Hai phi hành gia tàu Thần Châu-18 đã hoàn thành chuyến đi bộ ngoài không gian để gia cố Trạm vũ trụ Thiên Cung bằng lớp giáp bảo vệ bổ sung sau khi vụ nổ một vệ tinh Nga tạo ra hàng loạt mảnh vỡ không gian vào tuần trước.
Nhịp đập khoa học

Trung Quốc gia cố Trạm vũ trụ Thiên Cung bằng lớp giáp bổ sung sau vụ nổ vệ tinh của Nga

Sơn Vân 05/07/2024 15:10

Hai phi hành gia tàu Thần Châu-18 đã hoàn thành chuyến đi bộ ngoài không gian để gia cố Trạm vũ trụ Thiên Cung bằng lớp giáp bảo vệ bổ sung sau khi vụ nổ một vệ tinh Nga tạo ra hàng loạt mảnh vỡ không gian vào tuần trước.

“Chuyến đi bộ ngoài vũ trụ chủ yếu tập trung vào việc lắp đặt các thiết bị bảo vệ trên các dây cáp và đường ống bên ngoài để giảm thiểu rủi ro do các vụ va chạm mảnh vỡ vũ trụ tiềm ẩn, tăng cường sự an toàn và ổn định lâu dài của trạm vũ trụ”, Liu Ming, thuộc Tập đoàn Khoa học Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc, nói trong một cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình trung ương CCTV.

Theo Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ, một vệ tinh quan sát Trái đất cũ của Nga là Resurs-P1 đã phát nổ trên quỹ đạo vào ngày 26.6, tạo ra hơn 100 mảnh vỡ có thể theo dõi được.

Sự cố này khiến trung tâm điều khiển sứ mệnh của NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ) tại thành phố Houston (bang Texas, Mỹ) chỉ đạo 6 phi hành gia Mỹ trên Trạm Vũ trụ Quốc tế thực hiện các thủ tục "trú ẩn an toàn" để giảm thiểu rủi ro từ mảnh vỡ, dù không rõ liệu điều này có ảnh hưởng đến các biện pháp bảo vệ của Trung Quốc với trạm vũ trụ Thiên Cung hay không.

Với chuyến đi bộ ngoài không gian ngay trước 23 giờ tối hôm 3.7 theo giờ Hồng Kông, một cánh tay robot đã di chuyển phi hành gia Li Cong đến địa điểm thiết bị bên ngoài trạm. Phi hành gia Ye Guanfu đi theo, giao các thiết bị và dụng cụ cần thiết cho Li Cong.

Sau đó, Ye Guanfu leo dọc theo bên ngoài trạm đến địa điểm làm việc, nơi anh giúp Li Cong lắp đặt các thiết bị bảo vệ. Trong khi đó, phi hành gia khác là Li Guansu giám sát cánh tay robot từ mô-đun lõi Thiên Hòa và hỗ trợ.

Khi hoàn tất quá trình cài đặt, Li Cong sử dụng cánh tay robot để di chuyển đến điểm kiểm tra, nơi anh sử dụng camera trên mũ bảo hiểm để khảo sát và chụp ảnh tình trạng bề mặt của payload adaptor.

Payload adaptor (bộ chuyển tiếp tải trọng) là một thiết bị cơ học được sử dụng để kết nối tàu vũ trụ với tải trọng. Tải trọng có thể là vệ tinh, tàu vũ trụ, hoặc các thiết bị khoa học khác. Payload adaptor đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự an toàn và ổn định của tải trọng trong quá trình phóng và bay trong vũ trụ.

Chức năng chính của payload adaptor

Kết nối: Payload adaptor kết nối tàu vũ trụ với tải trọng bằng cách sử dụng các khớp nối và bu lông chắc chắn.

Giao tiếp: Payload adaptor cung cấp các đường truyền điện và dữ liệu để giao tiếp giữa tàu vũ trụ vớ tải trọng.

Cung cấp nguồn điện: Payload adaptor có thể cung cấp nguồn điện cho tải trọng từ hệ thống điện của tàu vũ trụ.

Cơ cấu triển khai: Một số payload adaptor có cơ cấu triển khai để triển khai tải trọng vào quỹ đạo sau khi tàu vũ trụ được phóng.

Hai phi hành gia đi bộ ngoài không gian, Ye Guangfu và Li Cong, sau đó đã quay trở lại mô-đun phòng thí nghiệm Vấn Thiên sau sứ mệnh kéo dài 6 tiếng rưỡi.

Một cuộc đối thoại do CCTV phát sóng cho thấy Ye Guangfu và Li Cong có vẻ thoải mái, thậm chí còn cạnh tranh xem ai có thể đến địa điểm được chỉ định trước. Họ còn nói đùa về những tư thế tạo ấn tượng cho camera trong quá trình lắp đặt.

trung-quoc-gia-co-tram-vu-tru-thien-cung-bang-lop-giap-bo-sung-sau-vu-no-ve-tinh-nga.jpg
Phi hành gia Li Cong làm việc bên ngoài trạm vũ trụ Thiên Cung - Ảnh: Tân Hoa Xã

Wu Dawei, thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phi hành gia Trung Quốc, hoan nghênh hoạt động đó. Ông lưu ý rằng “lần này, nhiều thiết bị bảo vệ hơn đã được lắp đặt, đòi hỏi thời gian di chuyển lâu hơn từ airlock đến các điểm được chỉ định. Tuy nhiên, hoạt động của họ diễn ra suôn sẻ và dễ dàng”.

