Trang Interesting Engineering đưa tin các nhà nghiên cứu Đại học Georgia (UGA) phát triển một vật liệu mà họ gọi là “siêu mút xốp” có khả năng giảm nguy cơ nhiễm trùng do thiết bị y tế gây ra, hỗ trợ dọn dẹp hậu thảm họa môi trường chẳng hạn như tràn dầu.
Phó giáo sư UGA Hitesh Handa cho biết: “Tạo ra bề mặt đa năng và linh hoạt là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn. Bạn chỉ có thể tạo ra bề mặt kháng khuẩn hoặc bề mặt chỉ có thể ngăn đông máu. Chế tạo được vật liệu vừa chống đông máu lại kháng khuẩn, chống bám bẩn là bước tiến đáng kể”.
Để chế tạo vật liệu mới, nhóm nghiên cứu kết hợp mút xốp thô với chất độn: tiểu cầu nano graphene dẫn điện kị nước, vi hạt đồng diệt khuẩn kị nước.
Thử nghiệm với khuẩn E.coli cho kết quả vật liệu làm giảm 99,9% vi khuẩn so với một loại polyme đơn giản - giúp giảm cơ nhiễm trùng do thiết bị y tế gây ra.
“Thiết bị y tế dễ nhiễm khuẩn. Khi đưa thiết bị y tế vào cơ thể, protein là thứ đầu tiên dính vào bề mặt và chúng giống như chất keo cho phép máu hoặc vi khuẩn bám vào. Vì vậy nếu có thể ngăn chặn hấp thụ protein thì đã chiến thắng một nửa rồi”, theo phó giáo sư Handa.
Trong các thử nghiệm tiếp theo, nhóm dùng vật liệu thấm hút nhiều hỗn hợp nước khác nhau. Vật liệu thể hiện khả năng hấp thụ và loại bỏ chất ô nhiễm hữu cơ khỏi nước, đồng thời tiêu diệt vi khuẩn.
Hiện tại mục tiêu chính của nhóm là ứng dụng vật liệu cho thiết bị y tế, chứng minh tính hiệu quả của nó trước khi chuyển sang thử nghiệm trên động vật không phải người và cuối cùng là thử nghiệm trên người. Ngoài lĩnh vực y tế, vật liệu còn có thể được sử dụng cho hoạt động làm sạch môi trường.