Bộ phim tài liệu lôi cuốn ghi lại câu chuyện có thật về Freddy McConnell, người đàn ông chuyển giới gốc Anh, với mong mỏi được xây dựng mái ấm gia đình của riêng anh, bằng cách tự mình mang thai và sinh con.

‘Seahorse’: hành trình sinh con đầy xúc động của một người đàn ông chuyển giới

nhu y | 23/12/2019, 08:27

Bộ phim tài liệu lôi cuốn ghi lại câu chuyện có thật về Freddy McConnell, người đàn ông chuyển giới gốc Anh, với mong mỏi được xây dựng mái ấm gia đình của riêng anh, bằng cách tự mình mang thai và sinh con.

Nhà làm phim Jeanie Finlay đã có dịp khám phá đa dạng loại hình nhân vật, cốt truyện từ khi vào nghề. Nữ đạo diễn tài năng từng tham gia dàn dựng hàng loạt dự án phim đặc sắc như ‘Sound it Out’, ‘Game of Thrones: The Last Watch’, và ‘The Great Hip Hop Hoax’.

Nét nổi bật ở những đề cử tài liệu của cô xoay quanh tính liên kết cộng đồng, lòng nhân ái và bài học cuộc sống sâu lắng. Mặc khác, chủ thể trước ống kính không mang dấu ấn bị ‘bóc trần’ hay phán xét.

Tương tự, ‘Seahorse’, tác phẩm tài liệu mới nhất Jeanie thực hiện ẩn chứa nhiều giá trị nhân văn tươi đẹp. Phim kể về Freddy McConnell - người đàn ông chuyển giới khao khát tạo dựng gia đình nhỏ của riêng anh, bắt đầu bằng việc tự sinh con.

‘Seahorse’ phác họa một ‘hành trình’ tìm kiếm hạnh phúc riêng tư, dịu ngọt lẫn rung động, ‘theo chân’ Freddy vượt qua chặng đường gian khó không chỉ để sinh nở, mà còn nhằm học cách cùng lúc làm tròn vai trò cha và mẹ.

Cuối tháng 7.2019, nhân sự kiện phim công chiếu mở màn thành công tại châu Âu, trong khuôn khổ LHP tài liệu quốc tế Sheffield Doc/Fest (Sheffield, Anh), tạp chí HuckMag đã có cuộc trò chuyện thú vị cùng Freddy và Jeanie để thảo luận về bộ phim.

- Freddy, lần đầu xem phim, cảm giác của anh thế nào?

Freddy: Đó là một trải nghiệm ấn tượng. Kinh nghiệm mang thai của tôi rất khó khăn, khó hơn nhiều so với những gì tôi mường tượng ban đầu, và khi bắt đầu quay, tôi không chắc mọi thứ sẽ diễn tiến thế nào - có thể sẽ rất kinh khủng, khổ sở. Thế nên, được trông thấy bộ phim, nhìn thấy hiệu ứng tích cực nó tạo ra vốn trái ngược điều tôi e sợ, tôi đã bị bối rối.

- Vì sao anh muốn câu chuyện của anh được truyền tải lên màn ảnh?

Freddy: Tôi đã suy nghĩ suốt hàng năm trời, liệu tôi có thể xây dựng mái ấm gia đình riêng bằng cách nào, và sau cùng, tôi muốn chia sẻ với mọi người trải nghiệm đó. Khi tôi gặp Jeanie - chúng tôi có sự đồng nhất ý kiến ngay lập tức - về việc làm phim, nhưng không chỉ xuất phát từ chuyện tôi là người chuyển giới. Trên hết, cô ấy hiểu, đây là một bộ phim về gia đình.

- Jeanie, cô có nghĩ, là một đạo diễn, cô có trách nhiệm thực hiện tác phẩm này?

Jeanie: Mỗi tác phẩm đều đỏi hỏi sự kiên trì để hoàn thiện. Khi tiến hành quay, tôi cố không nghĩ quá nhiều đến khán giả. Bộ phim trước nhất cần tập trung xoay quanh những gì tôi cảm nhận về chủ thể chính, tiếp đó là phương thức truyền đạt câu chuyện của họ tới người xem.

- Cô có lo ngại điều gì trong khi thực hiện dự án?

