Sài Gòn đã dỡ bỏ hết rào chắn vào ngày 1.10.2021, ai cũng mừng vui hết cỡ. Nhiều người bảo “mừng hết lớn”. Và sau những giờ phút phấn khích là thực tại thử thách.

Sau cơn mưa, trời vẫn chưa sáng

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng | 17/11/2021, 11:11

Sài Gòn đã dỡ bỏ hết rào chắn vào ngày 1.10.2021, ai cũng mừng vui hết cỡ. Nhiều người bảo “mừng hết lớn”. Và sau những giờ phút phấn khích là thực tại thử thách.

Hết phong tỏa, cứ tưởng mọi việc sẽ trở lại bình thường mới. Du lịch sẽ bung. Mọi người náo nức đón nhận. Khổ nỗi, hết phong tỏa chứ không phải hết dịch. Có người nửa đùa nửa thật là Sài Gòn hết phong tỏa vì đã hết cách. Cuộc sống và kinh tế dần hồi phục nhưng không thể bình thường như trước.

Như chim bị tên bắn nên sợ cành cong, người bệnh hiểm nghèo vượt qua cửa tử càng biết quý trọng cuộc sống, làm gì cũng cân nhắc. Gỡ phong tỏa, hết ức chế, tinh thần phấn chấn, dịch bệnh chỉ giảm bớt và giằng co chứ không chịu xuống đáy. Doanh nghiệp, quán xá hoạt động trở lại với những khó khăn mới.

Nguồn khách giảm sút. Nhân lực thiếu hụt không dám bổ sung vì dịch bệnh vẫn lây lan đáng ngại. Tái phong tỏa vẫn là nỗi ám ảnh thường trực. Chống dịch vẫn bất nhất.

Sở Công thương TP.HCM vừa đề nghị mở lại hàng quán bình thường (có bán rượu bia). Cùng lúc, Sở Y tế kiến nghị mở lại các khu cách ly và bệnh viện dã chiến. Một bên đóng vì dịch. Một bên mở vì dịch. Giờ cả hai cùng muốn mở để chung sống hòa bình?

Du lịch càng rối bời. Báo chí chỉ đưa tin điển hình nên rất khó nhân rộng. Toàn khách bao cấp, đủ điều kiện, có chỉ đạo từ trên; còn du khách bình thường rất khó thực hiện. Nhân viên các công ty lữ hành phải cập nhật tin tức chống dịch và quy định từng địa phương, cứ như cơ quan tác chiến nắm thông tin chiến sự. Du lịch làm sao hoạt động được khi chống dịch mỗi nơi một kiểu.

Đừng trách các địa phương làm trái Trung ương. Địa phương nào dám trái lệnh nếu chỉ thị 128 không giao quyền “chủ động, linh hoạt” cho các tỉnh thành? Các doanh nghiệp sản xuất dịch vụ tại chỗ có thể thích ứng qui định từng nơi. Du lịch thì chịu. “Du” là phải đi chứ không ngồi một chỗ. Ai dám đi khi quy định bất nhất và thay đổi mỗi ngày.

Du lịch nội địa khó hơn du lịch quốc tế. Các quốc gia có kế hoạch thống nhất, đón khách của nhau, còn các tỉnh thành Việt Nam quy định nhận khách mỗi nơi một kiểu. Dọc thông tin “Quảng Ninh khơi thông du lịch theo diễn biến dịch” là hết dám đi. Chỉ cần có F0 là cả đoàn được mời cách ly. Đã gọi là dã chiến thì đừng đòi hỏi tiện nghi và điều kiện sinh hoạt lẫn điều trị. Các khu cách ly vốn là cơ quan, trường học càng tệ.

