Sau tết bắt đầu là thời điểm của lễ hội diễn ra trên cả nước, nhu cầu đi lại, tiêu dùng thực phẩm, ăn uống, đồ mua sắm phục vụ lễ hội đầu năm có xu hướng tăng.

Siết chặt việc niêm yết giá các dịch vụ sau tết

tuyetnhung | 21/02/2018, 20:57

Sau tết bắt đầu là thời điểm của lễ hội diễn ra trên cả nước, nhu cầu đi lại, tiêu dùng thực phẩm, ăn uống, đồ mua sắm phục vụ lễ hội đầu năm có xu hướng tăng.

Trước thực trạng trên, để bình ổn thị trường, giá cả trong tháng 3 và quý 2/2018, Bộ Tài chính ngày 21.2 đãđưa ra nhiều biện pháp bình ổn thị trường giá cả sau Tết Mậu Tuất 2018. Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết sẽ theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả, thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn thị trường, giá cả nhất là những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng sau tết của người dân để kịp thời chỉ đạo và có biện pháp xử lý, tránh để xảy ra hiện tượng tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.

Tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá gắn với kiểm tra chấp hành pháp luật về thuế, phí (nhất là dịch vụ tham quan, du lịch, dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, ôtô). Quản lý chặt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết các mặt hàng có nhu cầu tăng cao sau tết. Theo báo cáo của các địa phương thì cơ bản giá dịch vụ trông giữ xe vẫn ổn định so với các ngày trước tết, tuy nhiên vẫn có một số điểm trông giữ xe tự phát đã tăng giá vào đầu năm mới tại các điểm đền chùa lớn với mức tăng phổ biến từ 5.000-10.000 đồng/xe máy và 20.000 – 30.000 đồng/xe ô tô so với giá trước tết.

Kiểm tra các quy định về đảm bảo an toàn giao thông, chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải tổ chức tốt công tác vận tải để phục vụ đủ nhu cầu đi lại cho người dân trong dịp lễ hội đầu năm; yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải công bố và niêm yết công khai mức giá cước theo đúng quy định hiện hành.

Quản lý, điều hành giá các mặt hàng Nhà nước còn định giá, mặt hàng bình ổn giá (xăng dầu, dịch vụ sự nghiệp công, sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi...) theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước bảo đảm mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2018.

Bộ Tài chính cho biết thêm tháng 2 là tháng Tết Nguyên đán Mậu Tuất, cơ bản giá cả thị trường không có biến động bất thường và mức độ tăng thấp hơn Tết năm trước, một phần do nguồn hàng của các đơn vị kinh doanh dồi dào cùng với nhiều chương trình khuyến mại giảm giá của nhiều doanh nghiệp, góp phần ổn định giá cả thị trường trong dịp tết năm nay.

Tại các chợ truyền thống, giá các mặt hàng thiết yếu, phục vụ cúng lễ chỉ tăng vào các ngày cận tết và đã dần trở lại bình thường vào ngày mùng 4, 5 Tết. Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, mức giá cơ bản được giữ ổn định; đối với cửa hàng trực thuộc của các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, doanh số bán ra tăng cao so bình thường và so cùng kỳ năm ngoái.

Tết Nguyên đán năm nay, thành phố Hà Nội đã triển khai chương trình bình ổn giá cả thị trường, có 18 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình với 1.300 điểm bán hàng, 2 tổ chức tín dụng tham gia cho vạy lãi suất ưu đãi với số vốn 2.100 tỉđồng. Thành phố đã tập trung tổ chức 10 phiên chợ bán hàng Việt, 300 chuyến hàng lưu động, tổ chức tháng khuyến mại Hà Nội năm 2017... Thành phố cấp phép cho 111 chuyến xe chở hàng hóa thiết yếu, xăng dầu hoạt động 24/24 trong khu vực nội thành để bảo đảm vận chuyển, lưu thông hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2018. Ước tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết 2018 đạt 26.000 tỉ đồng, tăng 10% so với Tết Đinh Dậu 2017.

Tại TP.HCM, các doanh nghiệp tham gia trong chương trình Bình ổn thị trường đã hoàn tất kế hoạch cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Mậu Tuất năm 2018. Lượng hàng chuẩn bị tăng 12% - 15% so kế hoạch thành phố giao và tăng 20% - 30% so kết quả thực hiện Tết Đinh Dậu 2017.

Các doanh nghiệp, đơn vị đóng tại Đà Nẵng đã chủ động đăng ký dự trữ các mặt hàng thiết yếu phục vụ thị trường những tháng cuối năm và dịp Tết 2018 với tổng giá trị trên 829,5 tỉ đồng.

Tại Cần Thơ, nhu cầu hàng hóa phục vụ Tết tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu như gạo (6.742 tấn), thịt lợn (2.250 tấn), thịt bò (665,7 tấn), thịt gia cầm (870 tấn), cá (2.100 tấn), bia (1.900 thùng), xăng dầu (187.000 m3)... với tổng trị giá 4.850 tỉ đồng. Đã có 9 doanh nghiệp tham gia bình ổn trên địa bàn với trị giá nguồn hàng dự trữ là 403 tỉ đồng.

Ngoài Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, nhiều tỉnh thành phố đã triển khai Chương trình bình ổn thị trường như: Hải Phòng, Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Ninh Thuận, Tiền Giang, Phú Thọ, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Nam Định, Cà Mau, Quảng Trị, Bình Dương...

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Phương án tổ chức thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024
2 phút trước Giáo dục
Bộ GD-ĐT vừa ban hành hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Siết chặt việc niêm yết giá các dịch vụ sau tết