Bom tấn từ kinh đô điện ảnh thế giới Hollywood có tựa Đảo sọ hay Đảo đầu lâu (Kong: Skull island) đang tạo hiệu ứng mạnh mẽ cách tiếp thị hình ảnh quốc gia đối với Việt Nam trên thế giới. Người quản lý, khán giả, giới làm du lịch… ngất ngây với hình ảnh quê hương có mặt trên bộ phim giải trí của hãng phim lừng danh Warner Bros. Nhưng sau khi Kong lắng xuống, đừng chờ sung rụng.

Sau 'Kong: Skull island', Việt Nam đừng chờ sung rụng

14/03/2017, 06:58

Bom tấn từ kinh đô điện ảnh thế giới Hollywood có tựa Đảo sọ hay Đảo đầu lâu (Kong: Skull island) đang tạo hiệu ứng mạnh mẽ cách tiếp thị hình ảnh quốc gia đối với Việt Nam trên thế giới. Người quản lý, khán giả, giới làm du lịch… ngất ngây với hình ảnh quê hương có mặt trên bộ phim giải trí của hãng phim lừng danh Warner Bros. Nhưng sau khi Kong lắng xuống, đừng chờ sung rụng.

Một năm trước khi ê-kíp đoàn làm phim đến các địa danh ở Quảng Bình, Ninh Bình, Quảng Ninh cả thế giới mê điện ảnh dõi theo. Năm nay khi phim ra mắt ở 64 quốc gia và vùng lãnh thổ toàn cầu, Warner Bros tung liền 2 clip đặc biệt về Việt Nam, đây là động thái chưa từng có với bất cứ hãng phim nào trong lịch sử Hollywood ưu ái một quốc gia đến như thế.

Lý do để người ta lý giải là bởi Việt Nam quá đẹp và họ cần một nơi chưa bao giờ xuất hiện trong bất cứ bộ phim nào do các hãng ở Hollywood sản xuất. Trên thực tế đạo diễn Jordan Vogt-Roberts đã hết lời ca ngợi các cảnh quay, thiên nhiên, con người Việt Nam trong nhiều lần có cơ hội nói chuyện về đất nước này, cao trào của ông là tuyên bố sẽ bán nhà ở Mỹ, mua nhà tại TP. Hồ Chí Mính để sống và thực hiện một số dự án phim cùng các nghệ sĩ quốc tế cũng như Việt Nam.

"Tôi nghĩ hầu hết thế giới chưa biết đến Việt Nam đẹp lộng lẫy như thế nào. Những phong cảnh tuyệt vời này. Họ không biết chúng còn tồn tại. Quá đẹp, hãy nhìn mà xem. Thật khó mà tin được", đạo diễn Jordan Vogt-Roberts đã hết lời ca ngợi.

Từ năm 2016 đến nay, sau Kong chưa có dự án phim quốc tế lừng lững nào khẳng định vào Việt Nam để trở thành tâm điểm của truyền thông trong nước cũng như thế giới. Với Kong: Skull island có thể là “hữu xạ tự nhiên hương” nhưng khi phim lắng xuống, nó cũng chỉ mở ra một trào lưu nhất định về du lịch, không thể kéo dài vài năm đến vài chục năm lượng khách đầy ắp nếu vẫn cứ ngồi chờ sung rụng.

Hãy nhìn Thái Lan, từ năm 1960 khi điệp viên 007 được quay trên một hòn đảo nhỏ trong một vịnh lớn của nước này, người Thái đã xác định điện ảnh là cửa ngõ tiếp thị hình ảnh tốt nhất để đưa đất nước họ ra với thế giới. Từ đó dịch vụ phục vụ các dự án phim lớn với Hollywood được người Thái chú trọng và ngày nay Thái Lan nằm vào nhóm 5 nước về cung cấp các sản phẩm phục vụ điện ảnh tốt nhất trên thế giới bao gồm Mỹ, Anh, Canada, Nam Phi. Người Thái không chỉ cung cấp dịch vụ mà chính sách thuế cũng điều chỉnh phù hợp để thúc đẩy các dự án phim bom tấn quay tại đây. Mỗi bộ phim có ngân sách từ 1,5 triệu USD trở lên sẽ được hỗ trợ 15%, nếu phim lớn có nhân vật chính là diễn viên Thái Lan tham gia được hỗ trợ 3%, các phim đưa nổi bật hình ảnh quốc gia Thái Lan được hỗ trợ 2%, chưa kể các dịch vụ đón tiếp đoàn phim đúng chuẩn 5 sao. Đổi lại, dòng khách du lịch quốc tế đến Thái Lan nườm nượp, mỗi năm hàng loạt phim bom tấn đến với quốc gia này càng nhiều, nguồn thuế từ du khách chi trả được quay vòng để hỗ trợ điện ảnh đã tạo ra nền du lịch trị giá 70 tỉ USD mỗi năm, nuôi sống hàng chục triệu việc làm bản địa cũng như sự bền vững lâu dài.