Quốc sách “Sống chung với virus” của các nước đơn giản và thống nhất. Ai có bệnh thì điều trị, bệnh nặng thì vào viện chăm sóc, còn lại cứ hoạt động bình thường theo quy chuẩn 5K. Việt Nam cứ thích phức tạp hóa những việc đơn giản. Có nhà báo hỏi tôi: “Thái Lan tuyên bố, 3 năm nữa du lịch mới trở lại như trước dịch, vậy Việt Nam mất bao lâu?”. “Không biết được vì còn tùy thuộc nhiều thứ. Nếu chống dịch cứ chập chờn như hiện nay thì có khi phải 6 năm, thậm chí 10 năm!”.

Xem thông tin dịch bệnh, thấy Sài Gòn mỗi ngày trên dưới cả ngàn F0, ai cũng sợ. Sao dám mở cửa. Các tỉnh chỉ vài trăm, thậm chí vài chục là phát hoảng. Nên nhớ, dân số Sài Gòn thường gấp 5 – 10 lần các tỉnh nhưng F0 chỉ gấp đôi, gấp ba. Chưa kể, tỷ lệ tiêm chủng ở Sài Gòn gấp nhiều lần các tỉnh và việc các tỉnh vẫn lúng túng trong việc xử lý F0, F1 là điều dễ hiểu.

Bài toán cấp bách nhất hiện nay là làm sao phủ tiêm chủng đồng bộ tương đối toàn quốc, mới mong có kế hoạch chống dịch và mở cửa thống nhất được. Muốn làm được vậy, phải có nguồn vắc xin ổn định và tin cậy. Không biết vắc xin “Made in Việt Nam” tới đâu rồi? Trung ương quy định thống nhất mà địa phương được chủ động, linh hoạt thì cũng như không.

Doanh nghiệp du lịch dạo này bớt kêu, phần vì biết kêu quá cũng chẳng giải quyết được gì. Phải tự cứu mình theo cách riêng nếu không muốn tự chết. Sau mở cửa vài tuần, nhiều công ty mới nhận ra ý nghĩa của việc “Sống chung với virus”. Dịch bệnh không thể một sớm một chiều tàn lụi, kể cả việc tiêm chủng đủ liều.

Vấn đề là tự thích nghi. Sau gần 2 năm cầm cự, CEO công ty L. cho biết, quyết định mở bán các mặt hàng và dịch vụ online để tiếp tục tồn tại, đóng cửa văn phòng Cần Thơ. Điều an ủi và may mắn là chủ nhà vui vẻ, chưa có ý định lấy lại mặt bằng vì chưa chắc đã có người thuê. Chưa kể kiếm được người thuê phù hợp không dễ. Văn phòng đóng cửa nhưng khi cần tiếp khách, cứ thoải mái. Nghe mà ấm lòng, còn hơn cả kháng sinh chống dịch.

Chỉ còn gần 2 tháng nữa là Tết Nguyên Đán, mùa du lịch cao đỉểm nội địa nhộn nhịp nhất trong năm nhưng chưa công ty lữ hành nào dám gom dịch vụ. Từ vé máy bay, xe vận chuyển, phòng khách sạn đến hướng dẫn viên. Bởi không thể đoán trước được dịch bệnh diễn biến thế nào. Học sinh vẫn học online thì du lịch còn khó dài dài.

Muốn “Sống chung với virus” bình thường, phải có bản lĩnh, mà vaccine là “khí tài hiện đại”, có thể không chế được chúng. Còn sống chung mà tâm lý bất an, thiếu tự tin, làm gì cũng sợ thì quá khó và quá khổ.

Sau cơn mưa, trời vẫn chưa sáng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: 'Nếu để lỡ thời cơ là có lỗi với đất nước và nhân dân'
25 phút trước Sự kiện
Sáng 20.1 tại trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức gặp mặt các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Trung ương Đảng các khóa nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang 95 năm xây dựng, trưởng thành của Đảng (3.2.1930 - 3.2.2025); tri ân, tôn vinh đảng viên có nhiều công lao đóng góp cho Đảng, cho đất nước; thông tin về tình hình đất nước và chúc tết nhân dịp Xuân Ất Tỵ năm 2025.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sau cơn mưa, trời vẫn chưa sáng