Bà Nguyễn Thị Lẹ (52 tuổi, ngụ P.5, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau) gửi đơn cầu cứu đến nhiều cơ quan chức năng tỉnh An Giang để khiếu nại việc Công an H.Phú Tân (An Giang) tạm giữ phương tiện vận tải của bà đã hơn 3 tháng.

Sau 3 tháng bị tạm giữ sà lan, chủ doanh nghiệp vẫn chưa được nhận lại phương tiện

18/05/2020, 16:26

Bà Nguyễn Thị Lẹ (52 tuổi, ngụ P.5, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau) gửi đơn cầu cứu đến nhiều cơ quan chức năng tỉnh An Giang để khiếu nại việc Công an H.Phú Tân (An Giang) tạm giữ phương tiện vận tải của bà đã hơn 3 tháng.

Bà Lẹ trao đổi với PV - Ảnh: Trần Khải

Trong đơn gửi đến cơ quan chức năng tỉnh An Giang, bà Lẹ cho biết, khoảng 18 giờ 30 ngày 15.2 vừa qua, ông Tống Văn Bột (thuyền trưởng, làm thuê cho bà Lẹ) điều khiển sà lan biển số CM-25601 di chuyển từ hướng Mộc Hóa về gần Trạm cảnh sát đường thủy Vàm Nao (thuộc ấp Vàm Nao, xã Tân Trung, H.Phú Tân, tỉnh An Giang). Lúc này, ghe gỗ biển số AG04509 do thuyền trưởng Nguyễn Minh Hoài điều khiển theo chiều ngược lại, đụng vào mạn trái, phía sau cabin sà lan của bà Lẹ.

“Sau va chạm, thuyền trưởng của hai bên có giải thích, phân trần đúng sai, rồi tiếp tục di chuyển. Chiếc ghe gỗ tiếp tục đi đến trạm cảnh sát đường thủy thì dừng lại neo đậu, rồi bị chìm. Sà lan của tôi tiếp tục di chuyển được khoảng 1 giờ thì các anh cảnh sát đường thủy chạy theo báo có ghe bị chìm, đề nghị sà lan của tôi quay lại trạm để làm việc. Sau đó, Công an H.Phú Tân có lập biên bản tạm giữ phương tiện vận tải của tôi. Quá trình khám nghiệm hiện trường, phương tiện, vẽ sơ đồ, kiểm tra giấy tờ có liên quan đều có biên bản ghi lại”, bà Lẹ nói.

Phiếu kê thiệt hại mỗi tháng bà Lẹ mất trên 150 triệu đồng - Ảnh: Trần Khải

Theo bà Lẹ, căn cứ vào kết quả làm việc theo quy định của pháp luật, dựa trên nguyên tắc xử lý lỗi của ai thì người đó chịu, tuy nhiên đến nay đã hơn 3 tháng nhưng Công an H.Phú Tân vẫn chưa có kết luận chính thức về vụ va chạm. Bà Lẹ bức xúc: “Chiếc sà lan là nguồn thu nhập chính của gia đình tôi. Khi làm việc với công an thì giấy đăng ký phương tiện, bằng lái thuyền trưởng đã bị tạm giữ…

Mặc dù tôi đã nhiều lần xin nhận lại nhưng từ ngày 15.2 đến nay sà lan của tôi vẫn bị tạm giữ, trong khi nguyên nhân của vụ va chạm vẫn chưa được Công an H.Phú Tân công bố. Nếu xác định sà lan và tài công của tôi không có lỗi, thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm về những thiệt hại của tôi trong thời gian qua?”.

Từ khi sà lan bị tạm giữ, doanh nghiệp của bà Lẹ rơi vào thế khó, có nguy cơ bị phá sản. Việc giao hàng chậm chễ, người lao động bỏ đi tìm việc khác… Phía công ty bảo hiểm không ngừng hối thúc bà Lẹ cung cấp cho họ văn bản xác định về nguyên nhân vụ tai nạn để thực hiện việc bồi hoàn theo hợp đồng, nhưng đến nay, bà Lẹ chưa nhận được văn bản xác định nguyên nhân vụ tai nạn từ Công an H.Phú Tân.

Văn bản trả lời bà Lẹ của lãnh đạo Công an H.Phú Tân - Ảnh: Trần Khải

Sau khi bà Lẹ có đơn xin nhận lại phương tiện, ngày 21.3 vừa qua, thượng tá Huỳnh Văn Phưởng, Phó trưởng Công an H.Phú Tân có văn bản trả lời: “Căn cứ điểm a khoản 1 điều 12 của Thông tư 73/2012/TT-BCA ngày 5.12.2012: Khi vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa xảy ra, các phương tiện giao thông đường thủy có liên quan đều phải được tạm giữ để phục vụ công tác khám nghiệm, điều tra, giải quyết”.

Theo thượng tá Phưởng, qua xác định thiệt hại tài sản hàng hóa và phương tiện, 2 ngành pháp luật thống nhất đây là vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa gây hậu quả nghiêm trọng, thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan CSĐT nên Đội CSGT-TT đã chuyển toàn bộ hồ sơ cho Đội Điều tra tổng hợp, Công an H.Phú Tân.

Văn bản tạm giữ tang vật - Ảnh: Trần Khải

“Đến ngày 9.3, phương tiện gỗ mới trục vớt lên bờ, xác định toàn bộ hàng hóa (xi măng) trên ghe gỗ hư hỏng hoàn toàn và ghe gỗ bị hư hỏng bên hông phải, cabin lái. Hiện vụ tai nạn giao thông đã được Đội Điều tra tổng hợp Công an H.Phú Tân phối hợp với Viện KSND cùng cấp thụ lý và đang tích cực phối hợp với Phòng CSGT đường thủy, Công an tỉnh An Giang nhanh chóng xác định nguyên nhân vụ tai nạn để trả lời chủ phương tiện và người liên quan biết”, thượng tá Phưởng trả lời cho bà Lẹ tại công văn số 117/CAH-CSGT vào ngày 21.3 vừa qua.

“Tại khoản 8 điều 125 của Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định thời gian tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 7 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời gian có thể kéo dài nếu vụ việc có tình tiết phức tạp, nhưng không quá 30 ngày. Trường hợp của tôi không phức tạp, nên việc tạm giữ hơn 3 tháng là thiệt hại rất lớn đối với doanh nghiệp của tôi. Rất mong cơ quan chức năng tỉnh An Giang sớm vào cuộc, xem xét để quyền lợi của tôi được đảm bảo”, bà Lẹ khẩn thiết.

Trần Khải

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
14 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sau 3 tháng bị tạm giữ sà lan, chủ doanh nghiệp vẫn chưa được nhận lại phương tiện