Siêu bão Yagi, cơn bão nhiệt đới mạnh thứ hai thế giới trong năm 2024, đã gây thiệt hại nặng nề cho một cảng vũ trụ mới xây dựng của Trung Quốc ở tỉnh đảo Hải Nam.
Nhịp đập khoa học

Siêu bão Yagi hủy hoại cảng vũ trụ mới của Trung Quốc ở tỉnh Hải Nam

Sơn Vân 09/09/2024 22:30

Siêu bão Yagi, cơn bão nhiệt đới mạnh thứ hai thế giới trong năm 2024, đã gây thiệt hại nặng nề cho một cảng vũ trụ mới xây dựng của Trung Quốc ở tỉnh đảo Hải Nam.

Hôm 6.9, Yagi, với sức gió khoảng 245km/h gần tâm bão, đã đổ bộ vào Văn Xương - thành phố có một số cơ sở vũ trụ, gồm cả trung tâm phóng thương mại quốc tế đầu tiên của Trung Quốc. Đó là Trung tâm Siêu máy tính Hàng không Vũ trụ Văn Xương.

Địa điểm này có hai tháp phóng. Một tháp chuyên phục vụ tên lửa Trường Chinh 8 của chính quyền Trung Quốc. Trong khi tháp còn lại phục vụ cả tên lửa công cộng và tư nhân, gồm tên lửa Trường Chinh 12 dự kiến ​​sẽ ra mắt cuối năm nay.

Hôm 7.9, Phó thị trưởng thành phố Văn Xương, Wei Bo, cho biết siêu bão Yagi đã gây ra "mối đe dọa nghiêm trọng" với các cơ sở và thiết bị tại trung tâm vũ trụ thương mại nhưng công tác phục hồi khẩn cấp đang được tiến hành.

Một phát ngôn viên của Trung tâm Siêu máy tính Hàng không Vũ trụ Văn Xương nói với trang SCMP rằng phần lớn thành phố bị ngập lụt và mất điện, nhưng hầu hết thiết bị và cơ sở vật chất của trung tâm vẫn còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, một nhân viên tại Trung tâm Siêu máy tính Hàng không Vũ trụ Văn Xương, phát biểu với điều kiện giấu tên, cho biết một số thiết bị điện tử đã bị hư hỏng do lũ lụt.

Trong khi đó, một bài báo được đăng tải hôm 8.9 bởi Hainan International Commercial Aerospace Launch Co Ltd, đơn vị điều hành Trung tâm Siêu máy tính Hàng không Vũ trụ Văn Xương, cho biết một số cửa ra vào và cửa sổ tại cơ sở này đã bị vỡ, còn lũ lụt trong phòng điều khiển chính làm hỏng nghiêm trọng máy tính và màn hình hiển thị.

Tuy nhiên, bài báo tiết lộ tên lửa Trường Chinh 12 tại địa điểm này không bị hư hại.

Yang Tianliang, Chủ tịch Hainan International Commercial Aerospace Launch Co Ltd, nói với Đài truyền hình trung ương CCTV hôm 8.9 rằng tháp phóng số 1 (được thiết kế đặc biệt để phục vụ tên lửa Trường Chinh 8) vẫn còn nguyên vẹn nhưng cho biết cần phải tiến hành kiểm tra chi tiết.

Ông nói tên lửa Trường Chinh-8A vừa hoàn thành một lần phóng thử nghiệm và đã được đưa trở lại kho trước khi cơn bão ập đến.

Yang Tianliang nói rằng các nhân viên "thực sự căng thẳng" khi siêu bão Yagi tiến đến gần nhưng trung tâm này được thiết kế để ứng phó với loại thời tiết khắc nghiệt như vậy.

Rộng khoảng 54 ha (133 mẫu Anh), Trung tâm Siêu máy tính Hàng không Vũ trụ Văn Xương sẽ đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm xây dựng các chòm sao vệ tinh riêng, tương đương Starlink của SpaceX.

Công việc xây dựng tại địa điểm này bắt đầu vào tháng 7.2022 và hoàn thành trong vòng chưa đầy hai năm. Trung tâm Siêu máy tính Hàng không Vũ trụ Văn Xương chính thức hoạt động vào tháng 7, với nhiệm vụ đầu tiên được lên lịch cuối năm nay.

Yang Tianliang cho biết siêu bão Yagi ​​sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động và vụ phóng tên lửa đầu tiên sẽ diễn ra trong vòng hai tháng tới.

sieu-bao-yagi-huy-hoai-cang-vu-tru-moi-cua-trung-quoc-o-tinh-hai-nam.jpg
Siêu bão Yagi đã gây thiệt hại nặng nề cho Trung tâm Siêu máy tính Hàng không Vũ trụ Văn Xương - Ảnh: SCMP

Cuối tháng 11.2023, Trung Quốc tuyên bố đã hoàn thành việc thiết lập ban đầu mạng lưới liên lạc vệ tinh quỹ đạo Trái đất tầm cao đầu tiên, dự kiến sẽ cung cấp dịch vụ internet vệ tinh nhanh chóng trong biên giới của mình và ở một số quốc gia thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Theo một chuyên gia truyền thông ở Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc), dự án này có thể là giải pháp thay thế cho Starlink.

