Lời "khuyến cáo" về nước nếu không đảm bảo tài chính của Thủ tướng Úc giữa tâm dịch COVID-19 khiến nhiều người Việt chưa có thường trú nhân, thuộc hai dạng cảnh báo lo lắng. Giữa khó khăn do dịch COVID-19, mọi nơi phong tỏa, việc làm đóng cửa, nhiều người Việt khác cùng Đại sứ quán và các tổ chức sinh viên đã vào cuộc hỗ trợ thức ăn, nhu yếu phẩm cho ai đang khó khăn trong giai đoạn phong tỏa vì dịch COVID-19.

Sau khuyến cáo 'về nước' của Thủ tướng Úc, người Việt dang tay giúp đồng bào

05/04/2020, 15:21

Lời "khuyến cáo" về nước nếu không đảm bảo tài chính của Thủ tướng Úc giữa tâm dịch COVID-19 khiến nhiều người Việt chưa có thường trú nhân, thuộc hai dạng cảnh báo lo lắng. Giữa khó khăn do dịch COVID-19, mọi nơi phong tỏa, việc làm đóng cửa, nhiều người Việt khác cùng Đại sứ quán và các tổ chức sinh viên đã vào cuộc hỗ trợ thức ăn, nhu yếu phẩm cho ai đang khó khăn trong giai đoạn phong tỏa vì dịch COVID-19.

Thành viên của VASA tập kết gạo chuẩn bị mang đến nhà du học sinh - Ảnh: VASA

Đại sứ quán đã đề nghị phía Úc hỗ trợ

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phát thông tin về việc chính phủ Úc điều chỉnh chính sách đối với người nước ngoài. Theo đó, Bộ ngoại giao cho biết ngày 3.4.2020, nhiều báo Úc và quốc tế đưa tin Thủ tướng Scott Morrison khuyến cáo khách du lịch và sinh viên nước ngoài nên sớm rời Úc nếu không còn khả năng trang trải chi phí.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Đại sứ quán Việt Nam tại Úc đã chủ động trao đổi với các cơ quan chức năng sở tại để làm rõ nội dung phát biểu của Thủ tướng Scott Morrison. Theo đó, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chính phủ Úc khuyến cáo khách du lịch nước ngoài về nước nếu không tự lo được vấn đề tài chính. Đối với gần 600.000 du học sinh nước ngoài, Chính phủ Úc khuyến khích trông cậy vào hỗ trợ của gia đình, việc làm bán thời gian (cho phép tối đa 40 giờ trong 2 tuần) và từ nguồn tiết kiệm cá nhân để trang trải chi phí.

Đặc biệt những sinh viên đã ở Úc hơn 1 năm có thể xin rút tối đa 10.000 AUD từ quỹ hưu trí trong năm tài khóa hiện nay để phục vụ cuộc sống. Chính phủ Úc cũng sẽ tiếp tục làm việc với ngành giáo dục để thảo luận các biện pháp hỗ trợ khác cho sinh viên quốc tế.

Đại sứ quán Việt Nam đã phổ biến, làm rõ và hướng dẫn chính sách nói trên của Chính phủ Úc tới Hội sinh viên Việt Nam tại Úc, đồng thời phối hợp với Hội Người Việt Nam tại Úc động viên tinh thần cộng đồng người Việt tại đây để bà con yên tâm tiếp tục cuộc sống, công việc và học tập tại đây.

Trước đó, ngày 1.4, Đại sứ Việt Nam tại Úc Ngô Hướng Nam cùng các Đại sứ ASEAN tại Canberra đã gửi thư chung tới Bộ trưởng Giáo dục, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Australia - ASEAN và các Bộ trưởng Giáo dục và Việc làm của tất cả 6 tiểu bang và 2 vùng lãnh thổ của Australia đề nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng Úc có sự hỗ trợ phù hợp về sức khỏe thể chất và tinh thần cho sinh viên quốc tế phù hợp với hoàn cảnh dịch bệnh hiện nay.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Australia sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình, thường xuyên cập nhật các thay đổi chính sách đối với người nước ngoài của Chính phủ Úc, tình hình sức khỏe của người Việt Nam tại địa bàn và sẵn sàng tiến hành các biện pháp bảo vệ công dân cần thiết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người Việt Nam tại Úc.

Chuyển nhu yếu phẩm đến giúp sinh viên

Chị Tiến Nguyễn, thành viên Hội đồng của Hội sinh viên Việt Nam tại Úc (VASA), cho biết hiện tại chính phủ liên bang không có chương trình hỗ trợ tài chính cho khách du lịch và du học sinh. Tuy nhiên, chính phủ các tiểu bang và các trường học vẫn có thể tự đưa ra các động thái hỗ trợ, nếu nhận được kiến nghị từ số đông.

Từ lúc Thủ tướng Úc Scott Morisson đưa ra khuyến cáo (trong đó có nhấn mạnh rằng nếu du học sinh cảm thấy rằng không đủ khả năng sinh sống tại Úc thì nên về nhà và cả những người đang du lịch ở Úc cũng vậy), đã có nhiều du học sinh liên hệ đến VASA bày tỏ sự lo lắng. Theo chị Tiến, chưa có ai mong muốn về Việt Nam gấp bởi hầu hết họ đều chọn ở lại vì không muốn quay về, thêm gánh nặng cho nước nhà.

