Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết dự kiến chương trình kỳ họp 6, Quốc hội khóa 14 sẽ bầu Chủ tịch nước ngay đầu kỳ họp.

Sẽ bầu Chủ tịch nước ngay đầu kỳ họp

Trí Lâm | 16/10/2018, 17:26

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết dự kiến chương trình kỳ họp 6, Quốc hội khóa 14 sẽ bầu Chủ tịch nước ngay đầu kỳ họp.

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 28, chiều 16.10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14.

Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp đã được gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội. Các ý kiến cơ bản nhất trí với dự kiến chương trình, đồng thời đề nghị một số vấn đề cụ thể.

Theo đó, bổ sung các nội dung trình Quốc hội: Bầu Chủ tịch nước; Xem xét, phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan; Xem xét, thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Chủ nhiệm Văn phòng Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết, tại kỳ họp lần này chưa bổ sung Báo cáo việc quản lý, sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo quy định tại Nghị quyết số 60/2018/QH14 của Quốc hội, do thời gian triển khai thực hiện Nghị quyết ngắn (3 tháng)nên chưa có nhiều thông tin để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Từ kỳ họp tháng 10.2019 sẽ yêu cầu Chính phủ báo cáo nội dung này.

Về dự kiến chương trình chi tiết kỳ họp, theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, trên cơ sở nghiên cứu các ý kiến đóng góp, chương trình công tác của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước,Quốc hội đã dự kiến điều chỉnh thứ tự, thời điểm xem xét một số nội dung cho phù hợp.

Cụ thể, Quốc hội bầu Chủ tịch nước ngay đầu kỳ họp để thuận tiện cho việc trình Quốc hội các nội dung thuộc thẩm quyền; Xem xét, quyết định nhân sự thành viên Chính phủ trước khi lấy phiếu tín nhiệm; Thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan trước ngày 13.11.2018; Thảo luận tại hội trường dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) vào sáng 25.10.2018.

Cùng với đó, không bố trí truyền hình, phát thanh trực tiếp phiên thảo luận ở hội trường các báo cáo về công tác tư pháp, phòng, chống tham nhũng, khiếu nại, tố cáo. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 24 ngày, bế mạc vào ngày 21.11.2018.

Về công tác chuẩn bị, Chủ nhiệm Văn phòng Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, các cơ quan hữu quan đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ chuẩn bị các nội dung bảo đảm yêu cầu, điều kiện đặt ra để kịp trình Quốc hội tại kỳ họp. Phần lớn các nội dung trình Quốc hội đều đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến nhưng đến nay vẫn còn một số tài liệu chưa được gửi đến đại biểu Quốc hội.

Riêng các nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, công tác nhân sự... được cho ý kiến tại phiên họp này, sau đó sẽ tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện để gửi đến đại biểu Quốc hội.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 14. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, về chất vấn và trả lời chất vấn, đề nghị các đại biểu Quốc hội chỉ hỏi đáp những nội dung xung quanh vấn đề chất vấn từ đầu nhiệm kỳ; hỏi ngắn, đáp gọn; tránh sa vào những vấn đề khác, giảm hiệu quả của quá trình chất vấn.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
13 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sẽ bầu Chủ tịch nước ngay đầu kỳ họp