Tờ Tân Hoa Xã đưa tin China Aerospace Science and Technology Corporation (Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc), công ty mẹ của nhà khai thác vệ tinh, cho biết mạng lưới này sẽ cung cấp dịch vụ internet cho các ngành công nghiệp từ hàng không, điều hướng đến các dịch vụ khẩn cấp và năng lượng.

Mạng này bao gồm các vệ tinh có khả năng truyền tải cao như ChinaSat 16, 19 và 26. Theo nhà điều hành mạng, các vệ tinh bao phủ Trung Quốc cùng các khu vực của Nga, Đông Nam Á, Mông Cổ, Ấn Độ, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, gồm cả phần lớn khu vực nằm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Sáng kiến Vành đai và Con đường là chiến lược của Trung Quốc nhằm tăng cường liên kết và kết nối cơ sở hạ tầng trên khắp châu Á, châu Phi, châu Âu.

Tổng công suất các vệ tinh có khả năng truyền tải cao của Trung Quốc được cho sẽ vượt quá 500 Gbps vào năm 2025.

Trung Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên cung cấp smartphone có tính năng gọi vệ tinh vào mùa hè năm ngoái khi gã khổng lồ công nghệ Huawei ra mắt điện thoại 5G kết nối với các vệ tinh có quỹ đạo tầm cao 36.000 km.

Sun Yaohua, Phó giáo sư về khoa Kỹ thuật thông tin và Truyền thông tại Đại học Bưu chính Viễn thông Bắc Kinh, cho biết do khoảng cách xa so với mặt đất nên các vệ tinh có quỹ đạo tầm cao nằm ở vị trí tương đối cố định so với thiết bị kết nối với chúng, do đó mỗi vệ tinh có phạm vi bao phủ rộng hơn nhiều so với các vệ tinh có quỹ đạo tầm thấp.

Sun Yaohua đã so sánh mạng vệ tinh quỹ đạo tầm cao của Trung Quốc với Starlink, bao gồm cả các vệ tinh quỹ đạo tầm thấp được sản xuất hàng loạt. Ông cho biết mạng vệ tinh quỹ đạo tầm cao của Trung Quốc yêu cầu ít vệ tinh hơn để phủ sóng và không gặp vấn đề gì khi một thiết bị được kết nối chuyển đổi giữa các vệ tinh, mang lại độ ổn định cao hơn.

Mạng Starlink cung cấp dịch vụ vệ tinh internet tốc độ cao, chi phí thấp. Starlink hiện có hơn 6.350 vệ tinh trên quỹ đạo Trái đất tầm thấp 550 km.

“Các vệ tinh có quỹ đạo tầm thấp có lợi thế là tốc độ liên lạc cao hơn và độ trễ tải truyền thấp, nhờ có ít mất tín hiệu trên quãng đường ngắn hơn. Chúng được đặt ở vị trí thuận lợi hơn cho các hoạt động kinh doanh như video HD trực tuyến và giao dịch tài chính. Hệ thống quỹ đạo tầm thấp cũng có một mạng lưới linh hoạt hơn, không phụ thuộc vào một vệ tinh duy nhất và có thể tiếp tục hoạt động nếu một vệ tinh bị hỏng. Song nếu một vệ tinh có quỹ đạo tầm cao bị hỏng, nó sẽ ảnh hưởng lớn đến toàn bộ mạng lưới”, Sun Yaohua nói.

Ông nói thêm rằng chi phí của một vệ tinh quỹ đạo tầm thấp sẽ ít hơn nhiều, đặc biệt là khi SpaceX có thể tận dụng việc sản xuất vệ tinh hàng loạt để bổ sung vào chòm sao Starlink.

“Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các vệ tinh quỹ đạo tầm cao và quỹ đạo tầm thấp sẽ là xu hướng chung toàn cầu trong tương lai. Trong đó vệ tinh quỹ đạo tầm cao sẽ là xu hướng chung để phủ sóng cơ bản và vệ tinh quỹ đạo thấp sẽ nâng cao hoạt động hoặc khu vực. Hệ thống vệ tinh quỹ đạo tầm cao của Trung Quốc tương đối phát triển. Những vệ tinh quỹ đạo tầm thấp vẫn đang phát triển và chắc chắn sẽ mạnh mẽ hơn trong tương lai”, Sun Yaohua cho biết thêm.