Gạo, mì, gia vị, xà phòng được chất lên xe - Ảnh: VASA

Chị Tiến nói: “Dư luận có một chút hiểu lầm từ khi khuyến cáo của ông Scott Morisson được đưa ra. Họ không có ý đuổi mà chỉ trả lời là họ không giúp được về tài chính. Vì lúc trước, nhiều phía đề xuất họ hỗ trợ tài chính. Hiện tại, VASA đã tổ chức đợt viện trợ đầu tiên cho các bạn du học sinh chưa có thường trú Úc (Permanent Resident). Mình biết các bạn ấy đang phải rất chật vật trong mùa dịch này".

"Bất cứ ai chưa vào thường trú có thể đăng ký nhận hỗ trợ qua mẫu trên Facebook của VASA hay các nhóm hội du học sinh, sinh viên người Việt tại Úc. Tụi mình chỉ hỗ trợ thức ăn và nhu yếu phẩm. Đợt 1 đã phát đi 300 phần tại Melbourne và hội đang chuẩn bị phát đợt thứ hai", chị Tiến thông tin.

Chuẩn bị chở thức ăn, nhu yếu phẩm đến nhà du học sinh - Ảnh: VASA

VASA đã quyên góp được 22.000 AUD trong đợt gần đây nhất từ các mạnh thường quân người Việt đang sinh sống tại Úc (những người đã có quốc tịch hoặc thường trú dân).

Với số tiền này, chị Tiến Nguyễn cho biết có thể đủ để tổ chức thêm đợt hỗ trợ thứ ba. Du học sinh, sinh viên nào khó khăn chỉ cần đăng ký, sẽ có người vận chuyển thực phẩm hỗ trợ đến tận nơi, an toàn và tránh tụ tập đông người.

Rau củ quả tươi Vietnamese Group love and share on Corona virus mang đến cho người Việt thất nghiệp - Ảnh: Hội sinh viên Việt Nam tại Melbourne

"Xin yên tâm, người Việt bên này rất nhiều người tốt"

Cộng đồng người Việt cũng đang có những động thái sẻ chia, hỗ trợ nhau hết mực để cùng vượt qua mùa dịch COVID-19.

Trên các nhóm, hội cộng đồng người Việt tại Úc, nhiều cá nhân đã tự nguyện mở các chương trình tặng thức ăn, nhu yếu phẩm không chỉ cho du học sinh mà còn cho những người lao động khó khăn.

Vietnamese Group love and share on Corona virus là cộng đồng người hảo tâm thường xuyên phát thức ăn miễn phí. Chị Thảo Hoàng, cư dân tại Melbourne, đã đăng bài trấn an mọi người ngay khi Thủ tướng Úc đưa ra khuyến cáo. Chị cho biết sẽ bắt đầu nấu cơm để phát miễn phí cho những ai cần giúp đỡ.

Một thông báo phát gạo miễn phí trên Group Hội sinh viên Việt Nam tại Melbourne - Ảnh: Hội sinh viên Việt Nam tại Melbourne

Chị Thảo Hoàng chia sẻ: “Quan điểm của mình vẫn là mọi người nên bình tĩnh ngồi im và chờ đợi. Một khi đã đưa ra lời khuyên nên hãy về nếu không đủ khả năng và điều kiện kinh tế để sống tại Úc vào thời điểm này, mình nghĩ sớm thôi chính phủ Úc sẽ kết nối với chính phủ Việt Nam để có chuyến bay đưa các bạn về".

"Điều tốt nhất mình thấy cần làm lúc này là cộng đồng người Việt tự giúp nhau trước và bảo bọc lấy nhau. Rất nhiều gia đình người Việt bên này đã góp tiền, góp gạo, nấu đồ ăn cho người khó khăn. Từ đầu tuần sau mình sẽ bắt đầu nấu ăn với số lượng khẩu phần lớn để tặng miễn phí cho những người Việt đang thất nghiệp, du học sinh khó khăn", chị Thảo Hoàng nói.

"Nhà mình ở ngoại ô Ringwood hơi xa nên mình sẽ mang vào trung tâm thành phố, để ở nhà bạn mình rồi đưa địa chỉ lên cho mọi người đến lấy. Xin hãy yên tâm là người Việt bên này rất nhiều người tốt. Họ sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ nhau. Đừng hoảng loạn, giận dữ với nước Úc vì dịch bệnh căng thẳng là điều không một ai mong muốn", chị tâm sự.

Chị Tiến Nguyễn cũng đưa ra lời khuyên: “Tại thời điểm này chúng ta chỉ nên bình tĩnh, cố gắng giúp đỡ tương trợ lẫn nhau. Trong trường hợp quá nhiều du học sinh thỉnh cầu xin về nước, hội sinh viên sẽ trao đổi với Đại sứ quán".

Những hành động nhỏ nhưng thiết thực chung tay của chị Tiến và những kiều bào ở Úc lúc này thật đáng trân quý và ý nghĩa. Mong rằng sự tương trợ lẫn nhau này sẽ luôn được tiếp tục đến với những hoàn cảnh đồng bào tạm khó khăn lúc này để vượt qua đại dịch COVID-19.

Theo Như Võ (Thanh Niên)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sau khuyến cáo 'về nước' của Thủ tướng Úc, người Việt dang tay giúp đồng bào