UBND TP.HCM đề nghị UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương khẩn trương báo cáo HĐND tỉnh xem xét, ban hành Nghị quyết (trước ngày 20.4) thống nhất chủ trương đầu tư dự án.
UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai và Bình Dương về báo cáo HĐND tỉnh xem xét, ban hành Nghị quyết thống chủ trương và cam kết đảm bảo cân đối, bố trí ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM.
Để đảm bảo tính pháp lý của Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trước khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 15 trong tháng 5.2022, UBND TP.HCM đề nghị UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương khẩn trương báo cáo HĐND tỉnh xem xét, ban hành Nghị quyết (trước ngày 20.4) thống nhất chủ trương đầu tư dự án; đồng thời cam kết đảm bảo cân đối, bố trí ngân sách địa phương đầu tư các dự án thành phần và phần vốn tăng thêm trong trường hợp điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án thành phần phù hợp với tiến độ thực hiện dự án.
UBND TP.HCM cũng cho biết, ngày 29.3, HĐND tỉnh Long An thông qua Nghị quyết thống nhất chủ trương đầu tư dự án và cam kết đảm bảo cân đối, bố trí đủ vốn ngân sách địa phương cho dự án đoạn qua tỉnh Long An. Tiếp đó, ngày 7.4, HĐND TP.HCM đã thông qua chủ trương đầu tư dự án và cam kết đảm bảo cân đối, bố trí vốn ngân sách TP cho dự án đoạn qua Thành phố.
Dự án Vành đai 3 do UBND TP.HCM là cơ quan chuẩn bị dự án (lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án). Dự án có chiều dài 76,34 km, đầu tư 4 làn xe cao tốc hạn chế; đường song hành mỗi bên từ 2 – 3 làn xe; phân chia thành 8 dự án thành phần và giao các địa phương gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An thực hiện.
Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 75.377 tỉ đồng, trong đó chi phí xây lắp và thiết bị khoảng 25.945 tỉ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư khoảng 41.589 tỉ đồng, còn lại là các chi phí khác. Vốn ngân sách giai đoạn 2021 – 2025 hơn 61.056 tỉ đồng, trong đó ngân sách trung ương hơn 31.380 tỉ đồng và ngân sách địa phương hơn 29.675 tỉ đồng.
Thời gian thực hiện dự án dự kiến từ năm 2022 đến năm 2027. Cụ thể, giai đoạn chuẩn bị dự án là năm 2022 – 2023; công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư triển khai từ quý 3/2022 và hoàn thành quý 2/2024. Dự án khởi công vào quý 4/2023, hoàn thành cơ bản tuyến cao tốc năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án năm 2026...
Trước đó, ngày 14.3, UBND TP.HCM đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh Đồng Nai, Long An, Bình Dương khẩn trương báo cáo HDND xem xét, ban hành Nghị quyết (trong tháng 3.2022) thống nhất chủ trương triển khai dự án; cam kết đảm bảo cân đối, bố trí ngân sách địa phương đầu tư các dự án.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, với đường vành đai 3 qua Bình Dương dài hơn 26km thì tỉnh này đã chủ động đầu tư và đưa vào sử dụng 15,3km. Hiện còn 10,76km chưa đầu tư với nhu cầu vốn khoảng 19.300 tỉ đồng, đã được Thủ tướng đồng ý phân bổ ngân sách trung ương và tỉnh theo tỉ lệ mỗi bên 50%.
Theo kế hoạch thì việc phân bổ vốn nói trên sẽ thực hiện trong giai đoạn 2022-2027. Tuy nhiên, để đẩy nhanh dự án, tỉnh Bình Dương kiến nghị đối với phần vốn của trung ương sẽ được bố trí trong hai năm 2023-2024. Phần vốn còn lại, tỉnh Bình Dương cũng sẽ quyết tâm bố trí để hoàn thành đường vành đai 3 đoạn qua địa bàn tỉnh trong năm 2024 (sớm hơn 3 năm).
Về phía Đồng Nai, thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai ngày 8.4 cũng đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị khẩn trương thực hiện quy trình xây dựng nghị quyết trình kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh xem xét, quyết định. Theo HĐND tỉnh Đồng Nai, việc này để đảm bảo nội dung thẩm định về nguồn vốn của báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, tạo điều kiện để các cơ quan trung ương kịp thời trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư vào tháng 5.2022.
Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai cho hay nội dung thẩm định nguồn vốn để xây dựng đường vành đai 3 đoạn qua địa bàn sẽ được trình HĐND tỉnh vào cuối tuần này.