng chuyên bán đồ chơi trẻ em trên địa bàn Hà Nội đã tràn ngập nhiều loại đồ chơi nhưđèn lồng với đủ kiểu dáng, mặt nạ bằng nhựa in hình các nhân vật hoạt hình... Tuy nhiên, hầu hết các loại đồ chơi này đa phần kém chất lượng và nhập lậu từ Trung Quốc, với mức giá siêu rẻ chỉ chục nghìn đến vài chục nghìn đồng một món đồ.
Mới đây, cơ quan quản lý thị trường Lạng Sơn đã thu giữ hơn 10.000 sản phẩm đồ chơi Trung Quốc nhập lậu không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp, không chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy (dấu CR).
Trong đó có bộ đồ chơi xe đẩy bán kem 2 tầng No.668-25 loại 30 chi tiết/bộ, số lượng 24 bộ; bộ kệ đồ chơi chữ A Baby PlayGym MQ2823 loại 40 chi tiết/bộ, số lượng 20 bộ; bộ đồ chơi nấu ăn cho bé Kitchen play set No. 5705-3 loại 50 chi tiết/bộ, số lượng 22 bộ; bộ đồ chơi máy tính tiền kem kèm xe đẩy siêu thị (668-41) loại 40 chi tiết/bộ, số lượng 56 bộ; bộ đồ chơi câu cá tôm, cua, mực cho bé loại 50 chi tiết/bộ, số lượng 90 bộ; bộ xếp hình 460 chi tiết 2901 Build N Learn Box loại 460 chi tiết/bộ, số lượng 120 bộ.
Chủ lô hàng này khai nhận: Tổng trị giá hàng hóa khoảng 30 triệu đồng. Toàn bộ số hàng hóa trên là do Trung Quốc sản xuất nhập lậu được thu mua gom tại khu vực Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn để vận chuyển về các tỉnh phía sau bán kiếm lời.
Những tháng đầu năm nay, thị trường đồ chơi Việt cũng nổi lên loại đồ chơi mang tên thú nhún có nguồn gốc từ Trung Quốc, được bán tràn lan khắp các con phố, chợ, mạng xã hội và xe đẩy đến tận ngõ ngách để rao bán. Trong khi đó, đây là các mặt hàng không đảm bảo về độ an toàn, nguồn gốc xuất xứ.
Theo một doanh nghiệp chuyên bán đồ chơi ở Hà Nội, thị trường đồ chơi trẻ em Việt Nam chỉ chiếm khoảng 30-35% có thương hiệu, trong khi đó đồ chơi Trung Quốc không ngừng gia tăng về số lượng. Trong khi đồ chơi trong nước có thương hiệu bán với giá đến hàng trăm nghìn đồng thì đồ chơi Trung Quốc giá chỉ vài nghìn đến vài chục nghìn. Đây chính là thách thức cho mặt hàng đồ chơi Việt khó cạnh tranh.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm, nhập khẩu đồ chơi từ Trung Quốc vào Việt Nam là 35,8 triệu USD, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tổng cục cũng cho biết, lượng đồ chơi Trung Quốc vào Việt Nam đang tăng đều qua các năm khi 2017 giá trị nhập ở mức 56,7 triệu USD và tăng lên 68,7 triệu USD vào 2018. Dự kiến, hết năm 2019 lượng nhập khẩu sẽ còn tăng cao.
Bài và ảnh: Tuyết Nhung