TP.HCM hiện có nhiều dự án phát triển hạ tầng cần nguồn vốn rất lớn. Tuy nhiên, TP.HCM đang gặp nhiều khó khăn trong thực hiện các dự án do thiếu vốn.

Sau metro, hàng loạt dự án hạ tầng của TP.HCM có nguy cơ ‘đói vốn’

Phan Diệu | 30/04/2017, 07:09

TP.HCM hiện có nhiều dự án phát triển hạ tầng cần nguồn vốn rất lớn. Tuy nhiên, TP.HCM đang gặp nhiều khó khăn trong thực hiện các dự án do thiếu vốn.

Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM mới đây đã báo cáo UBND TP.HCM về công tác giải ngân và phân bổ ngân sách cho dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Theo đó, từ tháng 9.2016 đến nay, việc giải ngân vốn ODA cho các nhà thầu không được thực hiện do Trung ương không giao bổ sung kế hoạch vốn ODA năm 2016 và chưa giao kế hoạch vốn năm 2017.

Với tiến độ đang thi công, dự kiến TP.HCM cần hơn 5.200 tỉ đồng để thanh toán cho nhà thầu nhưng Trung ương chỉ phân bổ cho 2.100 tỉ đồng. Một số nhà thầu đã có văn bản đề nghị giãn tiến độ thi công trong tháng 4 và có thể sẽ dừng thi công tuyến metro số 1 nếu tiến độ giải ngân vẫn tiếp tục chậm trễ như hiện nay.

Như vậy, vốn ODA dự kiến bố trí không đáp ứng nhu cầu giải ngân của dự án. Trong khi đó, TP.HCM hiện còn rất nhiều dự án phát triển hạ tầng cần nguồn vốn rất lớn.

Cụ thể, đầu tháng 4.2017,UBND TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng chấp thuận để TP áp dụng cơ chế chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt đối với 12 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Những dự án hạ tầng giao thông quan trọng nói trên có tổng vốn đầu tư rất lớn, lên đến khoảng 66.220 tỉ đồng.

Tuy nhiên, đây chỉ là một số dự án cấp bách trong lĩnh vực giao thông, chưa nói đến nhiều dự án ở các lĩnh vực khác cũng đang “đói vốn” như lĩnh vực cấp thoát nước, văn hóa xã hội…

Theo một số chuyên gia kinh tế, TP.HCM sẽ gặp nhiều khó khăn trong thực hiện các dự án hạ tầng giao thông cấp bách và trọng điểm. Đặc biệt, việc điều tiết ngân sách để lại địa phương giảm từ 23% xuống còn 18% trong giai đoạn 2017 - 2020 sẽ càng khiến ngân sách TP.HCM thêm thiếu hụt.

Tính toán của Sở Tài chính TP.HCM cho biết việc tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP bị giảm 5% trong giai đoạn 2017 - 2020 sẽ làm cho ngân sách hụt khoảng 50.000 tỉ đồng, tức mỗi năm hụt khoảng 10.000 tỉ đồng

Trong khi đó, khảo sát của Sở này cho thấy từ năm 2015 đến 2030, TP.HCM cần 1 triệu tỉ đồng (tương đương 44 tỉ USD) để đầu tư cơ sở hạ tầng. Hiện tại, dù mở nhiều kênh thu hút vốn ngoài xã hội vào các dự án hạ tầng nhưng TP vẫn gặp rất nhiều khó khăntrong việc huy động nguồn vốn.

Đáng chú ý, mặc dù TP.HCM đang thiếu nguồn vốn lớn để thực hiện các dự án trọng điểm nhưng thị trường địa ốc TP.HCM lại rộ lên xu hướng “ăn theo”.Nhiều dự án bất động sản đang đổ xô về các dự án “trên giấy” để đón đầu lợi thế hạ tầng.

Đơn cử như các dự án “ăn theo” tuyến metro số 1, cầu Cần Giờ, cầu Cát Lái hay dự ánĐảo Kim Cương bám cây cầu bắc qua đảo… Trong số này, chỉ có tuyến metro số 1 đang thi công nhưng có khả năng ngưng lại do thiếu vốn, còn các dự án khác chỉ đang trình xin chủ trương, chưa được thông qua, chưa chọn được chủ đầu tư và chưa biết bao giờ mới có.

Đánh giá về vấn đề này, TS Đinh Thế Hiển cho rằng do TP.HCM phải điều tiết cho Trung ương thêm 5% ngân sách nên khả năng nhiều dự án hạ tầng đang triển khai tại địa phương này có thể rơi vào tình trạng thiếu vốn. Các dự án hiện tại mà TP đã trình Thủ tướng hay đã lên phương án triển khai cũng chỉ quy hoạch, vấn đề quan trọng nhất là phải dựa vào năng lực ngân sách. Chưa kể, trong lĩnh vực hạ tầng luôn xảy ra tình trạng chênh lệch giữa vốn khi lập dự án và vốn thực hiện. Hiện tại, chưa có giải pháp nào khả thi để khắc phục chênh lệch này.

Nguyên nhân là do quá trình lập dự án đến triển khai giải ngân kéo dài thời gian làm cho vốn trên thực tế tăng. Chưa kể, năng lực quản lý dự án còn yếu kém. Những khó khăn đó làm cho vốn bố trí dự án sẽ không đáp ứng được,và có nguy cơ ngưng trệ do thiếu vốn. Do vậy, các yếu tố này có thể khiến cho dự án vừa kéo dài vừa tăng lãng phí. Vấn đề này có thể lặp lại trong nhiều dự án hạ tầng khác.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Phân công ông Trần Thanh Mẫn điều hành hoạt động của Quốc hội
6 giờ trước Theo dòng thời sự
Ông Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thay ông Vương Đình Huệ vừa miễn nhiệm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sau metro, hàng loạt dự án hạ tầng của TP.HCM có nguy cơ ‘đói vốn’