Cũng theo Sun Yaohua, Trung Quốc sẽ cần đầu tư vào mạng vệ tinh quỹ đạo tầm thấp để triển khai công nghệ 6G và cạnh tranh với các vệ tinh Starlink trong việc sử dụng không gian, vì quỹ đạo vệ tinh và tần số vô tuyến là nguồn tài nguyên “đến trước được phục vụ trước”.

“Việc vận hành và quản lý hệ thống vệ tinh rất phức tạp. Kinh nghiệm cần được tích lũy qua thực tế. Mạng lưới vệ tinh quỹ đạo tầm cao này sẽ không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân Trung Quốc liên lạc trong các quốc gia thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường mà còn cung cấp kinh nghiệm trong việc bảo trì và vận hành hệ thống vệ tinh. Điều này quan trọng với sự phát triển trong tương lai của internet vệ tinh Trung Quốc”, Sun Yaohua nói.

“Mức độ tàn phá của siêu bão Yagi ở Trung Quốc vượt xa tưởng tượng”

Siêu bão Yagi khiến 4 người thiệt mạng, 95 người bị thương và gây ảnh hưởng tới hơn 526.000 người ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc.

Quan chức tỉnh Hải Nam cho biết tác động và sức tàn phá của bão Yagi vượt xa tưởng tượng, gây thiệt hại 11,9 tỉ nhân dân tệ (khoảng 1,67 tỉ USD) cho ngành nông, ngư nghiệp tỉnh này, trong đó hơn nửa là thiệt hại về ngành đánh bắt cá. Yagi gây thiệt hại mùa màng với phạm vi khoảng 94.200 ha.

Tính đến tối 8.9, 1.030 trường tiểu học và trung học, 14 trường cao đẳng và 17 trường dạy nghề trong tỉnh Hải Nam đã khôi phục nước và điện. Trong số 1.202 khu chung cư bị ảnh hưởng, điện đã được khôi phục tại 715 khu. Lãnh đạo ngành viễn thông đặt mục tiêu khôi phục dịch vụ trên toàn tỉnh vào ngày 10.9.

Đây là cơn bão mạnh nhất từng đổ bộ vào Trung Quốc trong mùa thu, đồng thời là cơn bão mạnh thứ tư từng đổ bộ vào Trung Quốc kể từ năm 1949.

"Sự tàn phá và tác động của nó vượt xa sức tưởng tượng, cực kỳ thảm khốc, gây ra thiệt hại đáng kể về tính mạng cũng như tài sản của người dân", theo Pan Shaoli, Giám đốc Sở Ứng phó Tình trạng Khẩn cấp tỉnh Hải Nam.

Tập đoàn Dầu khí và Hóa chất Trung Quốc cho biết nhà máy lọc dầu của họ ở tỉnh Hải Nam bị hư hại, nhưng không đề cập tác động đến sản lượng.

Cơn bão cũng phá hủy một số tuabin gió ở gần Văn Xương. Thiết bị này thuộc dự án đang trong quá trình xây dựng và không ảnh hưởng đến nguồn cung cấp điện địa phương. Thiệt hại được ước tính ở mức dưới 100 triệu nhân dân tệ (14 triệu USD).

Bão Yagi đổ bộ vào khu vực ven biển thành phố Văn Xương từ chiều 6.9 và giảm dần tác động vào sáng sớm 7.9. Văn Xương là thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, trong khi thành phố Hải Khẩu và các khu vực khác cũng chịu những tác động đáng kể. Tại Quảng Đông, Yagi quét qua vào đêm 6.9 khi vẫn ở cấp độ siêu bão.

Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc (NMC) đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường nỗ lực phòng ngừa lũ có nguy cơ xảy ra ở các con sông cũng như lũ quét, sạt lở đất, ngập úng ở cả khu vực thành thị và nông thôn.

Sau khi đi qua Trung Quốc, Yagi đã đổ bộ vào Việt Nam chiều 7.9, quét qua nhiều tỉnh thành như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội... gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão, từ đêm 8.9 đến rạng sáng 9.9, nhiều tỉnh miền Bắc có mưa to đến rất to, nhiều sông suối trên địa bàn các tỉnh nước dâng cao gây ngập lụt.

Bài liên quan
Trung Quốc gia cố Trạm vũ trụ Thiên Cung bằng lớp giáp bổ sung sau vụ nổ vệ tinh của Nga
Hai phi hành gia tàu Thần Châu-18 đã hoàn thành chuyến đi bộ ngoài không gian để gia cố Trạm vũ trụ Thiên Cung bằng lớp giáp bảo vệ bổ sung sau khi vụ nổ một vệ tinh Nga tạo ra hàng loạt mảnh vỡ không gian vào tuần trước.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 phút trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Siêu bão Yagi hủy hoại cảng vũ trụ mới của Trung Quốc ở tỉnh Hải Nam