Bị xương cá lóc có cạnh sắc nhọn mắc kẹt vào thực quản, người phụ nữ 62 tuổi cảm thấy khó nuốt, đau đớn và phải nhập viện.
Sau khi ăn cơm tối cùng gia đình với món cá lóc, bà T.T.L (62 tuổi, ngụ tỉnh Long An) hoảng hốt vì cảm thấy khó nuốt như có vật gì vướng trong cổ họng. Nghi ngờ bị hóc xương, bà L. đến một cơ sở y tế để thăm khám. Tuy nhiên, kết quả ghi nhận không phát hiện bất kỳ dị vật nào.
Mặc dù bà L. đã uống thuốc theo chỉ định nhưng tình trạng đau đớn không giảm mà tăng lên từng ngày. “Tôi chỉ ăn cơm cho qua bữa. Những cơn đau kéo dài khiến tôi không còn cảm giác ngon miệng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần”, bà L. nói.
Sau 6 ngày sống trong nỗi lo lắng và đau đớn, bà L. quyết định đến Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Long An kiểm tra. Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành thăm khám và chỉ định chụp X-quang. Kết quả cho thấy bệnh nhân có một dị vật hình que dài khoảng 25mm nằm ở thực quản trên. Đây là nguyên nhân gây ra tình trạng khó nuốt và nuốt đau.
Các bác sĩ tiến hành hội chẩn và tư vấn cho bệnh nhân thực hiện nội soi có tiền mê lấy dị vật để giảm kích thích và đảm bảo an toàn, do việc nội soi thông thường gây ra nhiều khó chịu, bệnh nhân dễ bị kích thích nôn ói.
Bác sĩ Lưu Đức Duy - Khoa Nội soi - cho biết trong quá trình nội soi, các bác sĩ đã phát hiện một mảnh xương cá lớn với kích thước khoảng 25x12mm, có 3 cạnh sắc nhọn cắm vào thực quản.
“Bệnh nhân này bị xương cá khá to có 3 đầu sắc nhọn cắm vào thực quản. Trong quá trình lấy xương cá, chúng tôi phải hết sức cẩn thận để tránh gây tổn thương thực quản người bệnh. Sau khi mảnh xương được lấy ra, người bệnh thấy thoải mái hơn, bớt đau và nuốt không vướng. Bệnh nhân được tiếp tục theo dõi tình trạng hồi phục và hướng dẫn chế độ ăn uống phù hợp. Hiện sức khỏe bệnh nhân đã tốt và được cho xuất viện”, bác sĩ Duy thông tin.
Theo bác sĩ Duy, dị vật thực quản là một vấn đề phổ biến trong quá trình ăn uống, thường gặp nhất là xương động vật như: cá, gia cầm và lợn. Dị vật có thể gặp ở bất kỳ vị trí nào trên ống tiêu hóa, từ thực quản đến hậu môn. Tùy vào vị trí nông, sâu mà dị vật sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và gây ra biến chứng. Nếu dị vật mắc ở vùng họng - thanh quản sẽ được thực hiện thủ thuật nội soi bằng đường miệng để gắp ra dễ dàng mà không cần phải gây mê.
Khi không xử lý kịp thời, xương sẽ di chuyển xuống phần ống tiêu hóa như: thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già… gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Xương đâm thủng thực quản sẽ gây loét thực quản, áp xe thực quản, thủng thực quản, rò thực quản, xuất huyết tiêu hóa, viêm trung thất, áp xe trung thất, thủng cung động mạch chủ, thậm chí gây tử vong.
Qua trường hợp trên, bác sĩ Duy khuyến cáo người dân nên cẩn thận trong quá trình ăn uống, đặc biệt là với thực phẩm có xương như thịt, cá. Loại bỏ tất cả xương trước khi ăn; với các xương giòn, nhỏ cần nhai kỹ, chậm rãi, không nên chủ quan. Đặc biệt với người già và trẻ nhỏ, phản xạ nhai nuốt kém hơn cần đặc biệt cẩn trọng.
Khi rơi vào các trường hợp như nuốt khó, nuốt đau, nuốt vướng, không nuốt được sau khi ăn, đau bụng âm ỉ kéo dài không giảm, hay bất cứu trường hợp đau bụng bất thường nào, người bệnh nên đến bệnh viện để các bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và có hướng điều trị kịp thời.