Cảm ơn đại biểu Hoàng Văn Cường đã nói hộ suy nghĩ của nhiều người. Việc xăng tăng theo giá dầu thế giới là điều mọi người đều hiểu và cảm thông. Nhưng việc xăng cõng nhiều thuế phí quá làm nhiều người tâm tư.
Từ chiều qua, giá bán lẻ xăng E5RON92 trong nước tăng 1.427 đồng/lít lên 23.110 đồng/lít, mức cao nhất kể từ tháng 9.2014; xăng RON95 tăng thêm 1.459 đồng/lít lên 24.338 đồng/lít. Tương tự, dầu diesel tăng 8,48%, dầu hỏa tăng 7,39% so với kỳ trước.
Trước đó, đã có những thông tin dọn đường cho biết giá xăng có thể tăng lên đến 1.600 đồng/lít nên việc tăng khoảng hơn 1.400 đồng mỗi lít cũng thể hiện nỗ lực kìm nén của Liên bộ. Dẫu vậy, việc giá xăng dầu tăng lần thứ 4 liên tiếp kể từ đầu tháng 9 đến nay là gánh nặng rất lớn cho doanh nghiệp.
Áp lực sẽ đè nặng đến hầu bao của từng người dân. Các tài xế, các shippers sẽ phải móc sâu túi hơn để trả chi phí cho giá nhiên liệu. Nếu áp lực từ giá xăng không được xả van thì dẫn đến tiền dịch vụ cho vận chuyển từng đơn hàng sẽ lớn hơn và người dân sẽ phải móc sâu hầu bao hơn để chi trả.
Chi phí logistics từ việc vận chuyển hàng từ nơi sản xuất ra thị trường cũng theo đó mà tăng dẫn đến vật giá tăng theo. Và nếu sau này giá xăng có giảm thì các mặt hàng trót tăng theo giá xăng để giảm xuống không. Sự thực là giá các tô hủ tíu hay ổ bánh mì phục vụ đại bộ phận người dân chỉ thấy tăng nương theo giá thịt tăng, giá xăng tăng chứ chẳng khi nào chịu giảm. Từ những thứ tăng có vẻ lặt vặt như vậy sẽ tạo ra mặt bằng giá mới và tạo ra lạm phát.
Phân tích lạm phát hay tác động đến kinh tế vĩ mô là câu chuyện dài nhưng trước mắt thì người đi xe tại Việt Nam sẽ phải chịu thêm giá xăng tăng và theo dự báo trong thời gian tới chưa thể giảm ngay vì dù giá thế giới giảm thì lại phải trích cho quỹ bình ổn xăng dầu đang cạn kiệt. Một anh shipper có thể sẽ phải làm thêm một cuốc xe, một chị bán số dạo có thể phải bớt mua một hộp sữa cho con… để bù vào khoản xăng tăng giá. Mệt thêm mệt.
Việc xăng tăng giá đã nóng đến nghị trường. Sáng nay, đại biểu Hoàng Văn Cường thừa nhận: “Rõ ràng, giá xăng dầu vừa qua tăng chưa phải là đỉnh của thế giới cũng như trong nước, tuy nhiên trong bối cảnh nền kinh tế của chúng ta hiện, sức chịu đựng của doanh nghiệp có hạn. Chúng ta đang trong quá trình phục hồi nên kinh tế sau đại dịch COVID-19, nếu giá xăng dầu tăng cao như hiện nay sẽ đẩy chỉ số tăng giá của các mặt hàng khác. Điều này ảnh hưởng không tốt đến quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch”.
Đại biểu Cưởng cũng cho rằng biện pháp ưu tiên nhất hiện nay là giảm thuế nhập khẩu, tiếp đến là các chính sách khác như trích quỹ bình ổn. Đồng thời, ông đề cập phí môi trường là điều cuối cùng mà chúng ta cần cân nhắc điều chỉnh bởi thuế môi trường còn ảnh hưởng đến việc điều tiết hành vi sử dụng xăng dầu.
Cảm ơn ông Hoàng Văn Cường đã nói hộ suy nghĩ của nhiều người. Việc xăng tăng theo giá dầu thế giới là điều mọi người đều hiểu và cảm thông. Nhưng việc xăng cõng nhiều thuế phí quá làm nhiều người tâm tư.
Hiện 1 lít xăng dầu bán ra phải gánh 4 loại thuế: Giá trị gia tăng (VAT, 10%), nhập khẩu (10%), tiêu thụ đặc biệt (10%) và bảo vệ môi trường (BVMT, từ 3.800 - 4.000 đồng/lít). Một số tính toán cho thấy mỗi lít xăng hiện đang gánh khoảng 64% thuế phí. Đặc biệt, khoản thuế về bảo vệ môi trường là nặng nhất trong mỗi lít xăng. Chưa biết khoản đó được dùng để bảo vệ môi trường ra sao nhưng theo đại biểu Cường thì thuế môi trường còn ảnh hưởng đến việc điều tiết hành vi sử dụng xăng dầu. Nói cách khác, thuế môi trường giúp giá xăng được đẩy lên cao để người sử dụng có ý thức tiết kiệm. Nhưng giờ thì có thể tìm cách tháo bớt gánh nặng của thuế này vì thật ra với mức giá cao như thời gian qua thì chẳng ai có ý định lãng phí tiền xăng cả.
Muốn giảm thuế phí và kể cả thuế bảo vệ môi trường thì Quốc hội có thể làm được. Do vậy, Quốc hội đang họp hoàn toàn có thể làm gì đó tác động lên chính sách giá xăng càng sớm càng tốt.
Trong thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nước ta đã chi các gói hỗ trợ hàng chục nghìn tỉ đồng từ ngân sách cho người dân ổn định sinh kế, cho doanh nghiệp ổn định sản xuất. Dù rất nỗ lực nhưng do nhiều yếu tố nên không phải mọi người dân và doanh nghiệp gặp khó đều được hưởng sự hỗ trợ của nhà nước. Nhưng giờ chúng ta có cơ hội để hỗ trợ đại bộ phận người dân một cách đơn giản hơn. Thay vì trích ngân sách hỗ trợ người dân thì tạm thời bớt thu vào ngân sách các khoản thuế, phí cũng là giúp người dân. Quan trọng hơn, huyết mạch trong kinh tế có thêm động lực để lưu thông và phục hồi sau COVID-19.
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”