Jeanie: Tôi có lo lắng. Chúng tôi tổ chức một cuộc họp khẩn, khi chúng tôi hỏi ý kiến lẫn nhau về việc nên tiến hành quay ra sao. May thay, bụng Freddy không quá lớn khi mang thai, và vì ngoại hình nam giới, mọi người thường nghĩ anh ấy đơn giản là có ‘chiếc bụng bia’. Khi tôi mang thai cặp song sinh, qua 12 tuần, bụng tôi khá lớn và kéo theo đó, nhiều người xung quanh thường thích đến xoa bụng tôi. Một điều khiến tôi thấy khó chịu.

Freddy: Tôi không phải đối diện vấn đề như thế. Trong thai kì, tôi không đề cập mấy đến chuyện mang thai, dẫu có máy quay xung quanh hay không. Đến sau ngày sinh, có lẽ chỉ khoảng hơn 10 người biết sự thật. Tôi hoàn toàn tách mình khỏi mạng xã hội. Tôi lo sợ sẽ trở thành chủ đề bàn tán, cho dù họ có đang quay phim về tôi hay không. Năm tôi mang thai đã có vài cá nhân với hoàn cảnh tương tự phải nhận làn sóng bàn tán tiêu cực.

- Liệu anh có nghĩ mình muốn hoàn tất bộ phim như một cách giành quyền thuật lại câu chuyện của bản thân?

Freddy: Tôi không hiểu lắm về chuyện tranh giành quyền lợi, vì ban đầu tôi không muốn quay một bộ phim chỉ xoay quanh bản thân. Tôi muốn thuật lại câu chuyện của tôi, nhưng quan trọng nhất, tôi muốn kể nó theo cách của riêng tôi, vào thời điểm thích hợp với tôi. Tôi hiểu có không ít ‘cạm bẫy’ liên quan đến những câu chuyện đời thường về cộng đồng người chuyển giới. Tôi muốn tránh kiểu trãi nghiệm đó. Trái với ấn tượng chung của công chúng, tôi muốn kể bạn nghe một câu chuyện với cái kết đẹp, nơi không ai phải tổn thương.

- Mối quan hệ giữa 2 người đã thay đổi thế nào khi cùng thực hiện tác phẩm? Hẳn nhiên Jeanie đã dành nhiều thời gian để hiểu về nhân vật chính của cô.

Jeanie: Tôi luôn muốn kết bạn với những chủ thể trước ống kính của tôi. Đến giờ, tôi đã làm quen với rất nhiều người bạn thông qua những dự án tôi cộng tác cùng họ. Tuy nhiên với Freddy, tôi nghĩ bản thân cảm thông, thấu hiểu anh ấy theo cách khó tả. Và cả con anh ấy, tôi yêu quý bé theo cách cũng thật đặc biệt, vì tôi đã ở đó từ đầu, quan sát từ lúc bé vừa thành hình đến khi chào đời.

Freddy: Tôi đã vật lộn rất nhiều, bất kể có chiếc máy quay nào xung quanh không. Tôi đã thấy một số nam giới chuyển giới mang thai - những người từng thảo luận về cách mang thai khiến họ thấy mạnh mẽ hơn - đủ để nghĩ rằng tôi không phải quá e dè. Nhưng cuối cùng, tôi nhận ra có vô số thử thách khác nhau chờ bạn.

- Cô và Freddy có kỳ vọng ‘Seahorse’ sẽ tạo sức hút, truyền tải một thông điệp tốt đẹp?

Jeanie: Chúng tôi hy vọng phim có thể tìm đến cộng đồng đồng tính và chuyển giới, giúp họ có cái nhìn khác đi so với nhiều tựa phim tài liệu gây shock về cùng đề tài. Chúng tôi mong muốn mang đến một câu chuyện khác biệt, không mang tính ‘bóc lột’ nhân vật hay chủ đề.

Freddy: Dĩ nhiên tôi mơ ước tác phẩm có thể đến với nhiều khán giả hơn. Nhưng trên hết, tôi kỳ vọng những khán giả LGBT khi xem phim sẽ không phải ‘căng người’ lo ngại về cái kết bi kịch. Với số đông công chúng, tôi không mong họ lập tức thấu hiểu cho cộng đồng chúng tôi - chỉ cần bạn dành 90 phút để dõi theo cuộc sống thường nhật của một người chuyển giới, là đã đủ. Tôi nghĩ vấn đề lớn nhất là ‘sợi dây’ cảm thông. Tôi hy vọng ‘Seahorse’ có thể tạo cảm hứng giúp mọi người nhận thức và xoa dịu tư duy kỳ thị. Sự gần gũi sẽ giúp xóa đi định kiến.

Như Ý (Theo: HuckMag)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Seahorse’: hành trình sinh con đầy xúc động của một người đàn ông chuyển giới