Bà Anna Wintour vẫn làm tổng biên tập “vô thời hạn” tạp chí Vogue Mỹ, Nhà xuất bản Conde Nast mà Vogue trực thuộc, khẳng định.
Lời khẳng định này diễn ra sau khi có tin đồn rằng người đàn bà người Anh rất quyền lực trong giới thời trang, 68 tuổi, có thể sẽ nghỉ làm việc tại Nhà xuất bản và cũng là Công ty truyền thông Conde Nast sau gần 40 năm.
Nhưng theo thông cáo báo chí của giám đốc điều hành Conde Nast là Bob Sauerberg đưa ra vào ngày 1.8 thì bà Wintour là người “không thể thiếu” đối với công ty và sẽ tiếp tục làm giám đốc mỹ thuật của công ty.
Bà là “một nhà lãnh đạo sáng tạo với tầm ảnh hưởng vô cùng to lớn”, ông cho biết thêm.
Bà Anna, tổng biên tập tạp chí Vogue Mỹ trong ba thập niên, nổi tiếng vì là một trong số các nhân vật ảnh hưởng nhất và được kính trọng nhất của giới thời trang – nét đặc trưng của bà nằm ở kiểu tóc bob và kính đen.
Anna Wintour trở thành tổng biên tập Vogue Mỹ năm 1988 – Ảnh: Internet
Được nuôi dạy ở London, trong một gia đình có bố là người Anh và mẹ là người Mỹ, trước đây, bà là biên tập viên của tạp chí Vogue Anh trước khi nắm quyền điều hành ở Vogue Mỹ năm 1988.
Bà trở thành giám đốc mỹ thuật của Conde Nast năm 2013, và được phong tước quý bà hồi năm ngoái vì những đóng góp cho thời trang và báo chí.
Một số thay đổi dạo gần đây ở công ty – bao gồm sự điều chuyển biên tập viên lâu năm của tạp chí Vogue là Lisa Love sang vị trí xây dựng thương hiệu nội bộ - đã dấy lên tin đồn về sự ra đi tiềm năng của bà Wintour.
Các tin đồn ngày càng tăng cao khi bà Wintour tạm thời từ bỏ quyền kiểm soát để giao cho ca sĩ Beyonce sự tự do chưa có tiền lệ khi là biên tập viên khách mời cho số tạp chí tháng 9 năm nay.
Ngôi sao nhạc pop đã thuê Tyler Mitchell làm nhiếp ảnh gia da đen đầu tiên chụp hình bìa cho Vogue Mỹ trong lịch sử 126 năm của ấn phẩm.
Anna Wintour là tổng biên tập Vogue Mỹ gần 30 năm – Ảnh: Internet
Chuyện này diễn ra sau khi bổ nhiệm Edward Enninful là người đàn ông da đen đầu tiên làm tổng biên tập Vogue Anh, thay thế bà Alexandra Shulman sau 25 năm nắm quyền tổng biên tập.
Phát biểu với BBC, Enninful cho biết ông muốn sáng tạo một cuốn tạp chí đa dạng hơn, một cuốn tạp chí “cởi mở và thân thiện”.
Điều này trái ngược với phong cách quản lý vi mô khét tiếng của bà Wintour, được cho là nguồn cảm hứng cho nhân vật Miranda (do nữ diễn viên Meryl Streep đóng) trong bộ phim được ưa thích The Devil Wears Prada (Yêu nữ hàng hiệu) – dựa trên cuốn sách cùng tên do cựu trợ lý riêng của bà, Lauren Weisberger, viết.
Anna Wintour và Nữ hoàng Elizabeth tại Tuần lễ thời trang London mùa thu đông 2018 – 2019 – Ảnh: Internet
“Một hình tượng tiêu biểu” – Taylor-Dior Rumble, phóng viên mảng giải trí nhận xét
Kể từ khi trở thành tổng biên tập Vogue, bà Wintour trở thành một hình tượng tiêu biểu trong giới thời trang, khi tạp chí Forbes gọi bà là người đàn bà quyền lực nhất trong giới truyền thông và giải trí.
Bà đem đến cho tạp chí Vogue Mỹ sự đổi mới bằng cách chụp các người mẫu ít tiếng tăm và phối hợp những bộ quần không đắt tiền với thời trang cao cấp.
Anna Wintour tham gia dự Lễ trao giải thưởng kịch nghệ Tony 2018 – Ảnh: Internet
Năm 1989, bà Wintour đưa ca sĩ Madonna lên trang bìa, phá vỡ truyền thống đã tồn tại từ lâu đời khi chỉ có các người mẫu mới được xuất hiện ở vị trí này.
Bà được cho là đã đem những nhà thiết kế như Marc Jacobs và John Galliano lên vị trí hàng đầu trong làng thời trang, ủng hộ sự nghiệp của các nhà thiết kế và bắt đầu một hành trình đưa họ đến với cương vị siêu sao.
Là ủy viên của Bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan ở New York, bà phụ trách một trong những sự kiện xã hội độc quyền nhất trong lịch trình của các ngôi sao hạng A, Met Gala. Hàng năm, sự kiện sang trọng này thu về hàng trăm triệu USD cho bảo tàng và tôn vinh các khuynh hướng trên thế giới.
Mê Linh (theo BBC)