Sát nách Việt Nam là Campuchia, từ kinh nghiệm những bộ phim lớn đầu tiên của Hollywood quay tại đây, chính sách thuế thúc đẩy quảng bá hình ảnh đất nước qua màn bạc các hãng phim nổi danh đã đưa Campuchia vào sự ưu tiên các dự án phim của nhiều hãng điện ảnh toàn cầu. Kết quả năm 2015 có 67 dự án phim quốc tế đóng máy ở đây, năm 2016 có 100 bộ phim chọn Campuchia làm bối cảnh, năm 2017, các dự án phim lớn của Mỹ, Pháp, Anh, Canada… cũng đổ về với Campuchia.

Trên thực tế, các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng đang có các chính sách sắc thuế tương tự để tạo ngõ ra cho hình ảnh quốc gia trên màn bạc đại chúng. Xa hơn, hùng mạnh như nước Mỹ với hệ thống truyền thông toàn cầu cũng chọn các hãng phim làm đối tượng quảng bá hình ảnh nước Mỹ ra thế giới bằng chính sách giảm thuế 25% cho mỗi bộ phim. Với Australia, chính phủ nước này hoàn thuế 16,5% cho các bộ phim quay ở trong lãnh thổ, giảm 30% làm hậu kỳ. Pháp và các nước châu Âu cũng có sắc thuế giảm 20% cho các bộ phim nước ngoài được quay ở đây. Kong: Skull island được giảm 25% thuế ở Mỹ, 16,5% thuế ở Australia với thời lượng hình ảnh quay chỉ 20% bối cảnh, còn lại 80% quay ở Việt Nam không nhận được sự giảm thuế nào.

Chính sách thuế kích thích điện ảnh quảng bá hình ảnh các nước ra với đại chúng toàn cầu đánh trực diện vào thị hiếu người xem phim, tạo ra làn sóng du lịch liên tục, vô số việc làm cho ngành công nghiệp không khói được hình thành, giảm nghèo và phát triển bền vững. Với Kong, đang tạo ra trào lưu “xách ba lô lên và đi” đến Quảng Bình, Ninh Bình, Quảng Ninh không chỉ với các bạn trẻ trong nước mà còn với du khách quốc tế, hiệu quả đầu tiên là hàng trăm hàng lữ hành thế giới đã lên tour xem quê hương của Kong.

Việt Nam phải tranh thủ nhiều hơn các hãng phim không phải bằng cách lôi cảnh đẹp ra chờ như câu cá dưới sông kiểu may rủi mà cần có chính sách thuế thông thoáng với các bộ phim, giảm thuế nhập khẩu máy móc công nghệ, giảm thu nhập cá nhân, hình thành thị trường hậu cần phục vụ các hãng phim tốt nhất mới có thể tạo hiệu ứng bền vững trên màn bạc thế giới như Thái Lan đã bền bỉ 40 năm qua.

Nếu vẫn ngồi chờ sung rụng thì chính sách thuế của Campuchia hay các nước láng giềng ngày mỗi tốt hơn cho điện ảnh thì cơ hội tiếp thị hình ảnh Việt Nam trong các bộ phim bom tấn của thế giới ngày mỗi trôi đi. Việc mời đạo diễn Kong: Skull island làm đại sứ du lịch đang là một tinh thần mới mẻ, nhưng các chính sách không triển khai đồng bộ từ Chính phủ, các nhà làm luật nhằm khơi thông kênh quảng bá cực kỳ quan trọng này thì các nước trong khu vực sẽ lại tiến xa hơn. Mexico để quảng bá hình ảnh của họ trong bom tấn của chuỗi phim điệp viên 007 với tựa sắp ra mắt: “James Bond 24 Spectre”, đã mạnh tay 14 triệu USD cho hãng Sony Pictures, họ thấy cơ hội Mexico ra với toàn cầu qua phim hành động này là cơ hội tốt, tạo hiệu ứng cho một Mexico lãng mạn hơn là tin tức bắt bớ các trùm ma túy.

Ê-kíp đoàn phim nói gì về phong cảnh Việt Nam:

Quốc Nam

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sau 'Kong: Skull island', Việt Nam đừng chờ sung rụng