Airlock là thuật ngữ trong ngành hàng không vũ trụ dùng để chỉ một khoang khóa không khí. Đây là một cấu trúc kín được sử dụng để di chuyển người hoặc thiết bị giữa hai môi trường có áp suất khác nhau, thường là giữa môi trường trong trạm vũ trụ hoặc tàu vũ trụ (có áp suất và không gian sống được duy trì) với môi trường bên ngoài không gian (chân không).

Khoang khóa không khí giúp đảm bảo rằng không có sự mất mát áp suất đột ngột khi mở cửa ra ngoài không gian và ngăn ngừa không khí thoát ra ngoài. Khi muốn ra ngoài không gian để thực hiện nhiệm vụ, các phi hành gia phải đi qua khoang khóa không khí này để điều chỉnh áp suất trước khi mở cửa ra ngoài.

Li Cong nhận xét về vẻ đẹp của trạm vũ trụ Thiên Cung khi liên lạc với cơ quan kiểm soát mặt đất Trung Quốc.

Anh nói: “Bất cứ khi nào cánh tay robot đưa tôi lên những điểm cao, mặc ánh nắng chói chang, tôi không thể không muốn nhìn kỹ hơn” và hoan nghênh nỗ lực của tất cả những người tham gia.

“Thật sự cảm động khi chứng kiến ​​sự vĩ đại của dự án này. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc siêng năng và hiệu quả để hoàn thành các nhiệm vụ trong tương lai một cách suôn sẻ”, Li Cong cho hay.

Theo Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc (CMSA), phi hành đoàn tàu Thần Châu-18 lần đầu tiên bước vào trạm vũ trụ Thiên Cung vào ngày 26.4. Trong chuyến đi bộ ngoài không gian đầu tiên vào ngày 28.5, họ đã lắp đặt các thiết bị bảo vệ trên dây cáp bên ngoài của mô-đun phòng thí nghiệm Vấn Thiên. Nhiệm vụ tối 3.7 tập trung vào việc cung cấp sự bảo vệ tương tự cho mô-đun phòng thí nghiệm Vấn Thiên và lõi Thiên Hòa.

Nhiệm vụ mới nhất đánh dấu hoạt động ngoài không gian thứ hai của phi hành đoàn ba người và lần thứ 16 cho trạm vũ trụ Thiên Cung.

Ngày 24.6, hai phi hành gia Mỹ đã phải kết thúc sớm kế hoạch đi bộ ngoài không gian vì bộ đồ du hành vũ trụ của họ bị rò rỉ nước. Nhiệm vụ liên quan đến việc lấy lại bộ phận bị trục trặc từ ăng-ten liên lạc và thu thập các mẫu vi sinh vật, đã bị cắt ngắn, chỉ còn khoảng nửa giờ trong khi nhiệm vụ được giao đáng ra kéo dài gần 7 giờ.

Theo đúng lịch trình của mình, phi hành đoàn tàu Thần Châu-18 đã hoàn thành 1/3 sứ mệnh trên quỹ đạo và sẽ sớm chào đón tàu vũ trụ chở hàng Thiên Châu-8 cùng tàu vũ trụ có người lái Thần Châu-19. Phi hành đoàn tàu Thần Châu-18 dự kiến sẽ trở về địa điểm hạ cánh Đông Phong ở miền bắc Trung Quốc vào cuối tháng 10 tới.

Thần Châu-18 là tàu vũ trụ có người lái thứ 18 của chương trình Thần Châu (Trung Quốc). Tàu được phóng thành công vào ngày 25.4, mang theo ba phi hành gia lên trạm vũ trụ Thiên Cung.

Mục tiêu của sứ mệnh Thần Châu-18:

- Tiếp tục xây dựng trạm vũ trụ Thiên Cung: Phi hành đoàn Thần Châu-18 sẽ thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng để hoàn thiện trạm vũ trụ Thiên Cung, bao gồm lắp đặt các thiết bị và mô-đun mới, thực hiện các thí nghiệm khoa học và kỹ thuật, bảo trì các thiết bị hiện có.

- Nuôi cá trong vũ trụ: Đây là lần đầu tiên Trung Quốc thực hiện thí nghiệm nuôi cá trong vũ trụ. Mục đích của thí nghiệm này là để nghiên cứu tác động của môi trường vi trọng lực với sự phát triển của sinh vật sống.

- Thực hiện các thí nghiệm khoa học khác: Phi hành đoàn Thần Châu-18 cũng sẽ thực hiện một số thí nghiệm khoa học khác trong các lĩnh vực như y học, vật liệu và vật lý.

Bài liên quan
Phi hành gia Trung Quốc lần đầu sửa chữa các tấm pin Mặt trời bị hỏng trên trạm Thiên Cung
Phi hành đoàn tàu vũ trụ Thần Châu 17 đã sửa chữa các tấm pin Mặt trời bị hư hỏng trên Trạm không gian Thiên Cung. Đây là hoạt động ngoài hành tinh đầu tiên của các phi hành gia Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
một giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc gia cố Trạm vũ trụ Thiên Cung bằng lớp giáp bổ sung sau vụ nổ vệ tinh của Nga